Biểu tượng của sức mạnh đoàn kết
Để cầu cho một năm ngô lúa đầy nhà, buôn làng no ấm, người dân Tây Nguyên tổ chức nhiều lễ hội như cồng chiêng, cúng nương rẫy… trong đó độc đáo nhất có thể kể đến lễ hội voi ở Buôn Đôn.
Già làng Y Khía HRa (xã Ewer, huyện Buôn Đôn) cho biết, con voi từ xa xưa vốn là một loài vật quý đối với người Tây Nguyên. Voi được thuần dưỡng để lấy sức kéo, chở hàng hóa. Nhưng voi cũng được coi như một thành viên trong gia đình và cộng đồng.
Theo tư liệu lịch sử tại bảo tàng dân tộc tỉnh Đăk Lăk, ông Y Thu K’Nul (còn gọi là Khusanup) ở buôn Đôn là người đã gây dựng nên nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của người M’nông. Trong suốt cuộc đời mình, ông Y Thu K’Nul (1827 - 1937) đã bắt được gần 500 con voi rừng. Chính vì vậy ông còn được goi là Vua săn voi.
Để thuần dưỡng một con voi rừng, phải mất từ 5 đến 6 tháng, có khi kéo dài cả năm trời. Ngày nay, việc săn voi đã bị cấm, nhưng nghề thuần dưỡng voi vẫn tồn tại ở Tây Nguyên và con voi vẫn hiện diện trong đời sống vật chất và tinh thần của người M’nông. Voi chở hàng, chở người, voi cùng đi nương rẫy, voi trong các lễ hội… Sức mạnh của voi cũng được coi là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết cộng đồng, của gia đình với buôn làng.
Rộn ràng hội đua voi
Chính vì voi là biểu tượng trong đời sống tinh thần người dân Tây Nguyên, nên sức khỏe của voi là rất quan trọng. Vì lẽ đó, lễ cúng sức khỏe cho voi trở thành nghi thức không thể thiếu.
Dịp lễ hội, vào sáng sớm tinh mơ ngày đầu tiên, chủ nhân của voi thường đưa chú ta vào rừng, “chiêu đãi” chú ta một “chầu” tắm rửa sạch sẽ để có được sức khỏe và tâm trạng thoải mái nhất, chuẩn bị bước vào một ngày quan trọng.
Trong lễ cúng sức khỏe cho voi, người thầy được mời cúng phải là Người có uy tín và am hiểu tập tục của buôn làng, được tất cả mọi người tôn trọng. Các lễ vật phải có phục vụ lễ cúng là rượu cần, gạo nếp, sáp ong, chỉ sợi, vòng tay… Thầy cúng sẽ khấn Giàng cho voi sức khỏe, gánh vác công việc, giúp đỡ cho con người. Sau lễ khấn, voi xếp hàng lần lượt tiến đến vị trí của chủ lễ để đặt đầu heo, gạo, bôi tiết, tưới rượu lên đầu voi.
Trước đó, nghi lễ cúng bến nước cũng được thực hiện, cùng với cồng chiêng, ca múa rộn ràng… để cầu cho buôn làng luôn có nguồn nước sạch, tạ ơn thần linh đã phù hộ cho gia đình khỏe mạnh suốt năm qua.
Sau khi lễ cúng thực hiện xong, những chú voi chuẩn bị bước vào cuộc tranh tài thực sự. Trong ngày hội các dân tộc buôn Đôn mùa Xuân 2019, voi tham gia đi đá bóng, thi chạy, thi bơi qua sông, đua kéo co…
Lúc này không khí cả buôn mới thực sự sôi nổi và náo nhiệt. Ngày hội thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Trong mỗi phần thi của các chú voi, mọi người đều cổ vũ nhiệt tình, rộn ràng. Phần thi đem lại tiếng cười sảng khoái nhất cho du khách và người dân có lẽ là voi đá bóng. Những chú voi cồng kềnh, to lớn, với đôi chân như một cái cột đình, dưới sự điều khiển của các nài voi hóa ra cũng khéo léo phải biết. Tỷ số dần tiến đến 1 - 0 rồi 2 - 1… trong tiếng hò reo tưng bừng.
Sau mỗi phần thi, các chú voi lại được nghỉ ngơi, dự tiệc búp-phê với những món khoái khẩu như chuối, mía... Các nài voi ra sức vỗ về, khen ngợi những người bạn đồng hành của mình, như tiếp thêm sức mạnh cho chúng tiếp tục thi đấu và thể hiện sức mạnh trong ngày hội.
Đến với lễ hội voi vào ngày Xuân Tây Nguyên, du khách không chỉ bị cuốn hút bởi không khí rộn ràng, quyến luyến với dư âm cồng chiêng vang vọng mà sẽ còn bị thu phục bởi sức mạnh và sự khéo léo của những người con miền đất đỏ cao nguyên.