Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bắc Kạn: Hiệu quả truyền thông về pháp lý cho phụ nữ DTTS

Thúy Hồng - 18:30, 26/08/2022

Trong nhiều năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật luôn được các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chú trọng, thực hiện, đa dạng các hình thức truyên truyền, trong đó luôn hướng đến cơ sở, đặc biệt là hội viên phụ nữ người dân tộc thiểu số.

Truyền thông về phòng chống tảo hôn thông qua cuộc thi tìm hiểu kiến thức về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Trường THCS xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn)
Truyền thông về phòng chống tảo hôn thông qua cuộc thi tìm hiểu kiến thức về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Trường THCS xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn)

Thực hiện nhiệm vụ truyền thông, vận động hội viên phụ nữ thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Luật Hôn nhân và Gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn đã chủ động đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, tập trung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường phối hợp với các ngành liên quan có nhiều hoạt động tuyên truyền trực tiếp, sâu rộng đến địa bàn dân cư.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, các cấp hội phụ nữ ở tỉnh Bắc Kạn đã tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị quyết HĐND, nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp, Luật Hôn nhân và Gia đình; nhận thức cho đồng bào DTTS về Pháp luật về Dân số... cho hơn 1.000 hội viên phụ nữ...

Trong đó, thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025", các cấp hội phụ nữ tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho hội viên phụ nữ về các quy định pháp luật trong Luật Hôn nhân và Gia đình, về xử lý các vi phạm hành chính, hình sự liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, những hệ lụy của tảo hôn... để nâng cao nhận thức thay đổi hành vi, từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.

Từ thực tế cho thấy, hầu hết các trường hợp tảo hôn đều có cuộc sống vất vả, cực nhọc khi bước vào hôn nhân, vì các cặp vợ chồng đều chưa có sự chuẩn bị chu đáo, chưa có kiến thức về hôn nhân. Đơn cử như trường hợp em D.T.D ở thôn Đồn Đèn, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể. Đang tuổi ăn, tuổi lớn, em D đã phải làm mẹ. Năm 2005 khi mới 15 tuổi, cái tuổi mà lẽ ra em vẫn đang được tới trường, tới lớp, thì gia đình đã tổ chức cho em lấy chồng. 

Ngày ngày D phải lam lũ trên nương hay lụi cụi, với những công việc gia đình để lo miếng ăn cho con nhỏ. Những đứa con lần lượt ra đời, cùng với chuỗi ngày luẩn quẩn nghèo đói đeo bám gia đình nhỏ. Năm 2017, cuộc sống cơ cực khiến hạnh phúc gia đình đổ vỡ, chồng bỏ D theo một phụ nữ khác. Không nhà cửa, ruộng nương D đã phải tay xách nách mang bồng bế 3 đứa con nhỏ về nhờ bố mẹ cưu mang...

Phổ biến, giáo dục pháp luật qua hình thức sân khấu tại xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn)
Phổ biến, giáo dục pháp luật qua hình thức sân khấu tại xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn)

Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng mô hình điểm “Lên tiếng, bảo vệ phụ nữ và trẻ em” tại xã Thanh Vận (huyện Chợ Mới); đồng thời triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó có dự án dành riêng cho phụ nữ “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Vì vậy, công tác tuyên truyền đang được các cấp hội tập trung triển khai, từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bà Vũ Thị Kim Quỳnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Bắc Kạn cho biết: Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng, triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho chị em hội viên; trong đó chú trọng tuyên truyền đến hội viên người DTTS. 

Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở hội đa dạng nhiều hoạt động tuyên truyền như: Triển khai tại các cuộc họp thôn, tổ; tổ chức các hội thi; hỗ trợ pháp luật trực tuyến... Qua đó, các hoạt động này tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, tư tưởng và hành động cụ thể của các tầng lớp phụ nữ trong việc chấp hành quy định của pháp luật.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp hội phụ nữ, tỷ lệ tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giảm qua từng năm, cụ thể: Năm 2016 có 175 trường hợp, năm 2017 có 172 trường hợp, năm 2018 có 133 trường hợp, năm 2019 có 114 trường hợp, năm 2020 có 95 trường hợp. Đến năm 2020 không có xảy ra vụ hôn nhân cận huyết thống.

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, bình quân giảm 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn, đến năm 2025 cơ bản chấm dứt tình trạng tảo hôn, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS.

Để đạt được mục tiêu này, các cấp hội phụ nữ tỉnh Bắc Kạn xác định, cần tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS. Đặc biệt, các sở, ngành, các đoàn thể chính trị-xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS; vận động hội viên giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc và tiến bộ. 

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.