Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Mỏi mòn chờ điện...

Thúy Hồng - 11:07, 16/11/2021

Chỉ cách trung tâm thị trấn Bảo Lạc khoảng 20km, nhưng bao đời nay đồng bào DTTS ở xóm Ngàm Lồm, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) luôn phải sống trong cảnh thiếu ánh điện. Người dân nơi đây luôn khao khát có điện về thắp sáng bản làng, phục vụ sinh hoạt, sản xuất vươn lên thoát nghèo.

Một góc bản Ngàm Lồm
Một góc bản Ngàm Lồm

Nhiều cái khó vì thiếu điện 

Từ trung tâm xã Kim Cúc, vượt quãng đường đồi núi hơn 5km là đến bản Ngàm Lồm. Con đường vào bản thi thoảng lại có một đoạn ngắn được trải bê tông, nhưng cũng chỉ rộng chừng 80 phân, còn lại toàn đường mòn cheo leo ôm sát lấy những chân đồi. Ngồi sau “tay lái lụa” của đồng chí Công an xã, nhưng có những đoạn quanh co, dốc dựng đứng, phải xuống đi bộ. Để lên dốc phải cài số 1, chiếc xe máy Dream mới từ từ bò lên được. “Thế này mà mua xe tay ga vào đây chỉ có ngồi khóc”, đồng chí Công an xã vui tính nói.

Vào đến đầu bản, chúng tôi gặp anh Đặng Tòn Sú, 30 tuổi, dân tộc Dao, đang chở theo một bao rất nặng đằng sau xe. Sú bảo: "Mình vừa đi xát gạo ở xóm khác, do xóm mình không có điện lưới 3 pha nên không dùng được máy xát. Mỗi lần đi xát ngô, xát thóc khổ lắm. Vì đường đi khó, nên phải xát nhiều để dùng được lâu”.

Trong căn nhà sàn của anh Sú, mặc dù giữa ban ngày, đã bật điện nhưng vẫn tối om, do đường điện tự kéo từ trạm hạ áp ở xóm khác về nên điện yếu.

Gia đình anh Bàn Quầy Kiêm quây quần bên mâm cơm dưới ánh đèn điện mini tự phát
Gia đình anh Bàn Quầy Kiêm quây quần bên mâm cơm dưới ánh đèn điện mini tự phát

Trưởng xóm Ngàm Lồm, Bàn Mùi Pham cho biết: Cả xóm có hơn 100 hộ, chủ yếu là dân tộc Dao, thì chỉ có vài ba nhà ở gần điểm trường mầm non là có điện, do người dân tự kéo điện về nhà, còn phần lớn phải tự dành tiền mua máy phát điện mini đặt ở dưới suối kéo về để sử dụng. Nhưng điện yếu, chỉ thắp được bóng điện nhỏ, nên ánh sáng rất mờ.

Buổi tối ở nơi đây dường như đến sớm hơn. Nhà cửa thưa thớt, không gian yên ắng, bóng tối bao trùm lấy cả núi rừng, thỉnh thoảng đâu đó mới lấp ló một mái nhà. Mọi người nhận ra được vì ở đó có chút ánh sáng le lói từ những ánh đèn điện từ máy phát mini mờ ảo.

Khoảng 7 giờ tối, trong căn nhà sàn của anh Bàn Quầy Kiêm,Trưởng ban Mặt trận xóm Ngàm Lồm, cả gia đình đang quây quần bên mâm cơm dưới ánh đèn điện máy phát mini đỏ quạch, chỉ đủ nhìn rõ mặt người. 

“Ở đây, mùa hè thì còn đỡ. Đến mùa đông, mới 5 - 6 giờ chiều trời đã tối đen như mực. Không có điện, thiệt thòi nhất vẫn là đám con cháu trong nhà. Cả ngày đến trường đã vất vả, về đến nhà, vừa bỏ cái cặp xuống, là chúng phải tranh thủ lôi bài vở ra xem ngay khi còn ánh sáng mặt trời. Còn không, tối đến muốn học thì đám trẻ phải túm tụm cùng nhau soi từng chữ dưới ánh đèn điện mờ ”, anh Kiêm than thở.

Anh Kiêm kể tiếp, máy phát đặt ở dưới suối cách nhà hơn 1km, có những khi trời mưa bão, bị hư hỏng, không thể chạy đi sửa, buổi tối không có điện, các con anh phải thắp đèn dầu để học bài.

 Mấy đứa con của anh Kiêm học bài dưới ánh đèn mờ ảo
Mấy đứa con của anh Kiêm học bài dưới ánh đèn mờ ảo

 Không có điện lưới, trước đây mọi sinh hoạt gia đình anh phụ thuộc vào ánh đèn dầu. Mấy năm nay, bà con phải dành dụm tiền để mua máy điện mini tự phát. Mỗi lần máy phát hỏng, lại mất một khoản tiền để mua. Một chiếc máy phát mini khoảng 2 - 3 triệu đồng, nhưng đó là một khoản tiền dành dụm không nhỏ đối với đồng bào nơi vùng cao này.

"Không có điện, việc truyền tải thông tin đến người dân, cũng như việc người dân cập nhật thông tin khá khó khăn. Quanh năm, bám nương, bám rẫy, dành dụm ít tiền, bà con muốn mua thêm các thiết bị thiết yếu để dùng cũng không được, chỉ một lý do - không có điện", anh Kiêm buồn rầu.

Nhắc đến cái ti vi, anh Kiêm bảo, nhà mình không có tivi, muốn xem thì phải đi khoảng 2 - 3km sang xóm khác để xem nhờ. Mà chỉ có thể đi ban ngày, còn ban đêm, đường đèo dốc rất khó đi.

Không có điện bao năm qua, ngoài mấy con gà, con vịt, nguồn sống chính của người dân vẫn chủ yếu là tự cung tự cấp. Cái đói, cái nghèo vẫn luôn đeo đẳng người dân nơi đây. Cả xóm có 112 hộ, thì 58 hộ nghèo, 35 cận nghèo.

Chính quyền và người dân đều mong đợi

Đem câu chuyện người dân khó khăn vì không có điện trao đổi với ông Nông Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Kim Cúc, ông Khánh buồn rầu: Xã cũng luôn quan tâm, kiến nghị lên cấp trên quan tâm để kéo điện về cho người dân. Nhưng do chưa có đường vào bản, bà con sống thưa, nên rất khó để lắp trạm hạ áp. Mấy năm trước, Công ty Điện lực của tỉnh Cao Bằng cũng đã vào khảo sát, bảo sẽ lắp đặt 2 trạm hạ áp để kéo điện về các xóm. Nhưng không biết bao giờ người dân mới được dùng điện.

Hiện nay, toàn xã có 14 xóm, thì có 3 xóm (Ngàm Lồm, Nà Nằm, Phiêng Tác) với gần 300 hộ dân vẫn chưa có điện lưới Quốc gia, điều kiện kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn. Địa phương rất mong các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện đầu tư hệ thống đường điện, để đời sống sinh hoạt, cũng như lao động sản xuất của người dân 3 xóm  được thuận tiện, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của xã.

Cuộc sống của người dân nơi đây cứ lặng lẽ trôi. Không có điện, giao thông đi lại khó khăn đang ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân, kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội. Ước mơ ánh sáng điện lưới quốc gia của người dân nơi đây chưa biết đến bao giờ mới thành hiện thực.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.