Huyện Buôn Đôn được tách ra từ huyện Ea Súp và một phần TP. Buôn Ma Thuột vào ngày 07 tháng 10 năm 1995 trên cơ sở địa danh Bản Đôn trước đây. Đến với Buôn Đôn chúng tôi đã được nghe kể nhiều câu chuyện thú vị, từ việc liên quan đến voi cho đến việc đội ngũ những Người có uy tín tiên phong trên nhiều lĩnh vực, giúp bà con thoát nghèo…
Từ rất lâu, Buôn Đôn đã nổi danh về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Ngày ấy, người tù trưởng hùng mạnh N’Thu K’Nul đã săn được hàng trăm con voi và dâng tặng Hoàng gia Thái Lan một con voi trắng. Vua Thái vì cảm phục nên đã phong tặng ông danh hiệu Khunjunop (vua săn voi). Sau khi ông qua đời, dân làng đã xây mộ cho ông với lối kiến trúc của đồng bào dân tộc M’nông-Lào kết hợp để thể hiện lòng biết ơn, tôn kính đối với vị tù trưởng quá cố.
Đến nay, dấu ấn về vị vua săn voi ngày nào vẫn còn tồn tại trong đời sống người dân qua những câu chuyện được kể lại qua nhiều thế hệ. Tiếp nối những chiến công của thủ lĩnh Khunjunop, người cháu Ama Kông đã điểm thêm những chiến tích hào hùng trong lịch sử Buôn Đôn. Là một Grư (Trưởng đoàn săn voi) dũng mãnh, tài ba và đã được vua Bảo Đại ban tặng thanh gươm quý, đặc biệt bài thuốc của Ama Kông được kết hợp từ lá, thân, rễ cây rừng đã trở thành món quà đặc sản hấp dẫn với du khách.
Đến thôn Trí A, xã Krông Na, chúng tôi gặp ông Ma Ang, Người có uy tín của thôn từ gần 15 năm nay. Sinh năm 1953, từng đi học ở TP. Buôn Ma Thuột rồi về làm cán bộ xã. Nghỉ hưu từ năm 2014 nhưng tầm ảnh hưởng của ông Ma Ang với dân làng là rất lớn. Với vị trí, vai trò của mình, trong thôn Trí A có việc gì bà con đều nhờ ông phân xử.
Là Người có uy tín, không chỉ là người tiên phong trên nhiều lĩnh vực, mà ông còn rất thông hiểu về voi. Ông Ma Ang chia sẻ: Trước đây, voi chở khách, bị o ép nhiều. Ngày cao điểm, có những chú voi chở 7-8 chuyến khách. Mỗi khi chở khách, người ta thường dùng còng số 8 khóa ở chân voi và cột thêm khúc gỗ để voi giảm tốc độ, dễ điều khiển. Mỗi lần như vậy, thấy tội cho voi lắm!.
Khi tin đồn ngà và một số bộ phận khác trên cơ thể voi có thể trị được bách bệnh, đàn voi ở Buôn Đôn đã phải hứng chịu sự thảm sát tàn khốc từ con người. Ngay cả những chú voi đã được thuần dưỡng, cũng bị đám thợ săn nhòm ngó. Giọng trầm ngâm, ông Ma Ang bảo: Kể cả với đàn voi nhà, cách nuôi như hiện nay cũng là chưa ổn, bởi chế độ nuôi voi nhiều nơi ở Tây Nguyên chưa phù hợp. Voi bị bóc lột sức lao động trong khi chế độ ăn uống kham khổ. Khi cả ngày phục vụ chở khách, nhưng chỉ được ăn mấy cây mía, trong khi mía không phải thức ăn chính của voi. Vì vậy, voi bị ảnh hưởng về thể chất, tinh thần và sức khỏe. Bên cạnh đó, việc khai thác lông đuôi voi và ngà voi cũng chưa đúng quy cách, gây hại cho sức khỏe của voi.
Với người dân Buôn Đôn nói riêng, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, con voi không chỉ là biểu tượng, hình ảnh của sức mạnh, mà nó còn thể hiện sự ấm no, giàu sang và hùng mạnh của một buôn làng. Người dân Buôn Đôn luôn tự hào về vùng đất mình sinh sống, nơi đã sản sinh ra nhiều dũng sĩ săn voi bậc nhất Tây Nguyên. Nhưng bây giờ, khi nhắc đến voi, nhiều người cảm thấy buồn và lo lắng. Khi thành lập huyện Buôn Đôn (năm 1995), toàn huyện có khoảng 150 voi nhà. Nhưng, đến thời điểm này, chỉ còn 25 cá thể. Điều đáng nói là các cá thể voi ở Buôn Đôn hiện đã lớn tuổi, khó có khả năng sinh sản, đồng thời hằng ngày vẫn phải phục vụ du khách khi đến thăm quan tại đây.
Trước thực trạng số lượng voi nhà ở Buôn Đôn đang có xu hướng giảm đi, tỉnh Đăk Lăk đã thành lập Trung tâm bảo tồn voi và phê duyệt Đề án bảo tồn phát triển đàn voi nhà. Tuy nhiên, kết quả mang lại không như mong muốn. Với những khó khăn trong công tác bảo tồn voi của tỉnh Đăk Lăk hiện nay, ông Ma Ang e ngại: “Nếu không có phương pháp bảo tồn, chẳng bao lâu nữa, hình ảnh về đàn voi Buôn Đôn chỉ còn lại trong chuyện kể”.
MINH THU