Tỷ mỉ trên từng hốc đá
Mới đây, chúng tôi có dịp tới xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn để tận mắt chứng kiến đồng bào nơi đây sản xuất trên đá tai mèo. Tại bản Há Hơ, chúng tôi theo chân ông Ly Mí Só, một người Mông chân chất thật thà đi làm nương một ngày.
5 giờ sáng khi mặt trời còn chưa thức giấc, chúng tôi đã chuẩn bị xong cơm nắm cùng cuốc chim, gùi tre và tinh thần háo hức lên đường. Sau hơn 2 tiếng đồng đồ đi bộ, leo núi mới tới khoảnh nương của gia đình ông Só.
Ông Só dừng lại rồi lầm lũi chọn một đám đất tốt. Ông cuốc lên, đập cho tơi ra vun thành đống rồi cào vào gùi tre. Ông gùi lên dốc, băng qua các nương ngô của gia đình khác rồi leo lên triền núi, vượt qua những tảng đá tai mèo lởm chởm; đôi chân rắn chắc giẫm lên những đầu đá sắc nhọn.
Đến lưng chừng núi, ông đổ gùi đất xuống một hốc đá nhỏ. Vài hôm trước, những hốc đá này đã được ông Só lựa chọn, cài và xếp đá lại để giữ được đất, tránh xói mòn do mưa.
Sau đất đến phân, ông cõng những gùi phân chuồng đã ủ hoai lên đổ vào hốc đá, trộn đều với đất. Vài hạt ngô sẽ được trỉa ngay sau đó... “Nếu muốn trồng lâu phải biết cách xếp đá kỹ; bắt đầu từ những cục lớn, rồi chen vào những cục nhỏ hơn, rồi nhỏ hơn nữa sao cho thành võm khít, đất không bị trôi đi. Chỉ cần mỗi ngày vài hốc, cứ làm từ từ thì lên cả nương”, ông Só nói.
Cùng đổi công canh tác
Cách nương nhà ông Só không xa, trên nương ngô chừng 300m2 của ông Sùng Tài Lâm có hàng chục người đang lao động. Chúng tôi tò mò không biết vì sao đông người tập trung ở một vạt nương như thế, thì ông Lâm cho biết, ngoài người nhà còn có gia đình ông Sùng Tài Lầu bên cạnh qua làm nữa. Ông Lâm cho biết thêm, ở đây đồng bào không làm nương một mình mà cùng đổi công cho nhau. Xong nhà này lại đổi công sang nhà khác cùng làm.
Ông Hầu Mí Say, Chủ tịch UBND xã Sà Phìn cho biết, xã hiện có 407ha ngô của 639 hộ dân, hầu hết đều ở trên núi đá. Trước đây, người dân chỉ trồng một vụ, vì tất cả nước tưới phụ thuộc vào thời tiết.Sau mùa ngô, khi thời tiết khô hạn, đất trong hốc rắn lại như đá, không trồng nổi cây gì.
Những năm gần đây, được sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, sau vụ ngô, người dân đem tam giác mạch, loại cây chịu hạn tốt lên gieo để chăn nuôi gia súc và một phần lấy hạt làm bánh. Ngoài ra, người dân cũng đã trồng thêm cỏ voi nuôi bò vỗ béo bù đắp mấy tháng nông nhàn.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cũng cho biết, 4 huyện vùng cao phía Bắc là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, địa hình núi cao, hiểm trở và khan hiếm nguồn nước, sản xuất nông nghiệp trên vùng đất này gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ lâu người dân tộc Mông nơi đây đã tích lũy kinh nghiệm canh tác trên đá.
“Lâu nay, ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo người dân chỉ ứng dụng các loại giống mới nhằm tăng năng suất. Do vậy, trên diện tích ngô hơn 40.000ha vùng cao nguyên đá, sản lượng năm 2019 của người dân đã tăng từ 20,5 tạ/ha năm 2005, lên 40 tạ/ha/vụ. Thời gian tới, trên cơ sở canh tác của người dân, ngành Nông nghiệp tiếp tục nghiên cứu đưa vào các loại giống cây trồng mới khắc phục điều kiện thời tiết khó khăn”, ông Vinh cho biết.
Canh tác trên đá là kỹ thuật độc đáo vẫn cần phát huy trong cộng đồng. Ngày nay, khi khoa học phát triển, nhưng với địa hình đặc thù của cao nguyên đá cũng rất khó áp dụng máy móc”.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang.