Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Khởi sắc bản làng

Nâng niu lời ca đất Mường

Chí Tín - Vũ Mừng - 07:51, 28/11/2023

Vào các ngày cuối tuần, từ căn nhà của Nghệ nhân Quách Thị Lon tại Bản Khanh, xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, người dân đã quen khi được nghe những khúc hát dân ca của dân tộc Mường vang lên từ căn nhà. Được biết, bao năm nay căn nhà của nghệ nhân Quách Thị Lon chính là không gian sinh hoạt văn hóa chung của các nghệ nhân hát dân ca của đồng bào dân tộc Mường.

Những khúc hát dân ca dân tộc Mường vẫn được các chị, các mẹ tại Bản Khanh lưu giữ và sử dụng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày
Những khúc hát dân ca dân tộc Mường vẫn được các chị, các mẹ tại Bản Khanh lưu giữ và sử dụng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày

Gửi tâm tình qua khúc hát

Nằm nép mình bên những rặng núi thuộc vùng đệm của Vườn quốc gia Cúc Phương, suốt bốn mùa Bản Khanh như neo mình vào những dải mây bạc cất lên từ bên kia thung lũng. Với 31 hộ gia đình gồm 154 nhân khẩu đều là người Mường, đồng bào bản Khanh vẫn gìn giữ vẹn nguyên những nét văn hóa, phong tục tập quán từ xa xưa, tạo điểm nhấn đặc sắc cho mảnh đất này.

Từ đầu con dốc rẽ vào bản, theo tuyến đường Hồ Chí Minh, đã nghe văng vẳng lời hát dân ca Mường ngọt ngào của các chị, các mẹ. Người ghé thăm bản Khanh thường bảo, được tham dự một lớp học dân ca, được lắng nghe những câu hát của người dân bản địa thú vị lắm… Hệt như các nghệ nhân đã khéo léo đưa tâm hồn người Mường vào lòng du khách vậy!

 Nghệ nhân Quách Thị Lon bảo dân ca là thứ nghệ thuật phản ánh chân thực, hồn hậu nhất ngôn ngữ trong đời sống. Trong quá trình tồn tại, mỗi tộc người cũng luôn tìm cách để lưu giữ lại những giá trị truyền thống cho thế hệ sau, dân tộc Mường Hòa Bình nói chung và cộng đồng Mường tại bản Khanh nói riêng cũng vậy, họ cũng đã dùng những làn điệu dân ca để lưu giữ lại những phong tục tập quán, những thói quen trong cuộc sống hàng ngày để bày tỏ những cung bậc cảm xúc trong cuộc sống... Dân ca của người Mường tuy đơn sơ, giản dị nhưng trong đó có cả một sức sống mãnh liệt.

Các làn điệu dân ca của người Mường rất phong phú như: Hát xắc bùa, thường rang, bộ mẹng, ví đúm, hát mỡi... Đồng bào Mường hát khi đi làm trên nương rẫy, hát ru bên nôi, xắc bùa trong lễ hội đầu xuân hay họ bộ mẹng bên những vò rượu cần và cả những lúc tỏ tình nam nữ... Người già hát dân ca và người trẻ cũng hát. Họ hát là để chia sẻ cho nhau những lúc buồn vui, những nỗi niềm trong cuộc sống, hát để ca ngợi sản xuất, hát để mong cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngoài các hình thức trên, dân ca Mường còn có các hình thức: hát ví đúm (là hình thức hát đối đáp trong khi đi đường, đi chợ, đi hội); hát ví (là hình thức hát ví von của người Mường); hát mỡi, hát ru, hát đồng giao... Tất cả đã đóng góp thêm cho sự phong phú của kho tàng dân ca Mường.

Nghệ nhân Quách Thị Lon: “Câu hát dân ca góp vui trong mỗi sự kiện của gia đình, cộng đồng người Mường”
Nghệ nhân Quách Thị Lon: “Câu hát dân ca góp vui trong mỗi sự kiện của gia đình, cộng đồng người Mường”

Để mạch ngầm văn hoá mãi chảy

Suốt những năm tháng tuổi thơ, Nghệ nhân Quách Thị Lon đã được đắm chìm trong những câu hát ru bằng tiếng Mường của bà, của mẹ. Và sau mỗi đêm giao lưu văn nghệ của bản, người phụ nữ ấy dần quen với giai điệu và thuộc những lời dân ca của dân tộc mình. Câu hát, lời ca của đồng bào Mường được cất lên mọi thời điểm trong ngày như: Khi làm đồng, lên rẫy, chăn trâu, cắt cỏ... đã ăn sâu vào trong tiềm thức của Nghệ nhân Quách Thị Lon từ lúc nào không hay.

Nghệ nhân Quách Thị Lon nhớ lại: “Năm 11 tuổi, tôi được theo các chị trong bản đi hát dân ca đưa chân các anh bộ đội lên đường nhập ngũ. Ngày ấy, tôi là người trẻ nhất của đội nên hát say mê lắm. Trong những ngày hội xuân, lễ cưới, làm nhà… Câu hát cứ thế góp vui trong mỗi sự kiện của gia đình, cộng đồng”.

Bởi những câu hát, làn điệu dân ca Mường, là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong cuộc sống, nên ngày ngày Nghệ nhân Quách Thị Lon lại trau dồi thêm kỹ thuật, tập hát để nâng cao giọng ca. Mong muốn gìn giữ nét văn hóa truyền thống quý giá của dân tộc mình, Nghệ nhân Quách Thị Lon còn đi đầu trong phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương bằng việc mở lớp dạy hát tiếng Mường cho người dân các xóm, các xã.

