Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Ngải Thầu Thượng - Nơi chạm núi, chạm mây...

Trọng Bảo - 09:55, 27/10/2021

Người Mông có câu nói “không có ngọn núi nào cao hơn đầu gối người Mông”, câu nói thể hiện đức tính chịu khó, vượt mọi khó khăn, thử thách, tập quán sinh sống của đồng bào Mông bao đời nay. Câu nói này đúng hơn khi đến với thôn Ngải Thầu Thượng, xã A Lù, huyện Bát Xát (Lào Cai) - bản người Mông nằm ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển (được coi là bản cao nhất Việt Nam).

Những thửa ruộng bậc thang vàng óng mùa lúa chín
Những thửa ruộng bậc thang ở Ngải Thầu Thượng

Chênh vênh Ngải Thầu Thượng

Chúng tôi có dịp đến với Ngải Thầu Thượng, bản người Mông nằm trên mũi đá Ma Cha Va hùng vĩ bốn mùa mây phủ. Ngải Thầu, tiếng địa phương là “mũi đá”, nhô ra trên đỉnh núi Ma Cha Va hùng vĩ bốn mùa sương trắng, gió trời lồng lộng, đang Thu mà rét lạnh tựa mùa đông. Đứng ở Ngải Thầu Thượng có thể phóng tầm mắt ngắm thung lũng Thiên Sinh, ruộng bậc thang Thèn Pả của người Hà Nhì, người Mông trải mênh mông "dát vàng" lên những sườn núi chênh vênh và thung lũng xa hút tầm mắt...

Trước đây, ốc đảo lạnh buốt, trơ trụi và khô khát trên đỉnh Ma Cha Va hiểm trở, đầy bí ẩn. Do vậy, chỉ những chàng trai người Mông chân cứng như gỗ nghiến, lái xe khéo léo như đi ngựa, mới dám đi xe máy vượt dốc Chin Chu Lìn để lên xuống Ngải Thầu Thượng. Đường khó, điện lưới không, sóng viễn thông chưa tới, nhưng 85 hộ người Mông ở đây kiên gan bám trụ, chân đạp đá, đầu đội mây, chịu nắng lửa, tuyết rơi, gió gào để sinh sống, thành bản thành làng, giữ đất đai biên giới.

Mặc dù được hỗ trợ từ các chương trình, chính sách dân tộc, nhưng điều kiện khắc nghiệt, việc đầu tư hỗ trợ manh mún nên cuộc sống của đồng bào vẫn vô cùng gian khó. Cho đến khi, Chương trình xây dựng nông thôn mới, với nguồn lực ưu tiên và đầu tư tập trung hơn và sự thay đổi trong nhận thức của đồng bào về thoát nghèo... đã tiếp thêm sinh lực cho người dân nơi đây “chắc tay, vững chân” xây dựng bản làng no ấm.

 “Nhà nước làm cho đường trục chính rồi, thì mình phải bảo nhau góp công sức làm đường liên gia đến từng nhà, để trẻ con đi học, thanh niên chở hàng hóa đi bán, người già đi thăm nhau dễ hơn. Chỉ tập trung làm mấy ngày mà bà con đã đổ được hơn 300 mét đường bê tông vào đến bậu cửa hơn chục nhà rồi đấy”, Trưởng thôn Sùng A Sử khoe.

Ngải Thầu Thượng đang vào mùa gặt lúa ruộng bậc thang và bẻ ngô chín trên nương. Trong hiên những ngôi nhà trình tường đất vàng rực ngô đã bóc chài vỏ, buộc túm lại, treo ngược lên sào phơi ngay bậu cửa. Ở Ngải Thầu Thượng, già làng Thào Sử được suy tôn là “vua ruộng bậc thang”. Bên bếp lửa ở nhà già làng Thào Sử, câu chuyện làm ăn, trồng cây gì nuôi con gì, để phá thế độc canh cây lúa cứ dài mãi như chẳng có hồi kết.  

Ông bảo, gia đình ông có đến 30 cân giống, cấy ruộng bậc thang (khoảng 10 sào ruộng), ông chia hết cho các con cháu nên no đủ quanh năm, không lo thiếu lương thực. Kỹ thuật khai hoang, mở ruộng bậc thang của già làng Thào Sử thì không ai sánh được; chỉ với cái cuốc to bản truyền thống, ông đi khắp vùng A Lù, Ý Tý, sang tận A Mú Sung, Trịnh Tường giúp bà con mở ruộng bậc thang trên sườn núi cheo leo, dưới khe sâu hun hút để định canh định cư, không phá rừng làm nương như trước nữa.

“Ruộng bậc thang là cái bồ thóc không bao giờ vơi của người Mông, nó như cái “niềng vàng” giữ chân mọi người định canh định cư, không phá rừng làm nương như trước nữa”, già làng Thào Sử bảo vậy.

