Với quan niệm tín ngưỡng vạn vật hữu linh, đồng bào Ba Na tin rằng xung quanh họ có rất nhiều vị thần, mà họ gọi là Yang. Người Ba Na có một hệ thống những truyện cổ giải thích các hiện tượng tín ngưỡng quanh mình. Những vị thần trong tín ngưỡng nông nghiệp là thần Lúa, thần Núi, thần Sông… cúng tổ tiên (Yang So), cúng ma (A Tâu), cúng ăn lúa mới là (Sa moc)… Ngoài ra, mỗi cộng đồng còn có những vị thần riêng, tùy thuộc vào các điều kiện tự nhiên trong vùng.
Đây là lễ hội chung của cả cộng đồng, được tiến hành ở nhà rông để tạ ơn với thần linh đã giúp dân làng có được một vụ mùa bội thu, no đủ. Các lễ vật, vật trang trí được giản tiện hóa, chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, thuận tiện cho buổi tái hiện nhưng không làm mất đi ý nghĩa của lễ hội.
Tại xã Hà Tây, huyện Chư Păh có đến 96% là đồng bào DTTS Ba Na sinh sống tại 9 làng. Trong cộng đồng người Ba Na có các già làng, do một già làng đứng đầu, hay do một hội đồng già làng đứng đầu. Già làng là Người có uy tín với cộng đồng, được giao trọng trách hướng dẫn dân làng tiến hành trình tự lễ cúng. Khi lúa chín, già làng tập trung bà con họp làng thống nhất chọn ngày làm lễ cúng mừng lúa mới, địa điểm tổ chức tại nhà rông. Lễ vật trong Lễ mừng lúa mới gồm 1 con heo, 2 con gà luộc chín, 2 ghè rượu lớn và những hạt cốm làm từ lúa mới.
Già Khyơn (làng Kon Sơ Lăl, xã Hà Tây, huyện Chư Păh) cho biết: Mừng lúa mới là phong tục rất quan trọng trong cả năm, được dân làng chuẩn bị kỹ lưỡng và diễn ra trang trọng. Khi lúa về là người dân cùng nhau ăn lúa mới, rồi chuẩn bị sang năm có lúa mới ấm no hạnh phúc cả làng mình.
Trước ngày làm lễ cúng, bà con lên rẫy lấy lúa về, sau đó rang lúa để chuẩn bị giã cốm. Từng người trong làng đều được phân công nhiệm vụ cụ thể, như đàn ông dựng dàn cúng, phụ nữ cột ghè rượu, khiêng nước, sắp xếp các dàn cúng để chuẩn bị cho lễ mừng ăn cơm mới của làng mình…
Trong lúc các thầy cúng làm lễ, đội cồng chiêng và đội múa xoang đi biểu diễn vòng quanh. Sau đó nghệ nhân của đội cồng chiêng đi lần lượt uống tất cả các ghè rượu và ăn cốm do dân làng mời.
Cúng xong, già làng cất tiếng hú và gọi thanh niên và dân làng nổi trống, đánh chiêng lên. Cả làng cùng vào hội mừng cơm mới, ăn cốm, uống rượu... Đội cồng chiêng vừa hú vừa đánh chiêng, múa xoang... Tất cả hòa trong niềm hân hoan, hy vọng một vụ mùa mới ấm no, bình an.
Trong vòng xoang nhịp nhàng, mọi người trao nhau nụ cười hân hoan về vụ mùa bội thu, cùng nhau đón chờ mùa mới sắp đến, cây cối phát triển tốt, không dịch bệnh. Em Khonh (dân làng Kon Sơ Lăl, xã Hà Tây, huyện Chư Păh) vui vẻ kể: Để chuẩn bị cho ngày hội, dân làng sẽ chuẩn bị cồng chiêng, các tiết mục múa xoang và lúa gạo mới để cúng. Là đội múa xoang, em sẽ chuẩn bị đồ thổ cẩm truyền thống, những điệu múa nhẹ nhàng, nhịp điệu dễ dàng để mọi người cùng xem và chung niềm vui cùng dân làng.
Mừng lúa mới là nét văn hóa lâu đời của dân tộc Ba Na và được gìn giữ, phát huy cho tới ngày hôm nay. Cho dù năm đó được mùa hay mất mùa, thì dân làng vẫn tổ chức cúng cảm tạ ơn Yang.
Thời gian qua, bên cạnh duy trì văn hóa tốt đẹp của đồng bào các DTTS, việc triển khai, phục dựng nghi thức, nghi lễ của đồng bào DTTS nhằm bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc Ba Na nói riêng, đồng DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, góp phần tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Đặc biệt, thực hiện Dự án 6 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1: Từ 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch", Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã tổ chức các hoạt động văn hóa, trong đó có phục dựng, tái hiện các nghi lễ truyền thống của đồng bào các DTTS. Ngoài ra, các địa phương cũng phục dựng nghiều nghi lễ gắn với Ngày hội văn hóa, du lịch… Qua đó, tạo động lực để đồng bào DTTS giữ gìn văn hóa truyền thống đặc sắc gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.