Xây dựng bản nhiều “không”
Trước đây, cuộc sống của người dân bản Sin Suối Hồ có rất nhiều khó khăn. Đường giao thông đến bản là đường mòn, từ TP. Lai Châu đến bản khoảng 30km, nhưng để đi sẽ mất hơn 2h đồng hồ. Ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết: “Những năm trước 1995, bản nhiều người nghiện lắm, rượu chè say sưa suốt ngày. Nhưng giờ bản khác rồi, đến thuốc lá cũng không còn ai hút. Người dân đều tập trung xây dựng kinh tế, làm du lịch cộng đồng cả”.
Biết được ở nhiều nơi phát triển du lịch cộng đồng đã giúp đời sống của bà con thay đổi, Trưởng bản Chỉnh đã bàn với ông Hảng A Xà, Người có uy tín ở bản tìm giải pháp vận động bà con cai nghiện, tập trung làm du lịch.
Phải mất 10 năm, từ năm 1995 - 2005, không ngừng nghỉ trong việc vận động, cùng nhiều giải pháp quyết liệt, bản Mông Sin Suối Hồ mới sạch bóng cây thuốc phiện và người nghiện. Cũng từ đây, bản Mông dần đổi mới.
Để tất cả người dân của bản đều thoát nghèo, ông Vàng A Chỉnh và ông Hảng A Xà tập trung bà con, họp bàn cách làm du lịch cộng đồng. Với tinh thần xây dựng bản du lịch vì cái chung, nhà nào có gạo góp gạo, nhà nào có sức góp sức, từng mét đường giao thông, đến nhà lưu trú cho du khách cũng đều được người dân cùng đóng góp ý tưởng và chung tay xây dựng, cải tạo lại.
Anh Sùng A Phùa, người dân bản Sin Suối Hồ kể lại: Khi ý tưởng mở chợ phiên để thu hút du khách đến với bản được thực hiện. Ngày khai trương, tất cả bà con trong nhà có sản phẩm gì thì mang ra chợ. Gia đình tôi chỉ có đôi gà giống nên cũng đã mang ra chợ bày bán. Khách hỏi mua, lúc bán đi chúng tôi buồn lắm. Nhưng anh Xà nói, gà mất thì có thể mua lại, bà con cùng góp cho nhau, để khách vui khi đến với bản và quay lại, thì là thành công của dân mình. Đến nay, gia đình tôi có cả đàn gà hơn 200 con phục vụ du khách, còn thoát nghèo nữa.
Bản Mông Sin Suối Hồ giờ đây còn được gọi với cái tên khác là bản nhiều không. Không ai hút thuốc phiện, không hút thuốc lào hay thuốc lá, không đàn đúm rượu chè, không cờ bạc, không xả rác bừa bãi và đặc biệt là không sống cho riêng mình. Tại chợ phiên, không có cảnh đàn ông dân tộc Mông say rượu ngủ quên ở đường, ở chợ không được phép buôn bán rượu, không bán thuốc lá, thuốc lào, không túi nylon hay rác thải nhựa. Bản Sin Suối Hồ đã trở thành điểm đến có những điều tuyệt vời trong mắt khách du lịch.
Cộng đồng phát triển bền vững
Anh Hảng A Xà, Người có uy tín của bản chia sẻ: Để bản Mông Sin Suối Hồ phát triển bền vững, Bản chọn ra 10 em học du lịch và ngoại ngữ để giao tiếp đón du khách; 10 em học nấu ăn phục vụ du lịch; 5 em học thiết kế, kiến trúc để xây dựng các Homestay; 15 em đi học múa các điệu múa dân tộc...
Bên cạnh đó, đã khôi phục lại nghề thêu sáp ong truyền thống của người Mông để tạo ra các sản phẩm địa phương, không nhập hàng từ nơi khác về bán tại bản.
Đặc biệt, mọi hoạt động kinh tế liên quan đến mô hình cộng đồng mà người dân làm ra, người dân đều tự nguyện trích một phần đóng góp vào quỹ chung của bản. Quỹ này lại tiếp tục được tái đầu tư cho thế hệ trẻ đi đào tạo, học hỏi kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng và dùng để chi trả vào những chi phí phục vụ những đoàn khách miễn phí, hoặc các sự kiện của địa phương. Việc chi tiêu được công khai đến từng hộ gia đình.
Đối với đội ngũ được bản làng cử đi học, khi học xong quay trở lại bản, sẽ mang những gì mình học được dạy lại cho người khác và cống hiến miễn phí cho cộng đồng. Anh Bùi Văn Bình, du khách đến từ Quảng Ninh cho biết: “Tôi thực sự ngỡ ngàng trước cảnh quan và cách làm du lịch nơi đây. Những chậu địa lan được trồng dọc 2 bên đường vào bản. Từ người lớn đến trẻ nhỏ trong bản đều niềm nở khi thấy du khách. Đến các tiết mục văn nghệ biểu diễn khi tôi trả phí cũng không ai lấy tiền. Họ nói “làm để phục vụ và phát triển cộng đồng”. Đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm du lịch cộng đồng “lạ” đến thế”.
Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đội ngũ nòng cốt để làm du lịch, chính những người dân bản Sin Suối Hồ đã lên rừng tìm kiếm giống địa lan, mang về nhân giống để phát triển thêm kinh tế, tạo cảnh quan, môi trường đẹp cho địa phương. Có những chậu địa lan được người dân nơi đây bán ra thị trường với giá trị lên đến cả chục triệu đồng.
Với tư duy đổi mới, sáng tạo của người dân về làm du lịch cộng đồng và phát triển giống lan rừng địa phương, mỗi hộ dân nơi đây đang có thu nhập ổn định từ 30 - 50 triệu đồng/năm. Điển hình có những hộ dân vừa làm Homestay vừa trồng địa lan thu về 200 - 300 triệu đồng/năm. Như nhà Trưởng bản Vàng A Chỉnh, hay nhà ông Hảng A Xà, mỗi năm thu được khoảng 250 triệu đồng.
Với sự đồng lòng, chung tay xây dựng quê hương của người dân Bản Mông Sin Suối Hồ, bản làng giờ đây đã thực sự trở thành điểm sáng du lịch bền vững giữa núi rừng Tây Bắc…