Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Mường Lát (Thanh Hóa): Nhiều bản nghèo mong chờ điện lưới

Quỳnh Trâm - 14:54, 24/11/2020

Mường Lát là huyện biên giới nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa; một số địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện còn thiếu những công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Đặc biệt, tại một số bản giáp đường biên giới Việt-Lào của huyện, cuộc sống của người dân tộc Mông, Dao, người Khơ Mú, Thái, Mường đang gặp nhiều khó khăn vì chưa có điện lưới.

Cuộc sống của đồng bào Mông ở Mường Lát còn nhiều khó khăn vì chưa có điện lưới
Cuộc sống của đồng bào Mông ở Mường Lát còn nhiều khó khăn vì chưa có điện lưới

Những năm qua, huyện Mường Lát nhận được sự quan tâm rất lớn của Nhà nước với nhiều đề án, chính sách hỗ trợ đối với đồng bào DTTS, qua đó đời sống của Nhân dân đã được nâng lên một bước. Song, đến nay, trên địa bàn huyện vẫn còn 34/88 bản, 1.872 hộ dân với 9.551 nhân khẩu chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Điều này ảnh hưởng nhiều đến công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Tại bản Pù Đứa (xã Quang Chiểu), nơi sinh sống của đồng bào người Thái, dù cách trung tâm xã chỉ 5km, đường giao thông đi lại thuận tiện, nhưng đến nay vẫn chưa có điện. Vì thế, ở đây có những hộ có điều kiện kinh tế khá, đáng lẽ không nằm trong danh sách hộ nghèo nhưng vì không có điện, không được tiếp cận một số dịch vụ xã hội cơ bản nên họ vẫn không đủ điều kiện ra khỏi hộ nghèo.

Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh đang còn 73 bản chưa có điện lưới quốc gia. Điện lực Thanh Hóa đang đầu tư 28 công trình cấp điẹn lưới cho 28 bản, dự kiến 31/11/2020 sẽ đóng điện; còn lại 45 thôn bản đầu tư sau năm 2020. Các thôn bản hiện chưa có điện lưới tập trung ở các huyện miền núi: Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân.

Ông Ngân Văn Hiệp, Chủ tịch xã Quang Chiểu cho biết, cùng với Pù Đứa, các bản như Suốt Tút, Quăn Dao, Cò Cài của xã cũng chưa có điện. Để có ánh sáng sinh hoạt, người dân dùng đèn pin, đèn dầu để thắp sáng. Ở những nơi gần sông suối, họ tận dụng nguồn nước để lắp máy tua bin phát điện nhưng điện yếu không đủ để dùng  tivi, chỉ dùng để thắp bóng đèn.

Tương tự, tại bản Cá Nọi (xã Pù Nhi) đang có 114 hộ dân chưa có điện. Đây là một trong những thôn, bản khó khăn có nhiều người Mông sinh sống. Anh Hơ Văn Co, trú tại bản Cá Nọi chia sẻ, không có điện nên về đêm, cuộc sống của bà con nơi đây như bị tách biệt với thế giới bên ngoài. 

“Chúng tôi rất khao khát một ngày có điện lưới để được dùng điện thoại, xem tivi như người dân ở nơi khác. Như vậy sẽ giúp tôi vơi đi những khốn khó trong cuộc sống”, anh Co nói.

Trao đổi về tâm tư của người dân, ông Bùi Huy Lương, Giám đốc Điện lực huyện Mường Lát cho biết: Nguyên nhân các bản chưa có điện là do đa số các bản đa số trên núi cao, phải có nguồn kinh phí lớn, trong khi nhu cầu sử dụng điện của người dân lại thấp. Tại những nơi đã có điện lưới, nhiều hộ dân chỉ sử dụng từ 15 - 20kWh, tương đương với số tiền khoảng từ 30.000 - 40.000 đồng/tháng.

Theo ông Lương, vào tháng 5/2020 vừa qua, Điện lực huyện Mường Lát đã đầu tư xây dựng các công trình điện về 5 bản gồm: bản Cá Nọi, Cá Tớp, Pha Đén, Hua Pù, Pù Quăn của xã Pù Nhi. Dự kiến, cuối năm nay sẽ đóng điện cho các thôn, bản này. Trong thời gian tới, Điện lực huyện Mường Lát sẽ phối hợp tích cực với chính quyền địa phương tìm giải pháp nhanh nhất để đưa điện lưới quốc gia đến các thôn, bản đặc biệt khó khăn, theo mục tiêu đến năm 2025 sẽ đưa điện lưới quốc gia đến 100% các thôn, bản còn lại.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.