Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lỗi hẹn cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo: Vẫn lại câu chuyện thiếu nguồn lực đầu tư

Thúy Hồng - 20:21, 13/01/2021

Để triển khai cấp điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo, Chính phủ đã phê duyệt thực hiện Chương trình theo Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 và Quyết định số 1740/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ với tổng nhu cầu vốn đầu tư là 30.116 tỷ đồng. Chương trình được triển khai tại 48 tỉnh thành phố với mục tiêu đến hết năm 2020 hầu hết các số hộ dân có điện. Tuy nhiên vì thiếu nguồn lực đầu tư nên chương trình không hoàn thành được đúng thời hạn.

Đưa điện lưới về vùng cao Hà Giang
Đưa điện lưới về vùng cao Hà Giang

Người dân mỏi mắt chờ điện về bản

Từ bao đời nay người dân tại 03 thôn Sùa Lủng, Nhìa Lũng Phìn và Súa Lủng xã Tả Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang với tổng 178 hộ, 350 nhân khẩu, 100 % là đồng bào dân tộc Mông vẫn sống trong cảnh tối tăm do không có điện lưới Quốc gia. Người dân nơi đây luôn khao khát, mỏi mòn chờ đợi có điện về bản để phục vụ sinh hoạt, sản xuất vươn lên thoát nghèo.

Anh Sùng Vả Say thôn Súa Lủng cho biết: Do chưa có điện sinh hoạt nên mọi công việc chủ yếu được làm tranh thủ vào ban ngày, ban đêm người dân phải dùng củi hoặc đèn pin thắp sáng, cuộc sống của các hộ dân nơi đây đang gặp rất khó khăn, không được tiếp cận thông tin liên lạc, không được xem ti vi, không có phương tiện để phục vụ sản xuất.

Khó khăn về điện không chỉ ảnh hưởng đến người lớn mà ngay cả các cháu học sinh cũng chưa một lần được học bài dưới ánh điện. Đó không chỉ là mơ ước của các em mà là mơ ước của 96 hộ dân trong thôn, mong ngóng điện về để thay đổi cuộc sống.

Còn tại huyện biên giới Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng cuộc sống của người dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng đang gặp nhiều khó khăn, vì chưa có điện. Anh Hứa Văn Dèn, Trưởng xóm Lũng Piao cho biết: Cả bản có 29 hộ với 143 nhân khẩu vẫn phải sống trong cảnh đèn dầu. Người dân chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được Nhà nước cấp điện

“Không có điện khổ lắm! Người dân không có ti vi để xem thông tin thời sự bên ngoài, trẻ con thì phải học bằng ngọn đèn dầu với ánh sáng leo lét. Chỉ mong, Nhà nước sớm đầu tư đường điện để mọi sinh hoạt của người dân đỡ khổ hơn” anh Dèn nói.

Theo ông Quan Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Khánh Xuân, toàn xã có 13 xóm thì có tới 7 xóm vẫn chưa có điện lưới Quốc gia, điều kiện kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn. Địa phương rất mong các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện đầu tư hệ thống đường điện để đời sống sinh hoạt cũng như lao động sản xuất của người dân 7 xóm nơi đây được thuận tiện, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo của xã.

Thiếu nguồn lực đầu tư

Mục tiêu Theo quyết định 1740/QĐ-TTG về thực hiện cấp điện cho các hộ dân nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020 sẽ cấp điện tại 17 xã chưa có điện đạt 1005 số xã trên cả nước với khoảng 1.055.000 hộ dân trên địa bàn 9.890 thôn bản với tổng kinh phí đầu tư thực hiện là 30.116 tỷ đồng. Phát triển cấp điện lưới cung cấp cho các trạm bơm có quy mô vừa và nhỏ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cấp điện từ nguồn điện năng lượng tái tạo ngoài lưới điện quốc gia khoảng 21.000 hộ; tăng cường cấp điện cho các huyện đảo hoàn thành đảm bảo cấp điện cho 02 huyện đảo và 3 xã đảo, cấp bằng năng lượng tái tạo độc lập cho người dân khu vực biên giới khó khăn của tỉnh Cao Bằng…

Nhiều bản làng vùng cao vẫn còn khó khăn do chưa có điện để sinh hoạt và phát triển sản xuất.
Nhiều bản làng vùng cao vẫn còn khó khăn do chưa có điện để sinh hoạt và phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2020 nguồn NSTW cân đối cho chương trình quá ít (4.743 tỷ đồng) mới chỉ đạt 18,5% nhu cầu vốn, vốn còn thiếu khoảng 20.856 tỷ đồng (81,5%). Trong khi đó chưa huy động được nguồn lực xã hội vào chương trình. Do đó chỉ tiêu số hộ dân được cấp điện đạt thấp 19%, tương đương 204.737 hộ dân nông thôn; số xã được cấp điện hoàn thành 100%; cấp điện trạm bơm: 89/2.727 trạm đạt 3,26%; cấp điện cho 3/3 các đảo (đảo Bạch Long Vỹ; đảo Nhơn Châu; đảo Trần) có điện.

Lý giải về nguyên nhân thiếu nguồn lực đầu tư, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết: Hiện nay, việc đầu tư để cấp điện cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có giá trị đầu tư rất lớn, trong khi giá kinh doanh điện không đủ khả năng thu hồi vốn, nên không có các tổ chức, cá nhân tham gia.

Theo báo cáo của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương, trong giai đoạn 2021-2025, có khoảng 871.263 hộ dân của 6.811 thôn bản trên địa bàn 2.197 xã nông thôn, miền núi, hải đảo có nhu cầu được cấp điện. Tổng nguồn kinh phí cần tiếp tục huy động nguồn lực khoảng 21.143 tỷ đồng để thực hiện cấp điện an toàn, ổn định cho người dân.

Thiết nghĩ để triển khai hiệu quả chương trình trong giai đoạn tiếp theo, đảm bảo cấp điện cho người dân nông thôn, miền núi, hải đảo tạo động lực để xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần thì Chính phủ cần đảm bảo cấp đủ nguồn kinh phí triển khai thực hiện chương trình. Đồng thời ngành công thương cần có những giải pháp, cơ chế huy động vốn đầu tư từ các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ các tổ chức, tín dụng quốc tế, có giải pháp phân tán, cải tạo nâng cấp điện lưới nông thôn để đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định để cung ứng điện đạt tiêu chí số 4.

Tin cùng chuyên mục
Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) được xem là một quyết sách đặc biệt giúp Quảng Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện, đến nay, Chương trình đã bước đầu phát huy hiệu quả, làm đổi thay bộ mặt của vùng DTTS và miền núi của tỉnh.