Voi nhà là thành viên của buôn làng
Từ lâu đời, người M’nông ở Buôn Đôn đã biết săn bắt, thuần dưỡng voi rừng để trở thành vật nuôi của gia đình. Đồng bào nuôi voi không chỉ để lấy sức kéo, chuyên chở hàng hóa mà còn coi voi như một tài sản lớn của gia đình, có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần. Khi voi rừng đã được thuần hóa, chủ voi sẽ tổ chức một nghi lễ nhập buôn. Kể từ đó, voi được coi như một thành viên trong gia đình, trong cộng đồng buôn làng, được chủ voi làm lễ cúng sức khỏe hằng năm.
Theo tư liệu lịch sử tại Bảo tàng Dân tộc tỉnh Đăk Lăk thì ông Y Thu K’ Nul (hay còn gọi là Khu sa nup- sinh năm 1827, mất năm 1938) ở Buôn Đôn chính là người đã gây dựng nên nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng trở thành voi nhà của người M’nông. Trong suốt cuộc đời của mình, ông Y Thu K’ Nul đã bắt được gần 500 con voi rừng về thuần dưỡng, vì thế ông được người dân trong vùng tôn vinh là “Vua săn voi”.
Với truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng, từ lâu Buôn Đôn được coi như thủ phủ của loài voi và cũng là nơi diễn ra Lễ hội đua voi độc đáo với ý nghĩa tôn vinh sự mưu trí, sức mạnh, sự khéo léo của những nhà thuần dưỡng voi, phản ánh những nét văn hóa đặc sắc của người M’nông.
Đến Buôn Đôn vào những ngày đầu tháng Ba (âm lịch), du khách sẽ bắt gặp sự nhộn nhịp, náo nức của người dân diễn ra khắp các buôn làng. Những chàng quản tượng đưa voi đến vùng cỏ xanh để chăm sóc, trong khi đó những cô gái Buôn Đôn sắm sửa lễ vật để thực hiện nghi lễ trong các lễ hội truyền thống cùng diễn ra với lễ hội đua voi.
Những “dũng sĩ voi” bước vào lễ hội
Lần đầu tiên tôi được chứng kiến Lễ hội đua voi thật hoành tráng, thật hấp dẫn và ấn tượng đó là dịp Kỷ niệm 20 năm Ngày giải phóng TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk vào tháng 3/1995. Hôm ấy, tại sân vận động TP. Buôn Ma Thuột, sau hồi tù và hiệu lệnh vang lên, hòa trong tiếng cồng chiêng và sự hò reo cổ vũ cuồng nhiệt của hàng ngàn khán giả, hàng chục con voi khỏe mạnh, oai phong, dũng mãnh được các quản tượng tài danh điều khiển chạy rầm rập trên đường đua để về đích thật ngoạn mục, tạo nên một không khí thật hân hoan, náo nhiệt.
Sau này, có dịp đến Buôn Đôn, tôi được ông Y Thế Knul một quản tượng lâu năm trong nghề cho biết, những con voi được lựa chọn để tham gia lễ hội phải là những con voi thật khỏe mạnh, dẻo dai và thông minh. Mỗi một lần tổ chức Lễ hội đua voi chỉ có khoảng 20- 30 con voi được lựa chọn đủ tiêu chuẩn tham gia. Chính vì thế, quá trình chăm sóc, chuẩn bị của người huấn luyện voi rất công phu, cẩn thận, đòi hỏi nhiều thời gian và khá tốn kém.
Trước ngày thi đấu, voi sẽ được tắm rửa sạch sẽ, cho ăn những loại cỏ xanh tươi hoặc mía và được huấn luyện thêm một số bài để tham gia các hoạt động trong lễ hội gồm: Lễ cúng bến nước, lễ cúng sức khỏe cho voi, lễ ăn mừng mùa màng, các trò chơi thi voi đá bóng, thi voi chạy, thi voi bơi, cuối cùng là lễ tắm voi sau khi kết thúc lễ hội.
Trong ngày thi đấu, trước giờ khai cuộc, voi sẽ được già làng thực hiện nghi lễ cúng sức khỏe. Sau đó, mọi người cùng ca hát, nhảy múa trong tiếng cồng chiêng rộn rã để chính thức bước vào lễ hội.
Địa điểm được chọn để đua voi trong lễ hội là một bãi đất trống bằng phẳng, đủ cho 5 - 10 con voi lớn đứng giàn thành hàng ngang cùng tham gia. Trên lưng voi là hai chàng quản tượng có nhiệm vụ điều khiển voi. Người ngồi trước tiếng M’nông gọi là mơ-gát có nhiệm vụ điều khiển voi đi đúng đường đua bằng một thanh sắt (kreo) dài khoảng 1 mét, người ngồi sau là man-gát với chiếc búa gỗ (kốc) nện mạnh vào mông voi để tăng tốc về vạch đích đến.
Sau một hồi tù hiệu lệnh vang lên, đàn voi đua với sức mạnh phi thường phóng nhanh về phía trước một cách thật dũng mãnh. Những bước chạy của đàn voi nghe rầm rập làm rung động cả đường đua. Trong cuộc đua đàn voi không chỉ thể hiện sức bền khi chạy trên đường thẳng, mà còn có sự linh hoạt, khôn khéo khi đi trên những đoạn đường dốc, quanh co hoặc bơi qua những đoạn sông lớn… Để voi thực hiện được những thử thách ấy, cả hai người mơ - gát và man - gát điều khiển voi vừa phải có tài huấn luyện một cách thuần thục, vừa có sự phối hợp thật ăn ý, nhịp nhàng nhuần nhuyễn với nhau mới hy vọng có kết quả tốt nhất.
Hòa trong tiếng cồng chiêng thúc giục cùng với tiếng vỗ tay cổ vũ cuồng nhiệt của hàng ngàn khán giả đến từ nhiều buôn làng trong vùng và du khách thập phương tham gia càng làm cho Lễ hội đua voi trở nên náo nhiệt, rộn rã, cuốn hút đến lạ thường.
Lễ hội đua voi chỉ diễn ra trong một ngày, nhưng đó là một ngày ý nghĩa, nhiều cung bậc cảm xúc đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Hiện nay, Lễ hội đua voi được tỉnh Đăk Lăk tổ chức 2 năm một lần nhằm giới thiệu đến du khách những nét đẹp trong phong tục, tập quán văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.