Nỗ lực bảo tồn
Cùng cán bộ văn hóa xã Ngọc Phái, chúng tôi đến xóm Bản Cuôn 1, nơi có 100% đồng bào Dao đỏ sinh sống. Bên hiên nhà, chị Triệu Thị Cơi, Trưởng bản đang thoăn thoắt thêu những mảnh thổ cẩm trên chiếc áo truyền thống của người Dao đỏ.
Dừng tay pha nước mời khách, chị Cơi chia sẻ: Ngay từ khi còn nhỏ, tôi được mẹ truyền dạy những kỹ thuật thêu dệt váy áo thổ cẩm truyền thống. Thấm thoắt vậy mà đã gần 30 năm. Chị Cơi cho biết, ở bản hiện có 70 người biết dệt váy áo truyền thống. Trang phục truyền thống của người Dao đỏ phải đầy đủ khăn quấn đầu, áo trong, áo ngoài, váy và vải bó chân. Dệt hoa văn trên thổ cẩm là công đoạn phức tạp và mất nhiều thời gian nhất. Bởi mỗi loại hoa văn lại thể hiện một ý nghĩa riêng. Do vậy, để hoàn thành một bộ váy áo thổ cẩm, người phụ nữ phải mất hằng tuần để nhuộm vải, chọn chỉ, thêu dệt.
“Với người Dao đỏ, màu chủ đạo trên váy áo là màu đỏ, theo quan niệm đây là màu may mắn, mang lại năng lượng tích cực cho bản thân và cộng đồng. Họa tiết, hoa văn thêu trên váy áo thường là chữ Vạn, hình hoa lá, hình quả trám hoặc cây cối, chim muông… với ý nghĩa hòa hợp với thiên nhiên. Đặc biệt, chiếc khăn đội đầu của phụ nữ Dao đỏ được thêu nhiều họa tiết tinh tế: Hình cách đoạn, cây vạn hoa, hình vết chân hổ… Khi đội lên đầu, hoa văn sẽ được khoe ra, tạo vẻ hấp dẫn riêng có của hoa văn trên trang phục”, chị Cơi chia sẻ.
Để phụ nữ Dao biết thêu dệt thổ cẩm truyền thống, ngoài sự quan tâm, giúp đỡ của ngành Văn hóa (hỗ trợ vải, chỉ thêu và mở lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm), còn có sự đóng góp của chị Triệu Thị Cơi và bà Triệu Thị Sỉnh trong việc bỏ công sức truyền dạy lại kỹ năng dệt vải thổ cẩm cho phụ nữ trong bản. Từ vài người biết nghề, thạo nghề, nhờ có các chị mà hiện 70% số phụ nữ ở bản Cuôn 1 thành thạo nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
“Tự hào với nét đặc sắc trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ, coi đây là báu vật tổ tiên để lại nên chúng tôi đã nỗ lực để gìn giữ, truyền lại cho con cháu đời sau”, bà Sỉnh tự hào nói.
Phát huy bản sắc
Ở Bản Cuôn 1, ngoài việc bảo tồn, phát triển nghề thêu, dệt thổ cẩm, thì nhiều lớp dạy chữ Nôm Dao đã được khai mở. Ông Triệu Tài Chư, một trong những người tham gia đứng lớp truyền dạy chữ Nôm Dao cho hay: Từ năm 2017 đến nay, chúng tôi đã mở được 3 lớp chữ Nôm Dao cho khoảng 90 học viên. Đến nay, 70% trong số những người theo học cơ bản đã biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao. Học được chữ Nôm Dao, có người đi làm Tào (thầy cúng), có người đi làm Pụt (làm thầy dạy chữ). Những người trẻ hơn được bố mẹ cho đi học để hiểu thêm về nguồn cội.
“Hiện ở Bản Cuôn 1 có 3 người thành thạo chữ Nôm Dao. Chúng tôi sẽ cố gắng để duy trì các lớp học vào những tháng hè để truyền lại văn hóa cho thế hệ sau. Không thể bỏ được vì bỏ chữ là bỏ văn hóa. Bỏ văn hóa thì sẽ mất hết. Tiền không mua lại được”, ông Chư trải lòng.
Cùng với dạy chữ Nôm Dao, ông Chư cùng ông Hà Sỹ Văn, ông Triệu Tài Thăng, là 3 người còn lại trong thế hệ người già ở Bản Cuôn 1 biết và thực hiện được nghi thức nhảy lửa của người Dao đỏ. Ông Chư cho biết: Đây là nghi thức được thực hiện vào ngày mùng 1 tết Nguyên đán và rằm tháng Giêng. Theo quan niệm của người Dao đỏ, lửa tượng trưng cho sự sống và được coi như vị thần linh thiêng. Đồng bào Dao đỏ tin rằng, khi Lễ nhảy lửa diễn ra, thần lửa sẽ sưởi ấm và mang lại cho dân bản một năm mới tốt lành, mùa màng bội thu.
Theo ông Triệu Tài Chư, thật khó để giải thích về việc đi trên than hồng (nhảy lửa) bởi không phải ai cũng thực hiện được việc này. Như bản thân ông, khi bước chân trên than hồng, chỉ thấy bàn chân ấm dần lên, người lâng lâng, nhè nhẹ, tuyệt đối không hề có cảm giác nóng hoặc bị bỏng rát.
Không chỉ có ý nghĩa cầu phúc, cầu sức khỏe trong năm mới, Lễ nhảy lửa còn được thực hiện trong Lễ cấp sắc của người Dao đỏ. Thanh niên đến tuổi cấp sắc sẽ làm lễ khao binh trước tổ tiên. Sẽ có hai thầy cúng trong Lễ cấp sắc. Một thầy sẽ mời tổ tiên, binh lính hiển linh, một thầy nhảy lửa, múa và phân chia đồ ăn cho binh mã.
Bà Hà Thị Khánh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Chợ Đồn cho biết, trong năm 2020, huyện đã thực hiện việc khảo sát, đánh giá và có phương án hỗ trợ kinh phí đối với một số lễ hội. Theo đó, hỗ trợ kinh phí duy trì các mô hình bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể đối với mô hình dạy chữ Nôm Dao, nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục dân tộc Dao đỏ, phục dựng Lễ hội nhảy lửa.
“Tới đây, huyện sẽ lựa chọn một số loại hình văn hóa tiêu biểu tại những địa phương có lợi thế phát triển du lịch gắn với các điểm di tích lịch sử để duy trì hoạt động và những dịp lễ, tết hằng năm, tiến tới tổ chức thành mô hình du lịch cộng đồng phục vụ khách thăm quan, trải nghiệm”, bà Hà Thị Khánh cho biết thêm.