Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nậm Pồ (Điện Biên): Nhiều giải pháp hiệu quả giúp người dân xóa đói giảm nghèo

Thành Trung- Mắn On - 17:21, 07/11/2022

Là huyện nghèo còn gặp nhiều khó khăn, những năm qua Đảng bộ, chính quyền huyện biên giới Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều giải pháp để tập trung xóa đói giảm nghèo. Từ sự chủ động của chính quyền địa phương cộng với ý thức tự lực vươn lên của mỗi người dân, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã đổi thay và không ngừng phát triển.

Bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Trường PTDTBTTH-THCS xã Nậm Nhừ được đầu tư xây mới cơ sở vật chất.
Bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Trường PTDTBTTH-THCS xã Nậm Nhừ được đầu tư xây mới cơ sở vật chất.

Tạo sức bật từ các chính sách, dự án

Huyện Nậm Pồ có trên 95% số dân là đồng bào DTTS, đồng bào nơi đây còn hạn chế trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, trong khi đó địa bàn rộng, địa hình giao thông chia cắt phức tạp. Đây chính là những rào cản lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của địa phương.

Xác định công tác xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm, UBND huyện Nậm Pồ đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị phụ trách theo dõi, giúp các xã đặc biệt khó khăn về công tác xóa đói giảm nghèo; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chủ động vươn lên thoát nghèo của mỗi người dân.

Một trong những cách làm hiệu quả đang được cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ triển khai đó là thường xuyên kiểm tra đôn đốc tiến độ triển khai các dự án, mô hình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ông Lê Khánh Hòa, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nậm Pồ cho biết : “Phát huy vai trò của các tổ chức đảng, đặc biệt là các đồng chí trong cấp ủy, chúng tôi phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Huyện ủy viên trực tiếp theo dõi các đảng bộ, chi bộ cơ sở phải tham gia hướng dẫn, chỉ đạo, phát huy vai trò của đảng viên lãnh đạo trong việc định hướng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đã đề ra”.

Từ nguồn vốn xã hội hóa, nhân dân bản Mốc 4, xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ lắp đặt đèn điện năng lượng mặt trời thắp sáng bản
Từ nguồn vốn xã hội hóa, nhân dân bản Mốc 4, xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ lắp đặt đèn điện năng lượng mặt trời thắp sáng bản

Để xóa đói giảm nghèo, ngoài được sự hỗ trợ từ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương thông qua các chương trình, dự án thì huyện Nậm Pồ cũng đã tích cực huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, sự tham gia xã hội hóa của cộng đồng để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Nhờ đó đến nay, địa phương này đã có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, hơn 80% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 94% số bản có đường dân sinh... Những kết quả này đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương phát triển.

Ông Chảo Sủ Chiêm, bản Huổi Cơ Dạo, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, đường vào bản Huổi Cơ Dạo chưa được đầu tư nên đi lại rất khó khăn. Hiện nay, các công trình đường bê tông được Nhà nước quan tâm đầu tư, bà con đi lại đã dễ dàng, thuận tiện. Cũng nhờ thế mà cuộc sống của người dân tại bản chúng tôi đang đổi thay từng ngày”.

Nhiều mô hình hiệu quả kinh tế cao

Với lợi thế về sản xuất nông nghiệp, Nậm Pồ đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế hiện có. Theo đó, huyện Nậm Pồ đã tập trung phát triển những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; thành lập các hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện hỗ trợ người dân phát triển cây ăn quả, cây dược liệu theo hướng hàng hóa. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được hàng trăm mô hình trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng mận ở xã Vàng Ðán, sa nhân ở xã Nậm Khăn, Nà Bủng; các mô hình trồng cam, bưởi, ổi, sơn tra và một số loại cây ăn quả khác ở Nà Hỳ, Si Pa Phìn, Phìn Hồ, Chà Cang, Chà Nưa...

Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ hướng dẫn người dân bản Nậm Chua 2- xã Nậm Chua chăm sóc mở rộng diện tích trồng dứa.
Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ hướng dẫn người dân bản Nậm Chua 2- xã Nậm Chua chăm sóc mở rộng diện tích trồng dứa.

Đặc biệt với sự thành công trong việc trồng thử nghiệm trên 1 nghìn cây mắc ca tại xã Nà Hỳ năm 2017, huyện Nậm Pồ đã chấp thuận 2 nhà đầu tư là Công ty cổ phần du lịch và nông nghiệp công nghệ cao Điện Biên (thuộc Tập đoàn TH Truemilk) thực hiện trồng 5.800ha cây mắc ca tại 3 xã: Nậm Nhừ, Nà Khoa, Na Cô Sa; và Công ty mắc ca Tây Bắc Điện Biên thực hiện trồng 10.000ha cây mắc ca trên địa bàn các xã: Si Pa Phìn, Phìn Hồ, Chà Nưa, Chà Cang, Chà Tở, Nậm Khăn, Pa Tần, Nậm Tin. Hiện nay, cả 2 đơn vị này đã phối hợp với huyện đo đạc đất đai, phấn đấu năm 2022 trồng hơn 750ha tại 2 xã Si Pa Phìn và Nà Khoa.

