Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nghề đục đá ở bản Ỏm

Minh Thu - 19:46, 06/08/2021

Tại bản Ỏm, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), hơn 40 năm nay có hai lngười vẫn duy trì nghề đục đá làm cối. Dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm và thu nhập từ nghề cũng chẳng đáng là bao nhưng 2 lão nông vẫn "say nghề" và rất trăn trở khi chưa có người để truyền nghề.

Ông Lường Ngọc Hiển miệt mài với nghề đục cối đá dù dã bước vào tuổi 80
Ông Lường Ngọc Hiển miệt mài với nghề đục cối đá dù dã bước vào tuổi 80


“Lửa nghề” của lão nông

Một ngày tháng Bảy, anh Nguyễn Xuân Hiếu, cán bộ văn hóa xã hội xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn đưa tôi đến chiếc lều dựng ngay đầu tỉnh lộ 245, trên cung đường từ Chợ Đồn đi hồ Ba Bể. Anh Hiếu giới thiệu, đây là nơi làm nghề của ông Lường Ngọc Hiển, 80 tuổi và ông Lường Văn Ngân - hai lão nông hiếm hoi trên địa bàn xã còn giữ được nghề làm cối đá từ hơn 40 năm nay.

Khá bất ngờ, mới đầu giờ sáng, trong khi có những gia đình còn chưa thức dậy, ông Lường Ngọc Hiển đã dọn hàng xong. Chỗ làm nghề của ông là chiếc chòi quây tạm bằng mấy tấm bạt cũ, vài tấm thưng gỗ, đồ nghề chẳng có gì ngoài hai chiếc búa, vài chiếc đục, dăm ba khối đá…

Trong đời sống của đồng bào dân tộc Dao, chiếc cối đá là vật dụng gia truyền lâu đời. Giờ có nhiều máy móc thay thế, nhưng cối đá xay gạo, giã cua, ngô, đậu... vẫn được nhiều người sử dụng - Ông Lường Ngọc Hiển cho biết

Kể lại nghề đục đá, ông Hiển bảo, khoảng những năm 1978-1980, sau khi xuất ngũ, ông về làm việc ở ngành thương nghiệp Chợ Đồn rồi nghỉ chế độ. Quanh quẩn ở nhà cũng buồn, ông thường qua nhà ông Trân, người cùng bản Ỏm chơi và học hỏi đục đá từ ông Trân.

Ban đầu cũng định học  gặp gỡ người này người khác cho đỡ buồn, kiếm thêm được đồng nào quý đồng ấy. Thế nhưng từ những khối đá vô tri, qua bàn tay của ông, đã biến thành những vật dụng hữu ích, như cối đá để xay gạo, xay bột, giã cua, giã đậu... được nhiều người sử dụng khiến ông rất thích thú.

"Thấm thoắt đã hơn 40 năm, tôi gắn bó với nghề đục đá làm cối này rồi đấy”, ông Hiển tâm sự.

Ông kể, tùy theo kích thước, mỗi chiếc cối mất chừng dăm ngày. Có những chiếc phải mất hàng chục ngày mới hoàn thiện. Mà không phải cứ đục là xong, còn phải chú ý đến vân đá, lựa chọn đá sao cho đạt yêu cầu từ độ cứng đến độ mịn để tạo nên một sản phẩm ưng ý.

Ông Hiển chia sẻ, đã từng có thời gian ông nghỉ không làm cối, nhưng rồi ở không buồn chân, buồn tay, ông lại ra lều nhận làm cối đá. Vừa có thêm thu nhập, vừa gặp gỡ mọi người cho vui tuổi già. Theo ông Hiển, bình quân, mỗi chiếc cối có giá khoảng 200 nghìn đồng, làm chừng ba bốn ngày thì xong. Có những chiếc loại to (đường kính khoảng 30cm) do khách đặt, mất chừng chín, mười ngày để hoàn thiện, giá có thể lên đến 1,5 -1,7 triệu đồng. Nhưng số này không nhiều. Chủ yếu ông làm những chiếc cối loại nhỏ, vừa tiền, mỗi tháng bán chừng 5-7 chiếc, cũng có thể thu nhập từ 1 - 1,5 triệu đồng.

