Những cuộc đấu bò ở lưng trời
Khi những nhành lau trắng muốt trên nương và cái rét cũng đã bớt phần tê tái, người Mông xứ Nghệ lại vui hội chọi bò. Tính theo âm lịch, hội chọi bò thường bắt đầu vào những ngày đầu năm mới của tết Nguyên đán. Trước đó, cả một khoảnh đất rộng đã được san phẳng, quây tre nứa xung quanh… làm đấu trường của những chú bò.
Suốt dọc dài biên cương, từ xã Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Típ, Tây Sơn… qua Mường Lống, Đọoc Mạy…. ở đâu có đồng bào Mông sinh sống, ở đó có hội chọi bò.
Tôi đã may mắn được dự một hội chọi bò của người Mông. Khỏi phải nói, “nghẹt thở” đến phút cuối cùng. Dẫu không phải xúc cảm của những ông chủ đang có bò chọi trên sàn đấu, nhưng cũng đầy hồi hộp rồi vỡ òa như hàng trăm khán giả theo dõi cuộc đấu của những chú bò.
Trước trận chiến, những con bò chọi vừa đi vừa gườm đối thủ, mắt long lên đầy tia đỏ, sẵn sàng ăn thua với đối thủ bất cứ lúc nào. Rồi chỉ chờ chủ nhân tháo dây chão ở mũi, chúng lao vào nhau như mũi tên đã được kéo căng từ trước. Cốp, cắc… tiếng sừng va vào nhau chát chúa. Hai con bò trụ vững bằng hai chân trước, ghì chặt sừng thủ thế rồi thở phì phì. Cả bãi đất bị cặp bò quần thảo trở nên nát nhừ như ruộng cày. Bên ngoài hàng rào, tiếng reo hò của người xem cứ thế vang lên không ngớt.
“Nuôi trâu bò không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn để tham gia hội chọi. Những con thắng cuộc không chỉ là biểu tượng của sức mạnh, mà còn được coi là may mắn mang đến nhiều tài lộc cho dân bản trong năm mới”, ông Vừ Giống Dìa, Trưởng Ban Tổ chức hội chọi trâu, bò xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn nói với tôi mà mắt vẫn không rời trận đấu.
Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe bộc bạch rằng: Hội chọi trâu, bò của đồng bào Mông ở Kỳ Sơn được hình thành từ xa xưa và là nét văn hóa truyền thống trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào. Ngoài ra, hội chọi bò, còn là dịp để các chủ bò thể hiện tài năng trong quá trình chăn nuôi và huấn luyện bò chọi.
“Săn” bò chọi cũng lắm công phu
Dù đã sở hữu 3 con bò chọi nức tiếng ở bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, nhưng Hờ Tồng Chùa không thôi “săn” bò chọi. Cứ sau mỗi hội chọi bò, Chùa lại mải miết theo những cánh rừng, dốc núi để tìm con giống ở mỗi bản làng.
Theo Hờ Tồng Chùa, để bò có thể chọi được, con bò phải đáp ứng các yếu tố như sừng dài cong; u cao; lưng thon, đuôi dài theo những chỉ số nhất định. Rồi anh Chùa chắc nịch: Một con bò đẹp thường rơi vào độ tuổi từ 4 - 5 năm. Qua việc xem răng và xem xoáy trên lưng, người chơi sẽ biết được độ tuổi và mức độ dễ thuần hóa của bò.
Vừa kinh doanh bò chọi và chơi bò chọi nên nhà Lầu Bá Tu ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn có 5 con bò chọi. Anh Tu bật mí thêm về nghề chọn bò chọi của người Mông: Bò giống chủ yếu được mua từ Lào về, một số được chọn từ giống bò vàng địa phương. Mắt bò nhỏ, đảo liếc liên tục, đầu to, da đầu dày, thân chặt, cổ bè, ngực nở, bụng thon, chân sau hơi cong… Còn sừng, có mấy kiểu là sừng thẳng, sừng cong và sừng chữ “v”, nhưng dù kiểu nào thì yêu cầu đầu tiên cũng là phải dài trên 30cm và nhọn.
Khi đã chọn được bò chọi ưng ý, chủ nhân sẽ cho bò tập thể dục đều đặn mỗi ngày 1 đến 2 lần, mỗi lần nửa giờ bằng hình thức leo dốc, leo núi để luyện sức bền. Chủ nhân cũng phải thường xuyên dắt bò ra đám ruộng bậc thang để “luyện” những miếng đánh. Để tăng độ hiếu chiến cho bò, người nuôi sẽ ít đưa bò ra ngoài, chỉ cho ra mài sừng và tập thể dục trong một thời gian ngắn.
Công đoạn cho bò ăn cũng rất cầu kỳ. Bò chọi được tẩm bổ bằng bột ngô, bột cám, cỏ non và lá nghiến. Thứ cây thuộc “tứ thiết” này vốn nổi tiếng gỗ cứng, lá của nó cũng có những chất tương tự nên ăn vào da thịt bò săn chắc. Kể từ khi trưởng thành, đủ tuổi để chọi, người nuôi sẽ không thả chung bò chọi với các loài bò khác. Thậm chí không cho phối giống để đảm bảo sức mạnh cũng như độ “lỳ đòn” của bò chọi./.