Nghệ nhân Quách Thị Lon dạy các em nhỏ tại Bản Khanh học hát những ca khúc dân ca của dân tộc mình
Nghệ nhân Quách Thị Lon dạy các em nhỏ tại Bản Khanh học hát những ca khúc dân ca của dân tộc mình

Trao đổi với Báo Dân tộc và Phát triển, bà Bùi Thị Liệu, Trưởng bản Khanh thông tin: Nghệ nhân Quách Thị Lon yêu tha thiết bản sắc văn hóa dân tộc mình. Thế nên, chị luôn nhiệt thành với việc hướng dẫn, chỉ dạy cho mọi người cách hát. Dân ca Mường dễ hiểu nhưng không dễ hát. Ai cũng có thể hát dân ca, nhưng hát chạm vào trái tim người nghe, hát cho ra hồn dân ca Mường thì không phải ai cũng biết. Phải biết luyến láy, bởi luyến láy chính là nghệ thuật riêng của dân ca Mường. 

"Chính nhờ chị Lon mà chị em trong bản vượt qua được những khó khăn đó, ngày càng có nhiều người trong bản không chỉ biết hát mà còn hát rất hay dân ca Mường. Năm 2022, ở tuổi 44 chị Lon đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân”, bà Bùi Thị Liệu chia sẻ.

Ngay từ năm 2019, Nghệ nhân Quách Thị Lon đã tự mày mò học quay phim, các phần mềm biên tập clip để sản xuất và đăng tải video ghi lại các buổi giao lưu hát Mường lên mạng xã hội Youtube. Đây chính là bước ngoặt để lan tỏa tình yêu dân ca Mường đến người Mường không chỉ trong mà cả ngoài tỉnh.

Nghệ nhân Lon chia sẻ, những ngày đầu, dù sản phẩm chưa có chất lượng cao về hình thức, kỹ thuật, nhưng chính những câu hát ngọt ngào, sự đối đáp thông minh giữa các nghệ nhân đã khiến bà con ở khắp các Mường mê mẩn. Tới nay, đã có gần 1800 clip về hát dân ca Mường được Nghệ nhân Quách Thị Lon chia sẻ, với hơn 10 triệu lượt xem. “Điều đó cho thấy người Mường rất yêu mến dân ca của dân tộc mình” ,Nghệ nhân Quách Thị Lon hồ hởi.

Phong cảnh Bản Khanh – Điểm dừng chân thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước
Phong cảnh Bản Khanh – Điểm dừng chân thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước

Sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng

Ông Bùi Văn Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa cho biết: “Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể hát Thường Rang – Bộ Mẹng, hát Đúm giao duyên, chính quyền xã Ân Nghĩa đã cùng các thôn bản xây dựng và thành lập các CLB hát dân ca Mường để vừa lưu giữ, vừa quảng bá và truyền đạt lại cho thế hệ trẻ những làn điệu hát cổ. Tại Bản Khanh còn có đội văn nghệ sẵn sàng trình diễn các ca khúc dân ca người Mường để phục vụ du khách khi nghỉ chân tại đây. Điều này nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ phía du khách”.

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua bản Khanh là một trong những địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của huyện Lạc Sơn. Với lợi thế nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Cúc Phương, tọa lạc bên cạnh sông Bưởi, có hệ thống suối, thác nước tự nhiên và phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Không gian tụ cư của người dân bản Khanh, chủ yếu là những nếp nhà sàn truyền thống. 

Đến với bản Khanh, khách du lịch hoàn toàn có được cảm giác thân quen, gần gũi và sinh hoạt hàng ngày như những người bản địa. Không chỉ được ở nhà sàn, mà còn ăn những món ăn của người dân tộc như: rau sắn, rau rừng, cá suối mà mỗi du khách đều có thể tham quan trình diễn và dự lớp học hát dân ca của người Mường...;Những yếu tố này đã thu hút nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước, lựa chọn bản Khanh là điểm dừng chân khi có dịp ghé thăm mảnh đất Hòa Bình.

Ông Bùi Văn Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa: Chính quyền xã Ân Nghĩa đã cùng các thôn bản xây dựng và thành lập các CLB hát dân ca Mường để vừa lưu giữ, vừa quảng bá và truyền đạt lại cho thế hệ trẻ những làn điệu hát cổ
Ông Bùi Văn Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa: Chính quyền xã Ân Nghĩa đã cùng các thôn bản xây dựng và thành lập các CLB hát dân ca Mường để vừa lưu giữ, vừa quảng bá và truyền đạt lại cho thế hệ trẻ những làn điệu hát cổ

Theo đánh giá của ông Đỗ Hồng Hải, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục và du lịch Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết, mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ phát huy được thế mạnh văn hoá bản địa của các dân tộc, mà còn góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều người dân địa phương. Hiện nay, bản Khanh đang đón từ 500 – 700 khách du lịch mỗi năm thông qua mô hình du lịch khám phá cộng đồng, có sự phối hợp của Trung tâm giáo dục và du lịch Vườn Quốc gia Cúc Phương với chính quyền và người dân bản Khanh.

Thời gian qua, Chính phủ và chính quyền địa phương đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân trong phát triển bền vững, trong đó có du lịch như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Các chương trình này là cơ hội lớn để xã Ân Nghĩa, cũng như bản Khanh phát triển du lịch và chuỗi giá trị của địa phương nhằm xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân.

Tin cùng chuyên mục
Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng, cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc… là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Trong đó một niềm vui lớn hơn đến từ việc chuyển biến về nhận thức, suy nghĩ của bà con dân bản, khi nơi đây từng "điểm nóng" về tảo hôn thì nay Quế Phong đã thành điểm sáng trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.