Chìa đôi tay chi chít vết sẹo, như minh chứng cho những tháng năm giữ “lửa nghề”, ông Hiển bộc bạch: “Có những lúc gần hoàn thiện chiếc cối, đục không khéo, chiếc cối vỡ tan, vừa tiếc công, vừa xót của”.

Mong muốn giữ được nghề

Theo anh Nguyễn Xuân Hiếu, cán bộ văn hóa xã hội xã Ngọc Phái, thì hiện trên địa bàn huyện Chợ Đồn  chỉ còn ba người biết đến nghề đục đá làm cối. Cả ba người đều ở bản Ỏm, xã Ngọc Phái nhưng chỉ còn hai người làm nghề là ông Lường Ngọc Hiển và em trai - ông Lường Văn Ngân, năm nay cũng đã 77 tuổi.

Vừa trò chuyện với chúng tôi, ông Hiển vừa ngắm nghía, mân mê, tìm cách tạo hình cho những khối đá. Những âm thanh lóc cóc, lách tách của tiếng đục chạm vào đá bất như một khúc nhạc hòa tấu giữa thiên nhiên. 

Với tay lấy chiếc dùi và chiếc thước để lấy tâm cho chiếc cối, ông Hiển cho biết: Khâu chọn đá để làm cối là rất quan trọng, bởi bên ngoài là một khối đá to nhưng bên trong không biết thế nào. Để đảm bảo chất lượng, phải đục thử bốn mặt để xem đá có bị rạn, bị nứt không, màu sắc có đồng đều không. Sau đó mới đến công đoạn tạo hình cho chiếc cối, bằng cách lấy compa tạo hình tròn miệng cối rồi đục theo. Công đoạn đục phải thật tỉ mỉ, thận trọng, khéo tay.

Ông Hiển rất trăn trở khi chưa tìm được người để truyền nghề
Ông Hiển rất trăn trở khi chưa tìm được người để truyền nghề

Ông Hiển chia sẻ thêm, ông năm nay đã 80 tuổi, còn sức lực thì còn theo nghề, nhưng rồi cũng đến lúc phải nghỉ. Chỉ có điều không có người tâm huyết để truyền nghề. Ông kể, cũng đã từng có vài ba người đến xin học nghề, nhưng chỉ được dăm ngày, người cố gắng được độ chục ngày là bỏ, không thấy quay trở lại. 

“Chắc nghề này vất vả, thu nhập lại chẳng đáng bao nên không ai muốn học", ông Hiển bộc bạch.

Để duy trì "lửa nghề”, ông Hiển đã từng nhận làm thêm bia đá, đồ đá mỹ nghệ như, cối đá chạm rồng, nghế đá, nhưng sản phẩm chưa được nhiều người biết đến. Hơn nữa, sản phẩm của cụ làm chủ yếu theo đơn đặt hàng của những người quen, chưa thể vươn ra thị trường. 

Theo ông Lường Ngọc Hiển, những năm gần đây, địa phương đang chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, địa phương cũng đã được đầu tư con đường tỉnh lộ 245 nối từ trung tâm huyện Chợ Đồn vào thẳng khu du lịch hồ Ba Bể. Đây là cơ hội cho nghề đục đá phát triển, không chỉ có sản phẩm cối đá, mà chúng ta có thể phát triển thêm nghề đá mỹ nghệ, với việc đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du lịch.  Lúc đó, nghề đá tuy vất vả nhưng nếu ai tâm huyết không sợ thiếu việc làm, thu nhập.

"Mong muốn của tôi là, chính quyền địa phương xem xét, có kế hoạch đầu tư để khuyến khích phát triển nghề đá, trước mắt là giữ được nghề của địa phương, sau đó tạo sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, tạo thu nhập cho người dân”, ông Hiển chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.