Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phú Thọ quan tâm phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS

Mạnh Cường - 14:39, 26/10/2024

Nhờ nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), những năm gần đây, diện mạo các xóm, bản vùng đồng bào DTTS ở tỉnh Phú Thọ đã có bước chuyển mạnh mẽ.

Đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Phú Thọ có bước phát triển nhờ triển khai đồng bộ Chương trình MTQG 1719 (Ảnh minh họa).
Đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Phú Thọ có bước phát triển nhờ triển khai đồng bộ Chương trình MTQG 1719 (Ảnh minh họa).

Đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi

Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Yên Lập đã triển khai đồng bộ 10 dự án của Chương trình MTQG 1719, với tổng vốn đầu tư trên 264 tỷ đồng. Huyện đã tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; giải quyết nhu cầu về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; tạo sinh kế; hỗ trợ đào tạo nghề; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tại các xóm, bản...

Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương rà soát đối tượng thụ hưởng thuộc dự án, tiểu dự án; xác định kinh phí, đề xuất phương án, đồng thời tham mưu HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh dự án nếu phát sinh tăng hoặc giảm để đảm bảo các dự án được đầu tư hiệu quả.

Ông Cầm Hà Chung Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ

Ông Đinh Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập cho biết: “Huyện tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG 1719 gắn với mục tiêu và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chủ động lựa chọn những nội dung đảm bảo phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn, trong tất cả các lĩnh vực để hướng tới phát triển bền vững”.

Riêng từ năm 2023 đến nay, huyện Yên Lập đã hỗ trợ 70 hộ dân xây mới nhà ở; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 302 người; 1.035 hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán... 

Đồng thời, huyện đầu tư xây dựng 2 công trình hạ tầng, bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tại các xã Mỹ Lương, Lương Sơn; xây dựng 5 công trình nhà lớp học, ký túc xá, nhà công vụ và các công trình phụ trợ tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trung Sơn A; Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS huyện.

Cùng với đó, 3 công trình điểm du lịch trải nghiệm di sản, điểm du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS miền núi gắn với di tích lịch sử tại các xã Mỹ Lung, Xuân An, Minh Hòa đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả bước đầu, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS trên địa bàn.

 Đường giao thông trên địa bàn huyện Thanh Sơn được nâng cấp từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719.
Đường giao thông trên địa bàn huyện Thanh Sơn được nâng cấp từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719.

Bên cạnh việc hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh Phú Thọ đã và đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ triển khai các Dự án, Tiểu Dự án thuộc Chương trình MTQG 1719. Trong đó, với vai trò chủ công, Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ triển khai nhiều nội dung quan trọng.

Như việc thực hiện Dự án 1,Chương trình MTQG 1719 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nhằm hướng tới mục tiêu giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo sinh sống vùng đồng bào DTTS và miền núi, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương, tạo động lực giúp đồng bào thoát nghèo, tỉnh Phú Thọ đã ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, nhóm đồng bào DTTS khó khăn. Trong đó, tập trung cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; triển khai rà soát, thống kê nhu cầu đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS và miền núi đảm bảo đúng đối tượng, quy định.

Đảm bảo các dự án được đầu tư hiệu quả

Tại huyện Thanh Sơn, nơi có 61% dân số là đồng bào DTTS, trong hai năm (2022 - 2023), từ nguồn vốn 219 tỷ đồng của Chương trình MTQG 1719, huyện đã linh hoạt lồng ghép và đầu tư xây dựng 159 công trình hạ tầng thiết yếu. Trong đó, làm mới trên 12km đường giao thông nông thôn, cải tạo, nâng cấp trên 159km đường; xây mới 46 cây cầu, làm mới 7 đạp tràn, 241 công trình thủy lợi…

Cùng với đó, huyện hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho 1.879 hộ dân; sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư xã Khả Cửu; hỗ trợ người dân phát triển kinh tế với hằng trăm mô hình kinh tế đồi rừng quy mô lớn... Nhờ đó, đến cuối năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện Thanh Sơn giảm còn 7,69%; tỉ lệ hộ cận nghèo giảm còn 7,64%

Cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Yên Lập thực hiện kiểm tra việc sử dụng vốn vay tại xã Thượng Long (Ảnh: Tạ Toàn).
Cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Yên Lập thực hiện kiểm tra việc sử dụng vốn vay tại xã Thượng Long (Ảnh: Tạ Toàn).

Với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ ngày càng phát triển. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, các giá trị văn hóa truyền thống được chú trọng, lữu giữ, bảo tồn và phát huy, khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường. Đồng bào các DTTS phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, ra sức thi đua, chung tay, góp sức xây dựng quê hương.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Cầm Hà Chung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ cho biết, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, rà soát đối tượng thụ hưởng thuộc dự án, tiểu dự án; xác định kinh phí, đề xuất phương án, đồng thời tham mưu HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh dự án nếu phát sinh tăng hoặc giảm để đảm bảo các dự án được đầu tư hiệu quả. 

Đơn vị đề xuất trình Chính phủ cho phép tỉnh Phú Thọ điều chỉnh mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS từ 2% xuống còn 1,2% để phù hợp với thực tiễn của địa phương khi áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 và các chính sách khác liên quan đến hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS và miền núi.

Theo kế hoạch, vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình 1719 giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh là trên 1.736 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển trên 962 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 774 tỷ đồng; ngân sách địa phương trên 215 tỷ đồng. Tổng số vốn bố trí thực hiện Chương trình từ 2021 đến ngày 1/8/2024 đã giải ngân được trên 923 tỷ đồng, thực hiện 357 công trình. Trong đó, 4 công trình cấp tỉnh, 112 công trình cấp huyện và 241 công trình cấp xã. Hiện đã có 292 công trình đang triển khai và đã hoàn thành. Chương trình đã hỗ trợ xây nhà cho 274 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.476 hộ; hỗ trợ mua sắm máy móc, nông cụ chuyển đổi nghề cho 1.453 hộ. Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết tại các xã thuộc huyện Tân Sơn, Yên Lập và Thanh Sơn…

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích… Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.