Nhọc nhằn của người mẹ tuổi trăng rằm
Trong một chuyến công tác đến với xã vùng cao Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, theo địa chỉ cán bộ xã cung cấp, chúng tôi tìm được cô gái người Mông tên Sùng Thị Mỷ (tên nhân vật đã được thay đổi) sinh năm 2004, thôn Mào Sao Chải.
Vừa địu con vừa hái rau cho lợn, đứa con trên lưng quấy khóc, cùng cái nắng oi ả giữa trưa tháng 8, khiến cho khuôn mặt trăng rằm của cô gái lộ lên những nhọc nhằn. Mỷ là người xã Nàn Sán, còn chồng tên là Cư Văn Tráng (tên nhân vật đã được thay đổi), người Mông, xã Sín Chéng, quen và yêu thương nhau qua mạng xã hội khi cả 2 cùng học lớp 9.
Tráng nói muốn cưới Mỷ làm vợ, nhưng gia đình và chính quyền khuyên ngăn. Bỏ ngoài tai những lời khuyên ngăn đó, chưa đầy 1 năm sau, Mỷ có bầu, em nghỉ học rồi về nhà Tráng làm dâu. Bố mẹ chồng đi làm xa, để nhà cửa, nương vườn và cậu con trai mới 4 tuổi cho nàng dâu 15 tuổi chăm sóc. Cả 2 vợ chồng còn đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, Mỷ sinh con trong muôn vàn khó khăn và thiếu thốn.
Trò chuyện với chúng tôi, nước mắt lăn đều trên má, Mỷ kể, “Lấy chồng xong em phải nghỉ học để sinh con. Còn chồng em vẫn tiếp tục đi học, cuộc sống vợ chồng bắt đầu có những suy nghĩ khác nhau. Hằng ngày, em dậy sớm chuẩn bị xong hết đồ ăn cho chồng mang đến lớp, rồi em đi bộ lên nương cách nhà hơn 3km, đến tối mới về. Vừa chăm con, vừa chăm em chồng, rồi chăm sóc chồng, nhiều hôm em thấy mình không còn sức lực nữa. Có những ngày cuối tuần, chồng say rượu mắng em, vợ chồng từ đó mà sinh ra mâu thuẫn".
Bữa ăn của 2 vợ chồng Mỷ cũng bữa rau bữa cháo, thi thoảng bố mẹ chồng gửi cho chút tiền thì mới được 1 bữa thịt. Con ốm, Mỷ tự ra hiệu thuốc mua thuốc cho con uống, vì nó không có giấy khai sinh, chưa có thẻ bảo hiểm y tế nên Mỷ không đưa đến bệnh viện.
Các cô chú ở xã bảo, em làm khai sinh cho con, gia đình chồng lại muốn con em mang họ bố, trong khi chồng em năm nay mới 18 tuổi, nên người ta chưa cho đăng ký kết hôn. Chồng em năm nay vừa thi xong cấp 3, thì làm hồ sơ đi làm công nhân dưới xuôi, em sắp sinh đứa thứ 2, không có ai ở nhà mà tiền cũng không có”.
Địu đứa con đang sốt trên lưng, rồi ôm cái bụng đang bầu tháng thứ 6, Mỷ đỏ hoe đôi mắt tiếc nuối: Ngày xưa ở nhà với bố mẹ, em không phải làm gì ngoài đi học. 3 năm trôi qua, hằng ngày nhìn chồng cùng bạn đến lớp, còn mình thì đi nương, đêm về lại chăm con, em không dám nghĩ tới chuyện đi học trở lại. Giờ em muốn được quay trở lại lớp học, để sau này còn có một công việc ổn định, nhưng đi học thì không ai nuôi con cho em. Em tiếc những tháng ngày qua, nhưng thời gian lại không bao giờ quay lại nữa cán bộ ạ.
Tỷ lệ tảo hôn thuyên giảm không rõ ràng
Ông Thào A Cháng, Phó Chủ tịch xã Sín Chéng cho biết, trên địa bàn xã vẫn còn tình trạng tảo hôn, đối tượng là trẻ vị thành niên. Ngày thường, các cháu đi học, đến dịp nghỉ lễ tết, các cháu được nghỉ học về nhà mới quen nhau rồi yêu đương dẫn đến bỏ học và tự ý về ở với nhau. Có nhiều trường hợp xã nắm bắt được, đến vận động và kịp thời ngăn chặn.
