Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Ngày mới ở Ra Lỳ- Rào

Phạm Tiến - 08:20, 12/05/2022

Vậy là đã 2 mùa mưa, người Vân Kiều ở khu tái định cư (TĐC) Ra Lỳ- Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã an cư, không còn nơm nớp lo sợ lở núi, trôi nhà. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đoàn thể tặng giống cây trồng, vật nuôi như dê, gà… để tăng gia, trồng rừng, nhờ đó đời sống của bà con không ngừng được cải thiện.

Toàn cảnh khu TĐC của 45 hộ dân Vân Kiều, hiện nước sạch, điện được kéo vào tận nhà
Toàn cảnh khu TĐC của 45 hộ đồng bào Vân Kiều, hiện nước sạch, điện được kéo vào tận nhà

Không còn lo núi lở, nhà trôi.

Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp trở lại khu TĐC Ra Lỳ- Rào xã Hướng Sơn. Đợt mưa cuối mùa, làm cho không khí trên đỉnh Trường Sơn dịu mát hơn hẳn. Những ngôi nhà TĐC của đồng bào Vân Kiều không còn trơ trọi, nhiều cây xanh được trồng lên. Những gian bếp nhỏ xinh cũng đã được xây dựng và lợp prô-xi măng kiên cố. Trong những căn nhà TĐC, tiếng cười  của bà con Vân Kiều đã vang lên.

Nhớ lại trận lũ hồi cuối tháng 10/2020, làm cho dãy núi Ta Bang ở thôn Ra Lỳ- Rào xuất hiện nhiều vết nứt, gãy dài hàng trăm mét. Núi nứt, gãy nghiêm trọng đã đe dọa trực tiếp đến tính mạng của 45 hộ gia đình, với 171 nhân khẩu người Vân Kiều ở thôn Ra Lỳ- Rào. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho đồng bào, khu TĐC thôn Ra Lỳ - Rào, xã Hướng Sơn đã nhanh chóng được đầu tư xây dựng.

Vợ chồng Hồ Pả Xiên vui mừng an cư trong ngôi nhà mới ở Ra Lỳ- Rào
Vợ chồng anh Hồ Pả Xiên vui mừng khi được an cư trong ngôi nhà mới ở Ra Lỳ- Rào

Khu TĐC được quy hoạch xây dựng 45 căn nhà trên diện tích 3ha bằng phẳng. Với nguồn kinh phí đầu tư 5,4 tỉ đồng, trong đó Câu lạc bộ Tình người đóng góp 2,25 tỉ đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị 2,25 tỉ đồng, UBND huyện Hướng Hóa 900 triệu đồng.

Trước mùa mưa bão năm 2021, 45 hộ đồng bào Vân Kiều đã được bàn giao và dọn về nhà mới. Tiếp tục là những công trình như đường giao thông, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt, điểm trường khu TĐC Ra Ly - Rào, thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hướng Sơn cũng đã được Nhà nước đầu tư, xây dựng hoàn thành. Ra Lỳ- Rào trở thành nơi an cư mới khang trang, an toàn để đồng bào an cư.

Ông Hồ Văn Hiền vui mừng chia sẻ: “Trước đây nhà tôi ở sát khe Ra Lu, chứng kiến vụ sạt lở đất vào cuối năm 2020, làm nhà ông Hồ Văn Xế, Hồ Văn Phưn bị sập, tôi sợ lắm. Bây giờ được Đảng, Nhà nước xây dựng cho nhà ở kiên cố, an toàn không còn lo mỗi khi mùa mưa lũ đến, gia đình tôi ghi ơn nhiều lắm”.

Những cây, con giống được các đoàn thể, chính quyền địa phương trao tặng sẽ là nguồn động lực lớn để bà con Vân Kiều vươn lên trong cuộc sống
Những cây, con giống được các đoàn thể, chính quyền địa phương trao tặng, là nguồn động lực để bà con Vân Kiều vươn lên trong cuộc sống

Thúc đẩy Ra Lỳ - Rào phát triển

Người Vân Kiều ở Ra Lỳ- Rào đã được an cư, các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương lại tiếp tục hỗ trợ cây, con giống để cùng đồng bào Vân Kiều đưa Ra Lỳ- Rào phát triển.

Cùng với ông Sơn Trọng Lê, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn, đi trên con đường bê tông nội bản vừa mới hoàn thành. Cảm nhận về nơi ở mới của bà con Vân Kiều đã thực sự thay đổi. Cơ sở vật chất đã được đầu tư đồng bộ từ đường, điện, cho đến trường học. Người Vân Kiều đã yên lòng, quyết tâm vươn lên thoát nghèo từ nơi ở mới.

Ghé thăm gia đình anh Hồ Văn Than, căn nhà kết cấu tường xây, trụ bê tông kiên cố còn thơm mùi sơn mới. Anh Than vui mừng chia sẻ: Gia đình tôi gieo cấy 1 mẫu lúa nước, hằng năm thu được hơn tấn lúa, trồng gần 1 ha sắn, vừa rồi thu hoạch được hơn 10 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn nuôi 3 con bò, 2 con lợn, đời sống kinh tế gia đình ổn định, không còn lo cái đói, cái nghèo.

Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị phối hợp với UBND xã cùng bà con Vân Kiều tổ chức trồng cây tạo cảnh quan ở khu TĐC
Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị phối hợp với UBND xã, cùng bà con Vân Kiều tổ chức trồng cây tạo cảnh quan ở khu TĐC

Chúng tôi trở lại khu TĐC Ra Lỳ - Rào, đúng vào ngày Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị phối hợp với UBND xã Hướng Sơn, cùng bà con dân bản tổ chức trồng cây tạo cảnh quan hai bên đường nội bản. Không khí lao động sôi nổi, người đào hố, người trồng cây của bà con Vân Kiều cùng các đại biểu, khiến cho không gian ở  Ra Lỳ- Rào trở nên náo nhiệt, sôi nổi.

Được biết, trước đó, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị cũng đã tặng bà con Vân Kiều ở Ra Lỳ- Rào 20 con dê giống. Để đồng hành cùng bà con Vân Kiều ở Ra Lỳ- Rào, UBND xã, UBND huyện đã hỗ trợ cây giống lâm nghiệp, để đồng bào trồng rừng phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững. Cùng với đó, những lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cũng được tổ chức thường xuyên.

Bước trên con đường nội bản, chúng tôi ghé vào nhà anh Hồ Bá Xiêng. Chất phát, nhanh nhảu anh Xiêng mời khách ngồi trên tấm chiếu đã trải sẵn. Đon đả mời khách uống nước, rồi anh nói: “Được đến nơi ở mới sướng lắm rồi các chú ơi. Giờ bản làng khang trang, bà con còn được hỗ trợ dê giống, cây giống, ổn định chỗ ở nên ai cũng hăng say lao động để thoát nghèo, vươn lên làm giàu”

Trên đường đi ra chỗ đậu xe để về xuôi, Chủ tịch UBND xã nắm chặt tay tôi nói đầy quyết tâm: Thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các phòng, trạm, đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, con giống, cây trồng để người dân phát triển thêm kinh tế hộ gia đình. 

Bên cạnh đó, triển khai tốt các dự án, nội dung hỗ trợ đầu tư từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2025 khi được phân khai vốn, để phát triển địa phương và thêm điều kiện cho đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.