Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tâm nguyện của nghệ nhân làng gốm bên sông Trà Bồng

Nguyễn Trang – Thành Nhân - 23:40, 28/01/2020

Làng gốm Mỹ Thiện nằm bên dòng sông Trà Bồng thơ mộng. Dẫu thời thế đổi thay, ở đó vẫn có một người đắm đuối, say mê với nghề và mong được truyền nghề cho thế hệ tiếp nối.

Qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân, các sản phẩm gốm Mỹ Thiện có sự tinh tế riêng biệt.
Qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân, các sản phẩm gốm Mỹ Thiện có sự tinh tế riêng biệt

Nghề chỉ có một người

Làng gốm Mỹ Thiện nằm ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Cách đây hơn 200 năm, gia đình các ông Phạm Công Đắc, Nguyễn Công Ất từ Thanh Hóa tới định cư ở Quảng Ngãi. Mang theo nghề gốm nổi tiếng của Xứ Thanh, họ dựng những lò nung gốm sứ đầu tiên ở làng Mỹ Thiện bên bờ sông Trà Bồng. Tài hoa, chịu thương, chịu khó, từ thuở ban đầu đó, sản xuất gốm dần trở thành nghề ở miền đất mới miền Trung và ngày một phát đạt, thịnh nhất trong các năm 1960 đến 1975. Truyền rằng, thời vàng son của nghề, gốm Mỹ Thiện tỏa đi Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, vươn lên Tây Nguyên, thậm chí, còn được các thương nhân buôn xa, bán lớn đưa tới tiêu thụ tại Thái Lan, Campuchia, Lào... Người dân Mỹ Thiện càng hãnh diện khi sản phẩm của làng được chọn tiến cung phục vụ Chúa Nguyễn, được khen ngợi và ban sắc phong.

Nhưng, sự thịnh vượng của nghề gốm không kéo dài mãi, khi số lượng lò gốm mọc lên ngày một nhiều. Năm 1964 Trà Bồng gặp trận lụt lớn, lạch Bến Củi bị bồi lấp, nguồn nguyên liệu trở nên hiếm cộng với chi phí sản xuất, vận chuyển tăng cao. Vài năm gần đây, nhiều sản phẩm gốm của các nhà sản xuất trong và ngoài nước tràn về, nghề gốm của làng Mỹ Thiện đã khó lại càng thêm khó - ông Trịnh thở dài. Không trụ được với nghề, cánh thợ gốm của làng Mỹ Thiện đành ngậm ngùi nói lời chia tay, tìm kế sinh nhai khác.

Đất sét được đặt lên bàn xoay và tạo hình bằng tay.
Đất sét được đặt lên bàn xoay và tạo hình bằng tay

Theo nghề ở làng Mỹ Thiện chỉ còn gia đình Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh. Ông nội của ông Trịnh – cụ Đặng Mậu từng là nghệ nhân gốm giỏi nhất làng, được triều đình ban thưởng. Thế nên trong sâu thẳm, cho dù thời thế thay đối, ông Trịnh vẫn quyết tâm cùng với gia đình giữ nghề tới cùng.

Mong ước giữ nghề cho hậu thế…

Trải qua nhiều biến thiên, kỹ thuật sản xuất gốm Mỹ Thiện vẫn còn đó. Hơn cả kỹ thuật, người thợ gốm làng Mỹ Thiện thực sự như người nghệ sĩ dùng đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện của mình để vừa xoay bàn gỗ, vừa vuốt những phôi đất sét vô hồn thành những chum, ché, ghè, vò, bình vôi, ấm trà... với những họa tiết sống động. Nhiều người cho rằng, nghệ nhân làm gốm, đó chính là những người “thổi hồn” vào đất.

Vừa tranh thủ làm theo đơn đặt hàng của khách, nghệ nhân Phạm Thị Thu Cúc, vợ nghệ nhân Đặng Văn Trịnh, cho hay: Tạo hình nhiều công đoạn. Với những hàng nhỏ, người ta chỉ lên 1 - 2 tầng thôi. Những chum đựng muối, mắm tới 50 - 100 lít có tới 5 - 6 công đoạn. Khó nhất là ở kỹ thuật ráp thân trên, thân dưới với nhau. Người thợ gốm cần phải biết khi nào thì vừa đủ độ chín để sản phẩm lấy ra không vỡ. “Gốm Mỹ Thiện vẫn giữ nét xưa, làm gốm theo nét cổ điển như ông bà đã làm. Đất sét được lấy từ xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, phần men gốm được hòa trộn thủ công bằng cách lấy đá son, đất trắng, đất sét, say nhuyễn, pha với nhau để làm màu cho gốm.

Những sản phẩm nặn từ đất sét ở làng gốm Mỹ Thiện sẽ được phơi 1 tháng trước khi nung
Những sản phẩm nặn từ đất sét ở làng gốm Mỹ Thiện sẽ được phơi 1 tháng trước khi nung

Gốm Mỹ Thiện không dùng màu hóa học hay màu vẽ nên sản phẩm vẫn giữ nét cổ xưa. Quy trình kỹ thuật 2 lần nung qua lửa, lần nung đầu để tạo xương, sau đó, sản phẩm được nhúng men rồi đem nung lần hai giúp sản phẩm bảo đảm về độ cứng, đáp ứng yêu cầu về màu men, sự sinh động của hoa văn như hình rồng, phụng, chuột, hoa, lá, 12 con giáp... Nhiều người mê sản phẩm gốm còn tới đây đưa ra ý tưởng về mẫu mã, kiểu dáng rồi nhờ vợ chồng ông làm hộ” - lời ông Trịnh.

Hai năm gần đây, khách du lịch tìm đến làng để trải nghiệm làm gốm ngày càng nhiều. Hiện nay, làng gốm Mỹ Thiện là một điểm trong tuyến thăm quan của Công viên địa chất Lý Sơn-Sa Huỳnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cử đoàn xuống thăm quan, tìm cách thu hút khách du lịch đến với cơ sở sản xuất gốm của gia đình ông Trịnh, với mong muốn quảng bá hơn nữa làng nghề này. Ông Trịnh cũng đang đầu tư xây dựng một nhà trưng bày để trưng bày các mặt hàng, phòng trải nghiệm làm gốm.

“Mỗi năm, tôi lại già đi nhưng con cái không ai nối nghiệp. Buồn lắm. Thế nên tôi cố gắng hoàn thành nhà trưng bày và tạo điều kiện cho mọi người đến học nghề để giữ nghề truyền thống”, ông Trịnh nói.

Lời của ông có lẽ cũng là tâm nguyện của nhiều người dân làng Mỹ Thiện hiện nay.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.