Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người Chu Ru ở K’răng Gọ: “Thắp lửa” nghề gốm mộc truyền thống

Đinh Hiển – Ánh Dương - 12:01, 19/01/2021

Vài chục năm trở lại đây, nghề gốm mộc của bà con đồng bào Chu Ru ở K’răng Gọ, xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng tưởng chừng bị mai một và thất truyền do “cơn bão” đồ nhựa, nhôm, gang, inox, thủy tinh... ập tới. Tuy nhiên, hiện nay, một số nghệ nhân tâm huyết của đồng bào Chu Ru nơi đây đang nỗ lực “thắp lửa” nung nấu nhằm phục dựng và phát triển nghề gốm mộc truyền thống của tổ tiên.

Gốm mộc truyền thống của đồng bào Churu không nhiều hoạ tiết nhưng mềm mại nhờ bàn tay khéo léo nặn thủ công của các nghệ nhân.
Gốm mộc truyền thống của đồng bào Chu Ru không nhiều hoạ tiết nhưng mềm mại nhờ bàn tay khéo léo nặn thủ công của các nghệ nhân.

“Mai một chỉ là… tạm thời”

Đó là lời khẳng định của nghệ nhân Ma Li, một trong vài nghệ nhân gốm còn lại ở làng K’răng Gọ. Trong mắt người nghệ nhân già này, gốm ở K’răng Gọ hiện rõ nét tâm linh của người Chu Ru. “Sự mai một nghề gốm mộc chỉ là tạm thời. Ánh lửa rơm cháy, củi cháy, ngô cháy và mùi lửa nung gốm vẫn còn âm ỉ đâu đó và đang chờ đợi ngày thức giấc”, nghệ nhân Ma Li nói vậy.

Màu lửa gốm K’răng Gọ trở thành cảm xúc riêng, chất chứa bao câu chuyện về đời sống sản xuất nông nghiệp, về phát triển kinh tế, về sắc màu văn hóa của đồng bào Chu Ru. Nghệ nhân Ma Bi là chị gái ruột của nghệ nhân Ma Li cũng nhớ lại: Trước đây, vào mùa khô, từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, ngày nào ở K’răng Gọ cũng nhộn nhịp, người người nặn gốm, nhà nhà phơi gốm. Đàn ông thì tất bật gùi đất, kiếm củi, thắp lửa. Đàn bà thì gò lưng sàng đất, nhào đất, nặn gốm để đổi chiêng, ché, thổ cẩm với người Mạ, người Cơ Ho và đổi gạo, đổi muối với người Kinh…”

Không những thế, đồ gốm mộc Chu Ru còn theo chân những người Ê Đê, Ba Na sang tận Buôn Ma Thuột, Pleiku. Cũng có những thương nhân buôn bán người Lào, người Campuchia mang vật phẩm đến K’răng Gọ, đổi lấy gốm mộc Chu Ru về dùng, và bán. Đồ gốm mộc Chu Ru đã theo các lái buôn ngược xuôi vang danh khắp vùng.

Theo nghệ nhân Ma Bi, cách thức mua bán gốm thời đó cũng rất đơn giản, chỉ mang tính ước lượng tương đối, chứ ít khi tính toán chi li. Nếu là gạo, cứ đong đầy sản phẩm gốm, rồi bên này lấy gạo, bên kia lấy gốm. Nếu là vật phẩm quý, sẽ căn cứ vào độ tinh xảo của gốm để trao đổi. Và chính nghề gốm mộc đã đem lại cuộc sống ấm no, thịnh vượng cho bà con đồng bào Chu Ru ở K’răng Gọ.

Các sản phẩm gốm mộc truyền thống của đồng bào Chu Ru được trưng bày ở nhà thờ Ka Đơn.
Các sản phẩm gốm mộc truyền thống của đồng bào Chu Ru được trưng bày ở nhà thờ Ka Đơn.

