Sinh ra và lớn lên ở xã khó khăn, cái đói, cái nghèo luôn đeo đẳng cuộc sống của gia đình ông Trai. Nhờ có chính sách giao đất, giao rừng cùng các dự án hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước, năm 1996 từ sự vận động, tạo điều kiện của Ban Dân tộc tỉnh, ông Trai đã tham gia một khóa tập huấn kỹ thuật trồng cây lâm nghiệp và được hỗ trợ 1,6 triệu đồng để trồng cây cao su trên diện tích 1ha; đồng thời trở thành người đầu tiên đưa loại cây này vào canh tác trên địa bàn.
Năm 1997, tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cùng với số tiền 3 triệu đồng trong dự án hỗ trợ, ông Trai đã vay thêm vốn theo chế độ ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng thêm 1ha cao su, 4ha rừng tràm. Vượt qua khó khăn ban đầu, qua từng vụ tích góp, ông Trai đã có thể trả các khoản vay ngân hàng, mua thêm máy móc và mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình ông phát triển được 12ha cao su, 10ha tràm. Ngoài ra còn góp vốn với một số người khác trồng trên 40ha cao su cùng tràm các loại ở các rừng trong và ngoài địa bàn như Vĩnh Ô, Vĩnh Hà và tỉnh Quảng Bình.
Để thuận tiện cho việc sản xuất, ông Trai mua thêm một máy ủi trị giá trên 600 triệu đồng, 1 xe ben cỡ lớn và thuê thêm nhân công để phụ giúp. Những năm gần đây ông Trai đã xây dựng thành công vườn ươm cây tràm ngay trên đất vườn nhà. Trung bình mỗi lứa vườn ươm có thể đảm bảo cung cấp từ 6-7 vạn cây. Cùng với việc tự trồng rừng, ông Trai còn thu mua, kinh doanh khai thác rừng tràm của người dân trong vùng để nâng cao thu nhập và giúp đỡ bà con về tiêu thụ gỗ rừng trồng. Nhờ đó, trung bình mỗi năm ông lãi ròng từ 250- 300 triệu đồng.
Với cách làm đúng, mạnh dạn trong phát triển kinh tế, ông Hồ Trai đã thoát nghèo và có điều kiện kinh tế hơn trước. Không chỉ xây được ngôi nhà vững chắc với đầy đủ tiện nghi, ông còn mua được xe ô tô bốn chỗ... Đặc biệt cả 4 người con đều được học hành, trưởng thành. Đối với người dân ở thôn Xung Phong, ông Trai còn được xem là người “dẫn lối” giúp bà con nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.