Trong Lễ Mừng lúa mới, người dân sẽ chuẩn bị lễ vật từ sớm. Các lễ vật gồm có: Đầu heo, gà, rượu nếp, cơm lam, thịt nướng, rau nhíp xào… và một cây nêu dựng ngoài sân. Các lễ vật sẽ được trưng bày xung quanh cây nêu, sau đó chủ lễ (già làng) sẽ tiến về phía cây nêu đọc lời khấn thông báo và mời các vị thần, tổ tiên, ông bà về mừng lễ.
Sau khi thực hiện xong nghi lễ, nền nhạc cồng chiêng sẽ nổi lên, đồng bào dân tộc Xtiêng trong trang phục truyền thống bắt đầu múa hòa nhịp cùng tiếng cồng tạ ơn thần lúa. Với người Xtiêng, cồng chiêng là tài sản vô giá, là tiếng nói, nguyện vọng của con người gửi đến thần linh cầu mong những điều tốt đẹp, cuộc sống bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt... Mỗi bộ chiêng thường là 6 cái. Ngoài chiêng còn có cồng và khèn bầu được người Xtiêng sử dụng trong những dịp lễ hội đặc biệt.
Lễ Mừng lúa mới ngoài tỏ lòng biết ơn của đồng bào dân tộc Xtiêng đối với trời đất đã cho mùa màng bội thu, cho mọi vật sinh sôi nảy nở, đem lại sự bình an cho gia đình và cộng đồng. Đây còn là dịp đồng bào tổ chức để ăn tết của dân tộc mình.
Tại lễ hội, đồng bào dân tộc Xtiêng có thể trao đổi kinh nghiệm sản xuất với nhau sau một năm làm việc vất vả. Các thanh niên, nam nữ được vui chơi, nhảy múa, ca hát, uống rượu cần và ăn cơm mới… Vị dẻo thơm của cơm mới chính là món quà mà thần lúa đã ban tặng cho cộng đồng khi kết thúc mùa thu hoạch.
Theo quan niệm của đồng bào Xtiêng, dù khó khăn hay sung túc, hàng năm đồng bào vẫn duy trì Lễ Mừng lúa mới. Việc tổ chức lễ hội không chỉ giúp người dân thêm phấn khởi phát triển kinh tế, mà còn là không gian vui Xuân cho đồng bào. Qua đó, lễ hội đã góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.