Thời gian như bóng câu qua cửa, mới đó mà đã hơn hai thập niên rồi. Dạo ấy là tết Tân Tỵ (2001), lần đầu tiên tôi cùng mấy phóng viên trẻ tới đây, lúc Nà Hỳ vừa chia tách từ xã Chà Cang (thời điểm ấy xã Chà Cang thuộc huyện Mường Nhé) được hơn một năm. Cũng cần nhắc lại một chút để bạn đọc bây giờ dễ hình dung, dễ chia sẻ hơn, cả về những khó khăn cũng như thành công của Nà Hỳ hôm nay. Vốn là vùng “đất nóng” phía Tây huyện Mường Lay (nay là huyện Mường Chà), xã Nà Hỳ khi đó chạy dài 67km dọc biên giới Việt - Lào, qua 4 cột mốc: B1, B2, B3 và B4; thuộc địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng phiên hiệu 413 Nà Hỳ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu (cũ).
Bên kia, song song với Nà Hỳ, là phân khu 10 (Mường Mày) và phân khu 11 (Xăm Phăn), thuộc tỉnh Phoong Sa Ly, nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào. Hôm chúng tôi tới thăm Đồn Biên phòng Nà Hỳ, trong hội trường của đồn, trên bàn thờ, cành đào Tết được các chiến sỹ đội trinh sát, thay nhau leo dốc 2 ngày mang về từ địa bàn giáp biên, giờ đã rụng gần hết lá. Bánh kẹo Tết đã hết, chè thuốc cũng không còn, duy chỉ nỗi niềm chờ mong những lá thư xuân của hậu phương, là vẫn nguyên vẹn trong tâm tư những người lính theo đúng nghĩa đen là đang “trấn ải lưu đồn”.
Thời điểm ấy xã Nà Hỳ, có diện tích gần bằng hai phần ba tỉnh Bắc Ninh, hầu hết là đồi núi dốc, ba mặt Đông - Tây - Nam giáp Lào, phía Bắc giáp xã nội địa Chà Cang. Nhưng nay, sau mấy cuộc chia tách diễn ra trong hơn hai thập kỷ, theo Báo cáo Vận động quần chúng tháng 11/2022, Đồn Biên phòng Nà Hỳ được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới gần 15km gồm 4 cột mốc (từ mốc 61 đến mốc 64), tiếp giáp với huyện Mường Mày, tỉnh Phong Sa Lỳ (nước bạn Lào).
Đại úy Vũ Bằng Tường, Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng Nà Hỳ nói: So với 67km đường biên trước đây, thì 15km bây giờ quả là con số rất nhỏ. Địa bàn xã Nà Hỳ gồm 9 bản, 1.133 hộ dân, 5.119 khẩu, với 8 dân tộc anh em sinh sống gồm (Mông, Thái, Dao, Kinh, Mường, Khơ Mú, Kháng, Tày).
Tình hình chủ quyền, an ninh biên giới được giữ vững; chưa phát hiện các dấu hiệu vi phạm chủ quyền. Nhân dân hai bên biên giới Việt Nam - Lào chấp hành và thực hiện nghiêm hiệp định, quy chế biên giới, có ý thức trách nhiệm bảo vệ đường biên mốc giới và giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Thiếu tá Chu Quang Hiển, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nà Hỳ cho biết: Do những khó khăn, hạn chế đặc thù của địa bàn biên giới, tại thời điểm này xã Nà Hỳ tỷ lệ hộ nghèo còn cao, sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính tự cung, tự cấp. Tình hình chủ quyền, an ninh biên giới được giữ vững; Nhân dân hai bên biên giới Việt Nam - Lào chấp hành và thực hiện nghiêm hiệp định, quy chế biên giới, có ý thức trách nhiệm bảo vệ đường biên mốc giới. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Đơn vị chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã triển khai tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự địa bàn, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng khu vực biên giới ổn định.
Để có những thông tin phong phú hơn về Nà Hỳ, chúng tôi liên hệ làm việc với UBND xã và được “xếp lịch” ngay buổi chiều hôm đó. Tiếp chúng tôi là ông Lò Văn Khan, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nà Hỳ. Ông Khan người dân tộc Khơ Mú, nguyên là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nà Hỳ mấy khóa trước, công tác ở Nà Hỳ đã hơn 20 năm. Vợ ông, bà Lý Thị Rơi, cũng là công chức tư pháp mẫn cán của xã Nà Hỳ.
