Xã Cúc Phương, huyện Nho Quan (Ninh Bình), nằm trong vùng đệm của rừng Quốc gia Cúc Phương nổi tiếng. Nơi đây có khí hậu khá mát mẻ bởi núi rừng xanh ngút ngàn.
Còn nhớ, những năm 1990, hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Mường ở xã Cúc Phương được chuyển từ vùng lõi của rừng quốc gia ra vùng đệm tái định cư. Thời gian đầu, do bà con sống dựa hoàn toàn vào rừng, nên việc chuyển ra vùng đệm, sinh kế bước đầu cũng gặp nhiều khó khăn.
Ông Đinh Minh Châu, ở thôn Đồng Tâm, xã Cúc Phương nhớ lại, sau khi chuyển về nơi ở mới, ông băn khoăn vì không biết làm gì để nuôi sống gia đình, nên phải đi làm thuê. Tuy nhiên, hơn 10 năm bôn ba vẫn không dư dả được gì, ông nhận thấy, quê hương mình có nhiều tiềm năng phát triển mà bấy lâu nay ông bỏ lỡ.
Trở về địa phương, ông Châu áp dụng mô hình nuôi ong lấy mật. Với lợi thế sống gần rừng quốc gia Cúc Phương, nên đàn ong không bao giờ lo thiếu phấn hoa tự nhiên. Cũng nhờ vậy, ông Châu có sản phẩm mật ong sạch, được du khách yêu thích. Với 30 đàn ong, mỗi năm ông thu được gần 100 triệu đồng, giúp gia đình có thu nhận ổn định.
Ông Đinh Văn Lặng, hiện nay cũng là một trong số những hộ làm kinh tế giỏi ở thôn Đồng Bót, xã Cúc Phương, với mô hình đầu tư nuôi dê sinh sản. Ông bắt đầu nuôi dê từ năm 2012, ban đầu cũng gặp khó khăn về đầu ra. Đàn dê đến kỳ xuất chuồng, ông phải lặn lội mang ra các nhà hàng để rao bán. Tuy nhiên, đến nay, các chủ nhà hàng đến tận nhà ông để thu mua dê. Từ vài con dê nuôi ban đầu, hiện gia đình ông Lặng có đàn hàng chục con dê. Hàng năm ông thu lãi hơn 100 triệu đồng từ mô hình này.
“Nhiều năm trước đây, chúng tôi sống hoàn toàn dựa vào rừng. Nhưng giờ đây, bà con đều nhận thức rõ, là rừng quốc gia không được xâm phạm, phải bảo vệ và giữ rừng bằng mọi giá. Do đó, không ai nghĩ đến việc vào rừng khai thác lâm sản, hay săn bắt thú rừng nữa, mà chuyển hướng dựa vào rừng để phát triển chăn nuôi, trồng rừng theo đướng đi bền vững”, ông Lặng nói.
Không chỉ chăn nuôi, bà con còn tận dụng lợi thế để trồng rừng kinh tế. Bà Đinh Thị Chung, ở thôn Nga 2, xã Cúc Phương có gần 3ha rừng trồng keo. Sau 5 năm chăm sóc, vừa qua bà đã cho khai thác, thu được 250 triệu đồng.
“Nhờ trồng rừng kinh tế, chúng tôi có điều kiện khấm khá hơn. Có nhiều gia đình ở đây có cả hơn chục ha rừng, mỗi lần thu hoạch họ thu về hàng tỷ đồng, đó là số tiền lớn mà trước đây những người nông dân có mơ cả đời cũng khó thấy”, bà Chung nói.
Ông Bùi Quốc Việt, Bí thư Đảng ủy xã Cúc Phương cho biết, trên địa bàn chủ yếu là rừng tự nhiên của Vườn Quốc gia Cúc Phương, có gần 100 ha rừng sản xuất, cộng thêm hơn hơn 40ha rừng phòng hộ. Nhờ phong trào phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng rừng mà những năm qua, việc chặt phá rừng tự nhiên không còn xảy ra.
“Xác định giữ được rừng thì mới có nguồn sinh thủy cho sản xuất và sinh hoạt của dân bản nên chính quyền, đoàn thể, các tổ bảo vệ rừng đã quyết liệt vào cuộc, tuyên truyền, vận động người dân ký và thực hiện cam kết không tàn phá rừng. Đi kèm với đó là định hướng, hỗ trợ bà con phát triển chăn nuôi sản xuất”, ông Việt cho biết thêm.
Theo ông Việt, hiện nay, hoạt động chăn nuôi tại xã Cúc Phương đang phát triển, là lối thoát nghèo cho nhiều hộ người Mường ở nơi đây. Trên địa bàn xã có hơn 75% hội viên nông dân tham gia phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Những mô hình làm ăn trong lĩnh vực chăn nuôi làm điểm tựa cho các gia đình còn khó khăn vươn lên thoát nghèo.
“Chăn nuôi có tiềm năng lớn, một số mô hình phát huy hiệu quả. Vì vậy, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ liên kết với các cơ quan chuyên môn để định hướng người dân sản xuất; đồng thời chính quyền kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở du lịch trên địa bàn nhằm bảo đảm ổn định đầu ra của sản phẩm", ông Bùi Quốc Việt, Bí thư Đảng ủy xã cho hay.