Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bản Mù bừng ánh điện

Hiếu Anh - 11:15, 06/04/2021

Bao đời nay, người dân thôn bản Mù, xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn chỉ quen với ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Nhà nào sang lắm thì có ánh đèn “vàng vàng, đùng đục” từ điện năng lượng mặt trời. Ấy thế mà những người già khi đã ở cái cái tuổi gần đất xa trời, lại được nhìn thấy ánh đèn sáng choang từ điện lưới. Bọn trẻ con thì mừng hơn cả, vì có điện, chúng có thể học bài vào ban đêm mà không phải chịu cảnh tù mù. Có đèn điện rồi có tivi, có cả điện thoại nữa… Điện về, tri thức cũng về theo.

Nhân dân và công nhân ngành điện cùng thi công tại xã Tú Xuyên (ảnh tư liệu)
Nhân dân và công nhân ngành điện cùng tham gia kéo điện về bản (ảnh tư liệu)

Với tay bật ti vi xem tin tức buổi chiều, Chu Văn Toàn (sinh năm 1991), Phó trưởng thôn bản Mù ưng cái bụng lắm. Toàn bảo, suốt tuổi thơ của Toàn chỉ quen sống trong cảnh tù mù leo lét của ánh củi bập vào ban đêm. Ngày ấy, bạn nào có cuốn truyện tranh, tờ báo là hút hết đám trai gái của bản. Bởi ở cái xứ hết núi lại gặp đèo này, sách báo luôn là thứ “quý hiếm” được người dân chuyền tay nhau đọc.

Lớn hơn một chút, nhà Toàn tự sắm sửa tấm pin năng lượng mặt trời, nhưng cũng chỉ đủ để thắp cái bóng đèn dùng tằn tiện lúc ăn cơm. Bởi vậy, vào những ngày cuối năm 2020, khi cái rét cắt da cắt thịt ập đến, nhưng dân bản Mù thì ấm lòng và hồ hởi lắm. Bởi, trong những ngày cận tết nguyên đán, bản Mù được đầu tư điện lưới theo dự án cấp điện nông thôn, miền núi.

Theo Đề án này, Nhà nước hỗ trợ 100% vật liệu, kỹ thuật, nhưng trai gái bản Mù cũng hăm hở ghé vai góp sức, góp công. Anh Toàn nhấn mạnh thêm, những ngày đưa điện lưới về nhà, bản Mù như mở hội. Những cây cột bê tông nặng bằng 10 người lớn, mà người dân cứ vận chuyển phăm phăm. Có điện lưới về rồi, dân làng thi nhau mua sắm nồi cơm điện, rồi ti vi loa đài…

Hạnh phúc nhất, là những đứa trẻ đang cắp sách đến trường. Không như hồi Toàn còn nhỏ, đến tối lúc gà mới vào chuồng cũng là lúc Toàn lên giường ngủ. Những đứa trẻ ở bản Mù sau cái ngày có điện, đêm nào cũng ê a ôn bài dưới ánh đèn điện sáng trưng. Không những vậy, trẻ con bản Mù còn được hỗ trợ thông tin từ ti vi, điện thoại, máy tính… Với không gian tri thức ấy, hy vọng rồi đây bản Mù này sẽ có những đứa trẻ bay cao, vươn xa như hành trình ngược núi của biết bao tấm gương thế hệ học sinh người DTTS trên mọi miền Tổ quốc.

Công nhân ngành điện đóng tiện ở thôn bản Mù (ảnh tư liệu)
Công nhân ngành điện đóng điện ở thôn bản Mù (ảnh tư liệu)

Tôi quay sang nói thêm với Toàn, hy vọng rồi  sẽ có ngày, Báo Dân tộc và Phát triển sẽ hân hoan đón chào một trong những con em của bản Mù tới dự Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu toàn quốc, một chương trình được tổ chức thường niên hằng năm tại Thủ đô Hà Nội.

Không chỉ là ước mơ, là hy vọng mà giờ đây, sự đổi thay đã hiện hữu trong chính cuộc sống thường ngày của bà con dân bản. Ông Chu Văn Ten, thôn Bản Mù nhanh nhẹn đầu tư ngay máy xay xát liên hoàn để vừa xát gạo, vừa nghiền ngô, sắn phục vụ chăn nuôi. Không những vậy, có điện còn giúp gia đình thuận tiện hơn trong việc sử dụng các loại máy móc phục vụ công việc làm mộc, từ đó góp phần tăng năng suất, giảm thời gian và nâng cao thu nhập.

Đồng bào miền núi là vậy, niềm vui riêng luôn hòa trong niềm vui chung của bản làng. Máy móc của ông Ten chạy xoành xoạch suốt ngày, không chỉ làm cho gia đình mà còn làm giúp cho bà con dân bản. Bởi vậy mà năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của thôn là 40%, nhưng người dân bản Mù tự tin phấn đấu năm 2021 sẽ giảm xuống còn dưới 30%. Cuối năm 2020, bản Mù cùng xã Tú Xuyên cũng đã về đích nông thôn mới.

Anh Toàn vui vẻ lắp đèn điện chiếu sáng trong gian nhà
Anh Toàn phấn khởi lắp đèn điện chiếu sáng trong gian nhà

Chia sẻ cùng bà con dân bản, ông Nông Văn Thuấn, Phó Giám đốc Điện lực huyện Văn Quan cho biết, năm 2020, ngành Điện lực huyện Văn Quan đã triển khai thi công xong Dự án cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo năm 2013 - 2020 (Dự án 2081). Theo đó tại xã Tú Xuyên, trong năm 2020, huyện đã thực hiện cấp gần 9 km đường dây 35kV, 04 TBA tổng công suất 225kVA và 19,9km đường dây 0,4kV, tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng, cấp điện cho 220 hộ dân thuộc thôn Bản Mù, Thanh Đông và Nà Lốc. Có thể nói ở nơi đây, cán bộ điện lực đi đến đâu, bà con đang đón chào đến đó. Cán bộ ngành Điện cũng thật vui, khi trở lại thăm người dân và chứng kiến cuộc sống của họ đang từng ngày từng giờ thay đổi no ấm hơn, văn minh hơn.

Nhằm xóa vùng trắng điện lưới, từ 2015, Lạng Sơn đã nỗ lực thực hiện Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, riêng trong năm 2020, Công ty điện lực Lạng Sơn đã triển khai lắp đặt 10 trạm biến áp, kéo trên 74 km đường dây hạ áp để đưa đưa điện lưới quốc gia đến 21 thôn của 4 xã. Tổng vốn đầu tư thực hiện Dự án trong năm 2020 là trên 40 tỷ đồng. Trong năm 2021, Lạng Sơn sẽ nỗ lực đưa nguồn điện từ lưới điện quốc gia phục vụ 1.722 hộ thuộc 42 thôn (30 thôn chưa có, 12 thôn có điện một phần) của 15 xã thuộc 8 huyện (Cao Lộc, Bình Gia, Bắc Sơn, Hữu Lũng, Văn Quan, Đình Lập, Lộc Bình, Tràng Định).

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.