Để tìm hiểu rõ hơn về vai trò của KTTT trong sản xuất nông nghiệp, chúng tôi tìm đến HTX Hoa Bình Liêu tại thôn Cao Sơn, xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh). Những năm qua, trong bối cảnh nhiều loại nông sản chưa tìm được đầu ra ổn định thì người dân Cao Sơn đã phần nào yên tâm, vì HTX đã đảm nhận khá tốt vai trò quảng bá các sản phẩm của địa phương.
Mô hình trồng hoa của HTX Hoa Bình Liêu được áp dụng trên diện tích 18 nghìn m2, với hàng nghìn giống hoa, cây cảnh các loại; đầu tư quy mô kỹ thuật, công nghệ nuôi trồng mới. HTX Hoa Bình Liêu không chỉ cung ứng sản phẩm trên địa bàn, mà cho cả chợ đầu mối lớn nhất của miền Bắc là tỉnh Hưng Yên.
Theo anh Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm HTX Hoa Bình Liêu, vườn hoa được trồng đa dạng với hơn 2 vạn cây hoa trang trí, hoa ban công, hoa thảm, hơn 200 gốc hồng cổ, hồng ngoại… trong nhà kính, hệ thống tưới nước tự động hiện đại. Ước tính đầu tư ban đầu hơn 3 tỷ đồng.
HTX Hoa Bình Liêu còn nhanh chóng trở thành điểm đến của nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Việc áp dụng song song mô hình phát triển nông nghiệp, kèm du lịch đang dần trở thành điểm sáng phát triển kinh tế vô cùng hiệu quả ở nơi đây. Đặc biệt, HTX cũng đã tạo điều kiện cho bà con dân tộc thiểu số tham gia làm việc, liên kết mạng lưới cung cấp dịch vụ như ăn uống, đón khách. Thu nhập của không ít hộ gia đình nhờ đó được cải thiện.
Chị Trần Thị Hoàn (xã Hoành Mô) chia sẻ: “Trước đây chúng tôi chủ yếu làm nông nghiệp, thu nhập khá bấp bênh. Thế nhưng từ khi tham gia làm việc tại HTX, phục vụ ăn uống, đón khách du lịch giúp chúng tôi có được thu nhập ổn định hơn. Trung bình một ngày công chúng tôi nhận được 250 ngàn đồng”.
Bình Liêu đang đẩy mạnh xây dựng quy hoạch phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, đồng thời gắn kết chặt chẽ tái cơ cấu nông nghiệp với nâng cao giá trị sản phẩm. Từ định hướng đó, nhiều mô hình mới trong phát triển kinh tế đã được người dân áp dụng góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Theo bà Lê Thị Thu Hương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Liêu, các tiềm năng và lợi thế về nông, lâm nghiệp với các loại cây đặc sản, có giá trị kinh tế cao như: Hồi, quế, thông, dong riềng… đều được khai thác có hiệu quả và đưa vào làm sản phẩn OCOP chủ lực của địa phương. Đặc biệt, các mô hình đều được chú trọng đưa đến các xã vùng sâu, vùng xa để bà con tiếp cận với những giống mới, năng suất hơn, từng bước xóa bỏ tập tục canh tác lạc hậu và loại bỏ giống cây không mang lại năng suất cao.
Được biết, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã có thêm 383 HTX thành lập mới, nâng tổng số HTX trên địa bàn toàn tỉnh là 579. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp là 362 HTX, chiếm 62,5%; còn lại là lĩnh vực phi nông nghiệp với 217 HTX; thu hút 55.000 thành viên tham gia với 71.190 lao động. Đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GRDP của tỉnh khoảng 1,2%...
Từ những kết quả đã đạt được, ông Vũ Công Lực, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh cho biết: KTTT có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần thay đổi tập quán sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát triển KTTT với nòng cốt là HTX, phấn đấu thành lập mới mỗi năm khoảng 50-80 HTX với 100% cán bộ quản lý HTX đều qua đào tạo.
Theo đó, tỉnh sẽ khuyến khích phát triển KTTT, HTX với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, lồng ghép việc thực hiện các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ phát triển KTTT, mở rộng liên kết hợp tác, nhất là HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho thành viên và người lao động.