Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Mo trong đời sống đồng bào Mường Phú Thọ

PV - 16:34, 31/01/2023

Mo Mường là loại hình văn hóa dân gian độc đáo, có sức sống bền bỉ, được truyền dạy qua nhiều thế hệ. Người Mường Phú Thọ luôn tự hào: “Nếu không có Mo thì không có người Mường”.

Thầy mo đóng vai trò trung tâm trong việc hành lễ tại các nghi lễ
Thầy mo đóng vai trò trung tâm trong việc hành lễ tại các nghi lễ

Mo chính là tấm gương phản chiếu, là bức tranh rộng lớn bao trùm về lịch sử - xã hội, quan niệm của người Mường về vũ trụ, con người, trời đất, về thế giới tâm linh. Nói đến Mo Mường là bao gồm cả mo sử thi “Đẻ đất - đẻ nước” (hay còn gọi là mo Tlrêu) và “Mo lên trời” (hay còn gọi là mo dẫn đường). Người Mường đã sáng tạo ra Mo để kể lại cho con cháu nghe về quá trình “Đẻ đất - đẻ nước”. Nội dung Mo Mường với hàng chục nghìn câu thơ, câu văn vần, được sáng tác theo vần điệu, nghệ thuật và tuân thủ theo một nguyên tắc diễn xướng nhất định, truyền khẩu từ đời này sang đời khác, rất ít dân tộc bảo tồn được.

Trong các nghi lễ của người Mường, không thể thiếu được thầy mo, ông mo. Theo quan niệm của dân tộc Mường, vai trò của thầy mo, ông mo gắn liền với vòng đời của con người. Vai trò của thầy mo, ông mo còn thể hiện qua đám cưới, trong lễ cúng gia tiên hai họ đến đón dâu hay lễ mừng nhà mới, lễ mát nhà, cầu sức khỏe, bình an. Nghề mo là nghề làm phúc, không lấy nghề mo để làm giàu. Chính vì vậy, những thầy mo có uy tín là những người có tâm, có đức.

Là người có hơn 20 năm kinh nghiệm, ông Hà Văn Ẻn, khu Giác 1, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn (đời thứ 4 trong gia đình làm thầy mo) cho biết: “Nét riêng của thầy mo Mường Tân Sơn là khi hành lễ thường mặc quần áo màu gụ, mũ nồi đen, có đai thắt lưng. Và đặc biệt hơn cả, thầy mo mang trong mình chiếc túi phép được may bằng vải thổ cẩm của dân tộc Mường chứa đựng vật thiêng trong quá trình làm mo như con dao nhỏ, đồng tiền xu âm dương…”.

Thầy mo phân phát giống lúa cho dân bản trong lễ hội “Rước vía lúa” của đồng bào dân tộc Mường Tân Sơn
Thầy mo phân phát giống lúa cho dân bản trong lễ hội “Rước vía lúa” của đồng bào dân tộc Mường Tân Sơn

Qua tư liệu khảo sát, kiểm kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), hiện nay trên địa bàn tỉnh, di sản Mo Mường chỉ còn được bảo lưu trên địa bàn hai huyện Tân Sơn và Yên Lập với 18 người là thầy mo, ông mo. Các nghi lễ có tên gọi là mo tại địa phương, gồm: Mo trong lễ tang, mo vía, mo cúng mụ, mo giải hạn, mo cầu thọ, mo cưới, mo làm nhà mới. Trong đó mo trong lễ tang ma là loại hình đặc sắc nhất. 

Trước đây đám tang của người Mường Phú Thọ thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày, nhưng ngày nay được rút gọn lại trong 2-3 đêm tùy theo từng gia đình, từng địa phương. Đặc biệt trong những năm gần đây, chính quyền địa phương đã xây dựng các quy định trong hương ước, quy ước của các bản, làng; áp dụng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ... Vì vậy nội dung một số bài mo được cắt bớt, giản lược và mo gộp các đoạn để đảm bảo thời gian tổ chức tang lễ.

Tuy nhiên, việc bảo tồn và lưu truyền Mo Mường còn gặp nhiều khó khăn như người Mường không có chữ viết, nội dung bài mo được các ông mo, thầy mo ghi nhớ và truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong quá trình lưu truyền, bảo tồn số lượng câu mo, bài mo không còn được đầy đủ như ban đầu. Trước sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin, việc giao thoa, du nhập văn hóa của các quốc gia, dân tộc khác đã khiến cho di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường đang đứng trước nguy cơ dần bị mai một, biến đổi. Số lượng các cuốn sách, ấn phẩm nghiên cứu về di sản văn hóa Mo Mường của người Mường Phú Thọ hầu như chưa có. Vì vậy quá trình nghiên cứu, phổ biến, truyền dạy di sản văn hóa cũng gặp không ít khó khăn.

Để bảo tồn và phát huy giá trị của Mo Mường, Bộ VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan lập hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường tỉnh Hòa Bình trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đề án được thực hiện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và 6 tỉnh, thành tham gia hồ sơ là: Hà Nội, Sơn La, Phú Thọ, Ninh Bình, Đắk Lắk, Thanh Hóa. Đề án được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Hy vọng, với sức sống trường tồn, vượt qua mọi thời gian và không gian, Mo Mường Phú Thọ sẽ trở thành di sản văn hóa đặc biệt của cộng đồng người Mường cả nước, góp mặt xứng đáng trong nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.