Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sức sống mới ở miền biên viễn Nậm Cha

Bùi Chiến - 18:06, 30/06/2022

Những năm trước đây, xã Nậm Cha, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu còn bộn bề khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao, an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Nhưng giờ đây đã khác, sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, văn hóa xã hội ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được nâng cao mọi mặt. An ninh trật tự được đảm bảo. Bà con dân bản nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới.

Người dân bản Ngài Chồ (xã Nậm Cha, huyện Sìn Hồ) chuyển từ trồng lúa nương sang trồng chuối đem lại hiệu quả kinh tế cao (ảnh: TL)
Người dân bản Ngài Chồ (xã Nậm Cha, huyện Sìn Hồ) chuyển từ trồng lúa nương sang trồng chuối đem lại hiệu quả kinh tế cao (ảnh: TL)

Trong ký ức người dân nơi đây vẫn còn phảng phất hình ảnh của một thời gian khó. Ngày ấy, dân bản sống phân tán, phần lớn là nhà tạm, dột nát, vào ngày giáp hạt không ít hộ thiếu đói. Không những thế, Nậm Cha còn có nguy cơ trở thành địa bàn trọng điểm về mất an ninh trật tự, tình trạng trộm cắp tài sản, gây rối xảy ra thường xuyên. Đời sống khó khăn, bà con ngày ngày mải miết mưu sinh, cũng chẳng có thời gian chăm lo việc học tập cho con em mình. Tỷ lệ trẻ thất học, bỏ học giữa chừng ở Nậm Cha đã có thời kỳ rơi vào tình trạng báo động. Ngày ấy, Nậm Cha như một bức tranh toàn cảnh được vẽ lên bởi những gam màu của sự ảm đạm và nghèo khó.

Nhưng giờ đây đã khác, miền quê tưởng chừng ngập trong gian khó ấy đã bừng lên một sức sống mới. Trao đổi với đồng chí Tẩn A Ngụ - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Nậm Cha, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu chúng tôi được biết, không để bà con dân bản mãi sống trong khó khăn, xã đã căn cứ tình hình thực tế, xây dựng Nghị quyết phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng sát với tình hình thực tiễn. Trong quá trình triển khai thực hiện đã phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong của đảng viên và nâng cao hiệu quả tuyên truyền của các tổ chức đoàn thể. Nhờ đó, Nậm Cha đã đẩy mạnh phong trào xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống mọi mặt trong các khu dân cư.

Là xã thuần nông, để thoát nghèo, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp được xem như khâu then chốt. Phát huy hiệu quả của hệ thống thủy lợi đã được đầu tư kiên cố, những năm qua, Nậm Cha không ngừng đẩy mạnh sản xuất, tới thời điểm hiện tại, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã đã lên tới gần 900 ha, tăng gấp đôi so với năm 2020. Trong đó diện tích lúa có hơn 350 ha, các giống lúa địa phương cho năng suất, sản lượng thấp được thay bằng các giống: Khang dân, Nhị ưu, Bắc ưu, Bắc thơm… cho năng suất, chất lượng gạo ngon. Xã còn có hơn 100ha ngô lai sau khi trồng khảo nghiệm đã được đưa vào sản xuất trên diện rộng. Cùng với đó là các giống hoa màu khác và sắn.

Sản xuất theo hướng thâm canh, chú trọng phòng trừ sâu bệnh, Nậm Cha liên tiếp được mùa. Năm 2021 vừa qua, tổng sản lượng lương thực của xã đạt hơn 1,7 nghìn tấn, nâng tổng lương thực bình quân đầu người lên gần 480kg/người/năm. Theo ông Phàn A Bình – bản Nậm Cha (xã Nậm Cha) trồng trọt phát triển, bà con dân bản không còn thiếu đói như những năm trước đây, sản phẩn cây trồng còn được bán ra thị trường tăng thêm thu nhập để dân bản đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình. 

Đời sống no ấm hơn, người dân nơi đây đã chăm lo học tập cho con em mình. Trường lớp được đầu tư khang trang, các nhà trường đã chủ động thích ứng linh hoạt trước diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19. Thầy giáo Dương Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng phó Trường Tiểu học Nậm Cha phấn khởi cho biết, những năm qua, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp luôn đạt trên 99,5%, tỷ lệ học sinh chuyên cần năm sau cao hơn năm trước, học sinh khá giỏi đạt 35 – 37%, nhà trường không còn tình trạng học sinh nghỉ học tự do như trước. Các trường PTDTNT THCS và Mầm non trên địa bà xã thi đua dạy tốt, học tốt, ngày càng có thêm những tín hiệu vui.

Trường lớp học được đầu tư khang trang, giúp cho việc dạy và học ở Nậm Cha không còn khó khăn như trước
Trường lớp học được đầu tư khang trang, giúp cho việc dạy và học ở Nậm Cha không còn khó khăn như trước

Để góp phần tạo nên nhịp sống mới cho Nậm Cha, trong những năm gần đây cấp ủy chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đẩy mạnh trấn áp tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Giờ đây Nậm Cha không còn là điểm nóng về trật tự trị an, dân bản phấn khởi lắm. Ông Lý Văn Ương – người dân bản Nậm Chăng phấn khởi nói, giờ đây an ninh trật tự đã được đảm bảo bảo, dân bản yên tâm lao động sản xuất và tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân đấu tranh, tố giác tội phạm.

Là miền quê có bề dày trầm tích văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, Dao, trong cộng đồng vẫn lưu truyền nét đẹp truyền thống qua kiến trúc nhà ở, không gian sống, ngôn ngữ, tín ngưỡng, ẩm thực, trang phục và nghệ thuật diễn xướng. Những nét đẹp truyền thống là nền tảng để Nậm Cha đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Kinh tế văn hóa xã hội phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao; các nét đẹp văn hóa được giữ gìn và phát huy. Cùng với đó, an ninh trật tự trên địa bàn ngày càng được củng cố đã tạo nên nhịp sống mới, ngày mới ở Nậm Cha.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.