Trong căn phòng xây với diện tích hơn chục mét vuông, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Khan cho biết những năm qua, được sự quan tâm của các cấp các ngành, xã được đầu tư khá nhiều để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, nhờ vậy mà đời sống vật chất của Nhân dân các dân tộc đã và đang được nâng lên. Thêm vào đó, các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn chính là “điểm tựa” cho xã trong nhiều lĩnh vực, nhất là về mặt giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, điều mà Phó bí thư Đảng ủy Lò Văn Khan nói riêng và tập thể lãnh đạo xã nói chung trăn trở trong nhiều năm qua, như người ta thường nói đó là “điểm xuất phát” thấp, mặt bằng dân trí không đồng đều, không ít người dân còn nặng tư tưởng trông chờ sự giúp đỡ vật chất của cấp trên hoặc của các tổ chức nhân đạo, từ thiện trong và ngoài nước... Nếu chương trình nước sạch nông thôn được xem là rất hiệu quả, thì ngược lại, vấn đề giáo dục - đào tạo, điện thắp sáng, giao thông thôn bản... nhiều nơi còn rất khó khăn. Báo cáo của chính quyền xã cho biết hiện thời một số thôn bản vẫn chưa có điện lưới quốc gia.
Một trong những nguyên nhân khiến Nà Hỳ chưa thể có những đột phá trong phát triển kinh tế, đó là việc nông dân thiếu ruộng canh tác. Điển hình là bản Lai Khoang của đồng bào Mông, chỉ một số hộ có ít ruộng ở khe suối, làm nương thì bị sâu bọ, thiên tai mất mùa nên đời sống rất khó khăn. Mặc dù theo giải thích của Phó Bí thư Đảng ủy Lò Văn Khan, thì Nà Hỳ nguyên thể tiếng Thái là Na Hý, tức ruộng dài; đồng đất ở đây phì nhiêu, làm mỗi năm một vụ lúa, không cần phân bón mà lúa vẫn tốt...
Cũng do đời sống kinh tế khó khăn nên một số hộ nghe lời bọn xấu tin vào những điều tuyên truyền nhảm nhí. Đó là việc đem niềm tin gửi vào chỗ vu vơ, rồi chờ cho chúng hóa thành nhà cao cửa rộng, thành trâu béo bò to, thành lúa nhiều ngô lắm, thành áo hoa quần mới... như những lời đồn thổi hết sức ngây thơ, nhảm nhí(!).
Để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ lãnh đạo Nhân dân trên con đường xóa đói giảm nghèo, chính quyền xã Nà Hỳ cũng thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân tồn tại; đó là công tác quản lý Nhà nước chỉ đạo điều hành còn có những hạn chế, bất cập, đặc biệt là công tác quản lý về lĩnh vực đất đai, quản lý rừng, môi trường. Mặt khác, chế độ chấp hành báo cáo, việc tổ chức triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của cấp trên có lúc chưa thật nghiêm túc và chưa kịp thời; chất lượng đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập, không đồng đều. Hiệu quả cải cách hành chính còn thấp. Thực hiện nhiệm vụ, chất lượng tham mưu chưa cao, nhất là trong công việc phối hợp tham mưu, đề xuất và tổ chức biện pháp thực hiện. Việc chỉ đạo giải quyết vấn đề tuyên truyền đạo trái pháp luật, di dịch cư tự do, buôn bán vận chuyển ma túy... có lúc chưa kiên quyết và chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
... Chúng tôi chia tay Nà Hỳ trong một chiều mưa trắng trời biên giới. Cả khu chợ trung tâm sũng nước, nhưng mùi phở chiều đặc trưng Nà Hỳ thì vẫn lan tỏa hấp dẫn khắp không gian. Đoạn đường từ trung tâm xã Nà Hỳ ra lối rẽ “Cây số 45” (quốc lộ 4H) chưa đầy 30km, mà có tới 4 điểm sạt trượt, do những trận mưa trái mùa là “thủ phạm”. Xe chúng tôi phải “bò” kịch liệt trong gần hai giờ đồng hồ mới trút được tiếng thờ phào.
Thật hú vía! Lại nhớ những lời đùa vui rất hồn nhiên, lạc quan của các chàng “Ngự lâm quân” ở Đồn Biên phòng Nà Hỳ, lúc chia tay sáng nay: “Nhà báo các anh cả đời mới đến đây vài lần còn chúng em đi lại suốt ngày. Mà cũng phải thế này thì khách xa tới mới thông cảm với Nà Hỳ, mới thấy hết một Nà Hỳ đang vượt lên khó khăn, vượt lên trở ngại, vượt lên những điều mà ai không tới Nà Hỳ thì nhất định không thể hình dung ra”...