"Những năm gần đây, chúng tôi kết hợp cùng các ngành và trường học làm công tác tuyên truyền, nên tỷ lệ tảo hôn giảm đi nhiều so với những năm trước. Những trường hợp còn sót lại, là các cháu trốn đi nơi khác sinh sống rồi khi có con mới quay về, chính quyền xã đang tìm hướng giải quyết tốt nhất”, ông Thào A Cháng chia sẻ.
Theo thống kê của ngành Dân số tỉnh Lào Cai, tỷ lệ trẻ em được sinh ra từ những người mẹ đang trong độ tuổi học sinh còn cao, đa số tại các xã vùng cao, biên giới của tỉnh.
Ông Đỗ Sỹ Hùng, Giám đốc Chi cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình tỉnh Lào Cai cho biết: Tình trạng sinh con ở những người mẹ trong độ tuổi vị thành niên vẫn còn cao trên toàn tỉnh, tình trạng này không phải là mới mà tồn tại từ rất lâu. Mỗi năm, ngành Y tế kết hợp với ngành Giáo dục, Ban Dân tộc và các đơn vị tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và giáo dục giới tính cho học sinh, trẻ vị thành niên ở khắp các trường học, UBND xã, phường trên địa bàn. Tuy nhiên, tỷ lệ vẫn còn cao, thuyên giảm không rõ ràng, tỷ lệ đó chuyển dần từ thành thị sang vùng cao, phần đa là đồng bào DTTS như Mông, Dao…
Một trong những môi trường tuyên truyền được đánh giá có hiệu quả trong công tác tuyên truyền, là câu lạc bộ “Dấu hỏi xanh” của trường trung học Phổ thông dân tộc nội trú (THPTDTNT) tỉnh Lào Cai.
Cô Trần Xuân Mai, Phó hiệu trưởng Trường THPTDTNT tỉnh Lào Cai chia sẻ: Tất cả học sinh khi bước chân vào trường đều phải tham gia câu lạc bộ “Dấu hỏi xanh”, nhà trường tổ chức định kỳ mỗi quý 1 lần. Ở đây, các em được thoải mái chia sẻ những tâm tư, tình cảm của mình, truyền thụ nhiều kiến thức để các em có thể tự bảo vệ mình trước những cám dỗ của tình yêu và tình dục. "Chúng tôi mong muốn, các em cũng là những tuyên truyền viên tích cực, chia sẻ tới đồng bào nơi gia đình các em đang sống về giáo dục giới tính, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…"
Ông Đỗ Sỹ Hùng cho biết thêm: Hiện nay, công tác tuyên truyền luôn được đẩy mạnh và áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt. Tuy nhiên, tài liệu về giới tính, tình dục lại tràn lan trên mạng xã hội, các cháu không phân biệt được cái nào có lợi, cái nào độc hại, thiếu sự hướng dẫn đồng hành của cha mẹ, các cháu rất dễ tò mò tìm hiểu rồi làm theo. Ở vùng cao, biện pháp tránh thai không sẵn có, các cháu còn e dè để tìm mua ở các hiệu thuốc, dẫn đến việc các cháu quan hệ tình dục sớm, không an toàn và có con ngoài ý muốn.
“Theo thống kê chuyên ngành Dân số và Phát triển tỉnh Lào Cai năm 2021, số trẻ sinh ra của phụ nữ dưới 20 tuổi là 1.956 trẻ /11.070, chiếm 17,67% trẻ được sinh ra trong toàn tỉnh (dân tộc Mông chiếm 60,22%, dân tộc Dao chiếm 17,12%, dân tộc Tày chiếm 8,23%, còn lại các dân tộc khác chiếm 14,43%); số trẻ sinh ra của phụ nữ dưới 18 tuổi là 812 trẻ chiếm tỷ lệ 7,35%. Các huyện có tỷ lệ trẻ em sinh ra của phụ nữ dưới 20 tuổi cao như Bắc Hà 25,29%, Si Ma Cai 25,07%, Bát Xát 21,57%)”.