Bẵng một thời gian sau, K’răng Gọ vắng hoe. Cơn bão đồ nhựa, đồ nhôm, đồ gang, đồ inox, thủy tinh... ập tới đã quét đồ gốm Chu Ru ra khỏi gác bếp. Thế là nghề nặn nồi đất, sinh kế một thời của người Chu Ru cứ xa dần, xa dần. K’răng Gọ giờ đây chỉ còn vài nghệ nhân, trong đó có hai chị em Ma Bi và Ma Li duy trì nghề nặn gốm. Như một duyên nợ, cứ có thời gian rảnh rỗi, hai chị em bà Ma Bi và Ma Li lại lên núi K’Lơr, lấy đất gùi về nặn gốm cho đỡ nhớ nghề. Thi thoảng bán một vài sản phẩm gốm cho khách du lịch, kiếm vài đồng thêm thắt chút mắm muối, chứ tập trung làm gốm không thì không đủ trang trải cuộc sống.

 “Thắp lửa” nghề gốm

“Sản phẩm gốm đặc trưng của đồng bào Chu Ru làm ra không có nơi tiêu thụ. Đó là nguyên nhân chủ yếu ở K’răng Gọ hầu như không nhà nào còn đỏ lửa, duy trì nghề làm gốm, không nhà ai cần bàn xoay rất độc đáo này”, Linh mục Phêrô Trần Quốc Hưng Long, quản xứ Giáo xứ Ka Đơn, nơi còn lưu giữ khá nhiều đồ vật làm bằng gốm mộc K’răng Gọ, của đồng bào Chu Ru, cho biết.

Theo Linh mục Phêrô Trần Quốc Hưng Long, từ thời điểm năm 2014, khi chuẩn bị khánh thành Nhà thờ Ka Đơn mới, mọi người phát hiện trong nhà kho cũ khá nhiều vật dụng bằng gốm có hình thái và màu sắc đặc biệt. Khi nghiên cứu tìm hiểu mới biết đây là những sản phẩm gốm mộc – vang bóng một thời của người Chu Ru ở K’răng Gọ.

Vậy là Giáo xứ Ka Đơn bàn bạc với các nghệ nhân, khôi phục lại nghề gốm cổ truyền của bà con người Chu Ru. Cùng với những mẫu mã gốm truyền thống, Giáo xứ Ka Đơn còn thiết kế thêm những đồ dùng và những vật phẩm trang trí mới. Hiện nay, các sản phẩm gốm của người Chu Ru còn có thêm ấm trà, tách trà, bình cắm hoa, hộp đựng gia vị, hộp đứng bánh kẹo, chân đèn thờ, chum đốt hương trầm, tượng...

Từ đó, mẫu mã gốm mộc Chu Ru đa dạng hơn, tính ứng dụng cũng cao hơn và dễ đi vào đời sống hơn. Bây giờ, sản phẩm gốm mộc Chu Ru có thể dùng trong nhà bếp, trên bàn ăn, sử dụng ở nơi thờ tự, thậm chí là điểm nhấn sang trọng cho các thiết kế nội thất, ngoại thất và sân vườn.

Nghệ nhân Ma Li giới thiệu các sản phẩm gốm mộc truyền thống của đồng bào Chu Ru.
Nghệ nhân Ma Li giới thiệu các sản phẩm gốm mộc truyền thống của đồng bào Chu Ru.

Theo Linh mục Phêrô Trần Quốc Hưng Long đánh giá: “Gốm ở đây có tiếng vang rất lạ so với gốm những nơi khác”, vừa nói vị cha xứ vừa gõ gõ lên nồi gốm và nói tiếp: “Tiếng vang rất thanh và xa, nghe như tiếng vang của kim loại, chứ không phải tiếng vang của đất nung”.

Ông Phùng Quốc Minh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đơn Dương, nói thêm: “Có lẽ chất đất ở K’răng Gọ, với những hạt li ti óng ánh màu kim loại, tạo cho tiếng vang của gốm trở nên đặc biệt. Gốm làm từ loại đất này, càng nung càng chắc, không hề nứt, hay vỡ”.

Hiện nay, nhà thờ Ka Đơn dành hẳn một không gian rộng để trưng bày và bán sản phẩm gốm mộc Chu Ru. Nghề nặn đất, nung gốm của đồng bào Chu Ru dần phục hồi và được nối truyền. “Để người dân giữ lại nghề thì trước hết phải làm cho họ sống được bằng nghề. Số tiền mà Giáo xứ Ka Đơn mua các sản phẩm gốm mộc Chu Ru tuy ít ỏi nhưng là niềm vui, cũng là động lực để người Chu Ru tiếp tục gắn bó với nghề truyền thống của tiên tổ”, Linh mục Phêrô Trần Quốc Hưng Long cho hay.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.