Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hiệu quả từ Dự án 6, Chương trình MTQG 1719: Văn hóa đã trở thành động lực phát triển kinh tế

Minh Thu - 15:24, 16/04/2025

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719), nhiều địa phương đã tích cực triển khai Dự án 6, với các giải pháp hiệu quả. Từ đó, từng bước khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.


Nghệ nhân hướng dẫn các thành viên CLB dệt những họa tiết khó trong tấm thổ cẩm của người Ê Đê, tỉnh Đắk Lắk.
Nghệ nhân hướng dẫn các thành viên CLB dệt những họa tiết khó trong tấm thổ cẩm của người Ê Đê, tỉnh Đắk Lắk

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Triển khai Dự án 6, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình chi tiết, chia Dự án thành nhiều giai đoạn để triển khai thực hiện hiệu quả. Các nội dung của Dự án được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy vai trò làm chủ của đồng bào DTTS trong xây dựng đời sống văn hóa. Đồng thời, gắn với thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong phát triển du lịch, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, thu hút du khách, góp phần nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào DTTS tại địa phương.

Như ở Kon Tum, nhiều nội dung thành phần thuộc Dự án 6 được ngành VH,TT&DL chú trọng triển khai. Tiêu biểu như: Khôi phục lễ hội truyền thống của dân tộc Rơ Măm; Bảo tồn, phát huy Lễ hội ăn than của dân tộc Gié Triêng tại làng Đăk Ga, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei; Bảo tồn Lễ mừng nước giọt của dân tộc Ba Na tại thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà... Hỗ trợ xây dựng 4 mô hình văn hóa truyền thống các DTTS tại huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Ngọc Hồi; Xây dựng 6 câu lạc bộ văn hóa dân gian tại các huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Hà, Đăk Glei, Ngọc Hồi; Hỗ trợ hoạt động cho 58 đội văn nghệ truyền thống các thôn vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ đầu tư xây dựng 4 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS và xây dựng 70 thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn trong vùng đồng bào DTTS...

Việc thực hiện hiệu quả Dự án 6 đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tại các địa phương thụ hưởng (Ảnh minh họa).
Việc thực hiện hiệu quả Dự án 6 đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tại các địa phương thụ hưởng. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, từ nguồn vốn đối ứng của địa phương, tính riêng năm 2024, ngành VH,TT&DL tỉnh Kon Tum đã thực hiện hỗ trợ 7 nghệ nhân ưu tú tham gia truyền dạy kỹ năng đánh cồng chiêng; tổ chức 4 lớp tập huấn, truyền dạy kỹ năng đánh cồng chiêng trong cộng đồng dân tộc Gié Triêng.

Với tỉnh Quảng Trị, thực hiện Dự án 6, từ năm 2021 - 2024, Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Trị đã tổ chức 4 lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ tại các địa phương vùng đồng bào DTTS với 120 học viên tham gia. Hỗ trợ hoạt động cho 2 đội văn nghệ truyền thống của xã A Bung, xã Tà Rụt, huyện Đakrông với tổng kinh phí 150 triệu đồng.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Trị đầu tư xây dựng nội dung, xuất bản 2 phim tư liệu về văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS; thực hiện hỗ trợ trang thiết bị tại 7 thôn của xã Tà Rụt với tổng kinh phí 210 triệu đồng. Hỗ trợ xây dựng 25 tủ sách cộng đồng cho các xã tại vùng đồng bào DTTS. Thực hiện việc kiểm kê, khảo sát các giá trị văn hóa DTTS tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Bảo tồn, phát huy nghề may trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú bản Kéo, xã Pá Khoang, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên (Ảnh minh họa).
Bảo tồn, phát huy nghề may trang phục truyền thống dân tộc Khơ Mú bản Kéo, xã Pá Khoang, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. (Ảnh minh họa)

Phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS

Cũng tại tỉnh Quảng Trị, ở các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống như: Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ, việc triển khai thực hiện Dự án 6 đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Điển hình như ở Hướng Hóa, địa phương tổ chức phục dựng Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Vân Kiều tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng và Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào Pa Kô tại xã Lìa; xây dựng được 6 câu lạc bộ văn hóa dân gian; hoàn thành việc kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa dân ca, dân vũ và dân nhạc của các DTTS...

Một trong những điểm đáng chú ý trong thực hiện Dự án 6 là nhiều địa phương có những cách làm hay, sáng tạo như tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; tuyên truyền quảng bá du lịch và bản sắc văn hóa các dân tộc; Tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS. Hỗ trợ đồng bào DTTS thành lập những mô hình hoạt động thiết thực như các câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng, CLB văn nghệ dân gian... Thông qua các hoạt động nói trên, công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hoá của các DTTS ở các địa phương đã có bước phát triển mới về quy mô cũng như chiều sâu.

Việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS gắn liền với phát triển du lịch, là một chủ trương phù hợp với điều kiện thực tế, hợp lòng dân (Ảnh minh họa))
Việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS gắn liền với phát triển du lịch là một chủ trương phù hợp với điều kiện thực tế, hợp lòng dân. (Ảnh minh họa)

Với nguồn lực hỗ trợ từ Dự án 6, các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có thêm điều kiện để triển khai công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS. Từ đó, đưa các giá trị văn hóa độc đáo về với đời sống cộng đồng, phục vụ các sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, tăng tình đoàn kết, gắn bó giữa cộng đồng các dân tộc, góp phần ổn định chính trị, phát triển hiệu quả kinh tế - xã hội. Đồng thời, thực hiện tốt phương châm chiến lược phát huy hiệu quả giá trị “Di sản văn hóa thành tài sản”, văn hóa truyền thống các DTTS trở thành sản phẩm trong phát triển du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS.

Theo ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Đắk Lắk: Việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS gắn liền với phát triển du lịch là một chủ trương phù hợp với điều kiện thực tế, hợp lòng dân. Để công tác này đạt hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn, hiện nay các sở, ngành liên quan đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định, hướng dẫn chi tiết, ưu tiên, điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ triển khai các nội dung của Dự án 6. Qua đó, góp phần tích cực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Đồng thời, góp phần quảng bá các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của từng địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Thay đổi “nếp nghĩ cách làm” nhờ Chương trình MTQG 1719

Thay đổi “nếp nghĩ cách làm” nhờ Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn 1: từ 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719) đã đi vào chặng đường cuối của giai đoạn 1. Cùng với những thay đổi to lớn về kết cấu hạ tầng, đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có nhiều bước chuyển đáng mừng. Đặc biệt, với trợ lực từ Chương trình MTQG 1719, đã có nhiều thay đổi trong “nếp nghĩ cách làm” của đại bộ phận đồng bào DTTS và miền núi.