Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ở nơi thời gian ngưng lại…

Hiếu Anh - 16:52, 06/05/2022

Cứ mỗi độ tháng 5 về, trong mỗi chúng ta như sống lại một thời hào hùng của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954). Đã 68 năm trôi qua, nhưng hôm nay đến với Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chiêm ngưỡng, "lắng nghe" những kỷ vật xưa cũ, chúng ta dường như thấy thời gian đang ngưng lại.

 Đông đảo người dân đến với Bảo tàng nhân ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên phủ
Đông đảo người dân đến với Bảo tàng nhân ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên phủ

Sống mãi với thời gian

Điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân khi tới Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là bên chiếc lưỡi lê com măng đô được Thiếu tướng Nguyễn Dũng Chi tặng. Tướng Nguyễn Dũng Chi khi đó là Tiểu đoàn trưởng chỉ huy đánh cứ điểm đồi A1 năm 1954. Theo lời kể lại của tướng Chi khi bàn giao hiện vật, phía bên kia chiến tuyến, trong đoàn lính pháp có một đội quân đặc biệt, gồm một nhóm chừng vài tiểu đội chuyên dùng lưỡi lê com măng đô. Đây là một trong những đội quân tinh nhuệ nhất chuyên sử dụng lưỡi lê lẳng lặng chiến đấu với quân ta. Chiếc lưỡi lê mà tướng Chi thu được là một trong những chiến lợi phẩm quý giá của ông.

Một trong những kỷ vật giản dị khác, nhưng ấm áp tình người trong những ngày kháng chiến là bộ khung cửi và chiếc bật bông của bác Nguyễn Văn Tư ở Bắc Ninh. Với bộ dụng cụ này, cả gia đình bác đã dệt không biết bao nhiêu bộ chăn, áo ấm gửi cho những chiến sĩ đang xông pha ngoài trận tuyến. Và còn đây là chiếc võng dù của bác sĩ Trần Mộc. Chiếc võng này được dệt bằng dây của 3 cái dù chúng ta thu được trong chiến dịch. Chính chiếc võng này, những chiến sỹ của ta đã cõng không biết bao nhiêu thương binh về hầm trú ấn.

Lãnh đạo bảo tàng cho biết thêm thông tin là sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, bác sĩ Trần Mộc đã gìn giữ chiếc võng ấy như một báu vật. Bác cũng đã dùng chiếc võng làm nôi cho những người con của mình. Từ chiếc võng ấy, 2 người con của bác nay đã trở thành đại tá quân đội.

Bức tranh “xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ” tại bảo tàng
Bức tranh “xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ” tại bảo tàng

Chúng tôi dừng lại rất lâu bên bức tranh “Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ”. Bức tranh do bác Phạm Thanh Tâm tặng bảo tàng. Khi đó họa sĩ Phạm Thanh Tâm là một trong những họa sĩ trẻ nhất trong đoàn quân tiến lên Điện Biên Phủ. Bức tranh “Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ” được ông vẽ lại khá tình cờ trong hầm pháo của Đại đội 806, Trung đoàn 675, Đại đoàn 351, là đơn vị bắn những loạt đạn đầu tiên vào "trung tâm đề kháng" Him Lam, mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó một thời gian người họa sĩ gặp lại những cô dân công thủơ trước thì được biết toàn bộ chiến sĩ trong căn hầm năm xưa đã hy sinh. Vì thế bức tranh đã trở thành một phần lịch sử, một báu vật của người họa sĩ.

Trăn trở của những người làm công tác bảo tàng

Đi tham quan một vòng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngay tại mảnh đất cách đây 68 năm đã diễn ra cuộc chiến đấu hào hùng khiến cho người xem thật sự xúc động. Chắc hẳn khách tham quan còn mong muốn được nhìn nhiều hơn những kỷ vật ý nghĩa, nghe nhiều hơn những câu chuyện cảm động. Thế nhưng đây cũng chính là những trăn trở của những người làm công tác quản lý bảo tàng.

Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ được khánh thành vào 5/5/2014. Công trình này được đầu tư với mức kinh phí hơn 211 tỷ đồng trên diện tích 22.000 m2. Riêng phần trưng bày cơ bản (kỷ vật, tranh ảnh) của công trình có diện tích sàn là 1.400 m2. Tuy nhiên, số lượng hiện vật có trong bảo tàng là quá nhỏ so với quy mô. Hiện nay, Bảo tàng mới chỉ trưng bày trong nhà gần 500 tài liệu và hiện vật, ngoài trời là 383 hiện vật.

Người dân chăm chú tham quan tại Bảo tàng
Người dân chăm chú tham quan tại Bảo tàng

Nguyên nhân của việc thiếu hiện vật trưng bày, Lãnh đạo Bảo tàng giải thích, hiện nay số lượng hiện vật liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ có ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khá nhiều và phong phú. Việc di chuyển hiện vật đều do quản lý của Viện Bảo tàng Quân đội. Năm 1996, phía quân đội bàn giao khu di tích Điện Biên Phủ và nhà trưng bày chiến thắng Điện Biên Phủ cho tỉnh Điện Biên, thì chỉ bàn giao khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ, nhà trưng bày chiến thắng Điện Biên Phủ và một số hiện vật tại kho tạm của Phân viện Bảo tàng Điện Biên Phủ. Còn toàn bộ hiện vật, tài liệu đang được cất giữ ở kho tại Hà Nội thì không bàn giao.

Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ đã có những cuộc làm việc đề nghị Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và một số bảo tàng khác chia sẻ hiện vật để trưng bày, nhưng đến thời điểm này vẫn đang chờ xin ý kiến của các cấp thẩm quyền. Chính vì vậy, để có thêm hiện vật trưng bày, Bảo tàng đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân hiến tặng kỷ vật. Cuộc vận động này được thực hiện từ ngày 13/5/2013. Hiện nay số tài liệu, hiện vật được hiến tặng bởi 34 tổ chức và cá nhân chủ yếu là các cựu chiến binh và các thân nhân với 105 hiện vật gốc.

Còn Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên cho biết, cuộc vận động hiến tặng hiện vật của Bảo tàng là một cách làm sáng tạo nhằm thu thập được những hiện vật quý báu. Tuy nhiên, về lâu dài nguồn cung này khó bảo đảm được. Vì thế trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Điện Biên mong muốn bên cạnh việc tiếp nhận những hiện vật của các tổ chức, cá nhân hiến tặng, thì cần phải có sự đầu tư kỹ lưỡng hơn và cần có sự chia sẻ từ các bảo tàng khác trên cả nước. Có như vậy, Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ mới đủ hiện vật làm lên một bức tranh sinh động, phong phú, nhiều cảm xúc cho du khách trong nước và quốc tế mỗi khi đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng này.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.