Con đường bê tông dẫn lên Ngải Thầu Thượng như dải lụa vắt ngang qua những cánh đồng lúa
Con đường bê tông dẫn lên Ngải Thầu Thượng như một dải lụa vắt qua những thửa ruộng bậc thang

Nhiều cách để làm giàu

“Bây giờ thì lớp con, cháu ở Ngải Thầu Thượng có thêm nhiều cách làm ra tiền rồi, như trồng sâm đất, dược liệu, nuôi ngựa. Ruộng bậc thang ông cha để lại thì giữ cho tốt, trồng thêm rừng để phủ xanh giữ nguồn nước lâu bền, làm thêm bờ rào đá, nhà trình tường đất, nuôi gà đen để người dưới xuôi, người Tây đến chơi, ăn cơm “khẩu nậm xíp”, mua sâm đất Hoàng Sin Cô, mua thổ cẩm bản mình làm ra. Người Mông mình bảo nhau làm du lịch cộng đồng theo định hướng và hỗ trợ của huyện và tỉnh thì sẽ nhanh giàu hơn”, già làng Thào Sử chia sẻ.

Còn nhớ, cách đây vài năm, khi đó Thào A Thếnh là người đầu tiên làm căn nhà hai tầng, theo kiến trúc nhà người Mông, nằm giữa Ngải Thầu Thượng, để đón khách đi du lịch trải nghiệm. Đây cũng là sự khởi đầu lan tỏa cách nghĩ, cách làm mới, nhằm khai thác thế mạnh cảnh quan và bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất và con người nơi đây, để phát triển du lịch.

Hay như mô hình nuôi ngựa kết hợp du lịch, bước đầu cho kết quả tốt của anh chàng người Mông Sùng A Chu. Chu bảo, anh mới đang thử nghiệm mô hình này, nhưng nhìn đàn ngựa đẹp mê hồn ung dung gặm cỏ trong nắng chiều thu vàng xuộm như rót mật, hình ảnh như chỉ có trong tranh, thì tôi tin Chu đang đi đúng hướng.

“Vừa rồi huyện đã phê duyệt quy hoạch làng du lịch cộng đồng, sẽ có khoảng 200 hộ. Lấy bảo tồn cảnh quan rừng Tống Quá Sủ; kiến trúc nhà truyền thống người Mông và nghề đan lát, làm thổ cẩm từ cây lanh, nhuộm chàm và in sáp ong; trồng sâm đất và nuôi gà đen, nuôi ngựa núi để xóa nghèo hiệu quả và bền vững ở mũi đá Ngải Thầu này”, Trưởng thôn Thào A Sử hào hứng khoe.

Nhờ có con đường bê tông nông thôn mới dài hơn 7 km, xe ôtô có thể đi từ dốc “ngựa ngã” Chin Chu Lìn năm nào đến tận đỉnh trời Ma Cha Va, nên cuộc sống của đồng bào ở Ngải Thầu Thượng đã khởi sắc hơn. Từ “cánh chim đầu đàn” Thào A Dung, là người đầu tiên đưa cây sâm đất về trồng trên đất này, đến nay 85 hộ người Mông ở đây đã chuyển một số diện tích nương ngô cằn cỗi, năng suất thấp sang trồng sâm đất Hoàng Sin Cô bán cho Công ty thạch rau câu Long Hải ở tận Hải Dương lên thu mua, đem về tiền tỷ mỗi năm.

Con em đồng bào Mông được đến lớp, đến trường trong vòng tay yêu thương của cô giáo
Con em đồng bào Mông được đến lớp, đến trường trong vòng tay yêu thương của cô giáo

Ngang qua điểm trường mầm non và tiểu học ở dốc “ngựa ngã” Chin Chu Lìn, thật vui vì dù dịch Covid-19 đang "gây khó dễ" nhiều nơi, nhưng các em học sinh người Mông và các thầy, cô giáo ở đây vẫn được khai giảng trực tiếp năm học mới, bởi nỗ lực chung sức đồng lòng phòng ngừa, đẩy lùi dịch bệnh ở nơi biên giới. Nghe tiếng đánh vần của học sinh vang lên thật ấm áp.

Đến với Ngải Thầu Thượng hôm nay, tôi cảm nhận sâu hơn về đất và người nơi đây. Cuộc sống người Mông, bước chân ra khỏi cửa là chạm núi, chạm mây, mặt đất lúc nào cũng như nghiêng nghiêng sẵn sàng thử thách. Người và trâu cày nương mà như làm xiếc, chân duỗi, chân quỳ men theo sườn dốc, lưỡi cày len lỏi trong đá, moi lên từng chút đất. Đồng bào Mông gắn cuộc sống của mình với rừng cao núi thẳm, đôi chân quấn xà cạp tung hoành, tạo nên lối đi, đến tận cả những đỉnh núi cao, hoang vu nhất. Họ đang là những cột mốc sống góp phần giữ gìn biên cương Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục
Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 7 - 10/9, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, mưa lớn kéo dài liên tục, xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt ở huyện Nguyên Bình có 3 điểm sạt lở tại các xóm Khuổi Ngọa, Lũng Lỳ, xã Ca Thành và xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, làm chết, bị thương và mất tích nhiều người. Ngay khi mưa lũ xảy ra, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường, triển khai công tác ứng cứu.