Có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi, huyện Nậm Pồ đã quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Nếu như năm 2015, đàn gia súc của huyện Nậm Pồ có 53 nghìn con thì nay đã tăng lên trên 70 nghìn con, gia cầm gần 170 nghìn con. Nhiều hộ gia đình phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm có thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như mô hình chăn nuôi bò của gia đình ông Hồ Chử Vàng, bản Đệ Tinh 2, xã Phìn Hồ với quy mô trên 100 con bò; mô hình chăn nuôi trâu của ông Ngải Cù Lỷ, bản Đề Pua, xã Phìn Hồ cho thu nhập 150-200 triệu đồng mỗi năm.

Các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện, khí hậu của địa phương, tiêu biểu như: Mô hình trồng cam của Ông Sùng Quán Tùng, ở bản Tàng Do, xã Nậm Tin với gần 10ha, bước đầu cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ cam; các mô hình trồng cây xả lấy dược liệu tinh ở các xã Vàng Đán, Nậm Tin, Nà Hỳ… cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.

Ông Tòng Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ cho biết: “Chúng tôi tập trung chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con về các giống cây trồng vật nuôi mới nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho bà con. Trong đó tới đây, chúng tôi tập trung cho việc thực hiện nghị quyết phát triển chăn nuôi trâu, bò. Chúng tôi sẽ triển khai 10 mô hình, trong đó có 4 mô hình chăn nuôi bò sinh sản, 4 mô hình chăn nuôi trâu bò thịt; phát triển nguồn thức ăn sẵn sàng cho mùa khô”.

Xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ có tổng diện tích tự nhiên gần 1.500ha với nhiều đồi, núi thấp lại có nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, được đánh giá là địa phương phù hợp với phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc. Để chăn nuôi gia súc trở thành nguồn thu nhập chính của người dân, xã Phìn Hồ đã tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân tích cực trồng cỏ voi; chuyển đổi chăn nuôi trâu, bò từ thả rông sang nuôi nhốt, từ nuôi nhỏ lẻ sang nuôi hàng hóa. Phấn đấu đến năm 2025, toàn xã sẽ trồng được 30ha cỏ voi và sớm hình thành vùng chăn nuôi trâu bò tập trung, trong đó phát triển từ 15 đến 20 mô hình gia trại chăn nuôi có áp dụng khoa học kỹ thuật, chăn nuôi bền vững.

Mô hình chăn nuôi bò điển hình của hộ gia đình ông Hồ Chử Vàng, Bản Đệ Tinh 2, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ.
Mô hình chăn nuôi bò điển hình của hộ gia đình ông Hồ Chử Vàng, Bản Đệ Tinh 2, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ.

Ông Hồ Chử Dung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ chia sẻ: “Chúng tôi chỉ đạo đến các chi bộ xây dựng chuyên đề cụ thể, triển khai chăn nuôi gia súc, trong đó tập trung trồng cỏ voi nuôi trâu. Các hộ gia đình trên địa bàn cũng phát triển chăn nuôi, trồng cỏ voi chăn nuôi trâu bò, góp phần thực hiện phát triển kinh tế gia đình và xóa đói giảm nghèo”.

Tiếp tục hỗ trợ giúp đồng bào phát triển bền vững

Để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo thì nhu cầu về vốn vay của người dân rất lớn và cần thiết. Thực hiện chính sách tín dụng Nhà nước dành cho hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách khác, năm 2021 Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nậm Pồ đã giải ngân cho trên 2.600 hộ vay vốn để đầu tư vào sản xuất chăn nuôi, ổn định đời sống. Nguồn vốn này đã và đang thúc đẩy người dân các xã, bản của huyện Nậm Pồ thay đổi tư duy sản xuất, phát huy ý chí tự lực vươn lên, thoát khỏi đói nghèo và làm giàu chính đáng.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nậm Pồ cho biết: “Các chương trình cho vay trọng điểm của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Nậm Pồ là cho vay hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Trong đó chương trình cho vay hộ nghèo có tổng dư nợ lớn nhất là cho vay hộ nghèo, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo đến thời điểm này đạt hơn 180 tỷ đồng với 3.962 hộ. Chương trình hộ đồng bào DTTS theo Quyết định 54 và Quyết định 755 và 2085 là các chương trình có lãi suất rất ưu đãi. Các hộ nghèo chủ yếu vay về mua trâu, chăn nuôi lợn, gia súc gia cầm, giúp người dân xóa đói giảm nghèo”.

Đồng bào các dân tộc huyện Nậm Pồ thu hoạch lúa vụ hè thu năm 2022.
Đồng bào các dân tộc huyện Nậm Pồ thu hoạch lúa vụ hè thu năm 2022.

Có thể khẳng định bằng nhiều giải pháp đồng bộ và tích cực của cấp ủy, chính quyền và nỗ lực vượt khó của đồng bào các dân tộc, công tác xóa đói giảm nghèo của huyện biên giới Nậm Pồ đã đạt những kết quả quan trọng. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện Nậm Pồ đã có hơn 2.700 hộ thoát nghèo, số hộ tái nghèo giảm mạnh qua các năm, đời sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt. Phát huy những kết quả đạt được, huyện Nậm Pồ đang tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; vận động người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.