Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Làng Le - Nơi lưu giữ nhiều cồng chiêng nhất ở Sa Thầy

Hòa Bình - 15:21, 10/11/2023

Dưới chân núi Chư Mom Ray hùng vĩ, làng Le , xã Mô Rai, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), là nơi cư ngụ của cộng đồng người Rơ Măm. Bao năm qua, được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ bằng chính sách đặc thù của Nhà nước, đồng bào đã từng bước vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Đáng quý, trong xu hướng phát triển hội nhập, đồng bào Rơ Măm vẫn không quên gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó nổi bật là không gian văn hóa cồng chiêng. Làng Le là nơi còn giữ được số lượng cồng chiêng nhiều nhất xã Mô Rai.

Người Rơ Măm ở làng Le xem cồng chiêng như là "báu vật tinh thần" trong đời sống hàng ngày, là "linh hồn" trong các lễ hội
Người Rơ Măm ở làng Le xem cồng chiêng như là "báu vật tinh thần" trong đời sống hàng ngày, là "linh hồn" trong các lễ hội

Cồng chiêng là báu vật

Đối với người Rơ Măm, cồng chiêng là “linh hồn”, là “báu vật”, nhà nào càng có nhiều cồng chiêng thì nhà ấy càng giàu có. Vì vậy, dù có rất nhiều người đến hỏi mua, nhưng dân làng Le kiên quyết không bán.

Người dân làng Le đều nói rằng, đây là báu vật được truyền lại từ đời này sang đời khác. Trong những ngày lễ hội của buôn làng, cồng chiêng gắn kết con người với thế giới tâm linh. Nó thay cho tiếng lòng của người làng Le để cầu xin một năm mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ. Đồng thời, cồng chiêng còn là sự gắn kết cộng đồng làng, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc.

Theo đánh giá của Phòng Văn hoá - Thể thao huyện Sa Thầy (Kon Tum), xã Mô Rai là địa phương có số lượng cồng chiêng nhiều nhất trong huyện, với hơn 180 bộ cồng chiêng. Trong đó, làng Le nhiều nhất với gần 70 bộ cồng chiêng. Có những gia đình còn giữ được tới 2- 3 bộ chiêng như gia đình ông A Glá, A Giói, A Ren…

Ông A Thái, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng làng Le cho hay: Văn hóa mà cha ông để lại đó là cội nguồn, là hồn thiêng của dân tộc. Vì vậy, người Rơ Măm rất trân trọng giữ gìn. Dù rất nhiều người đến hỏi mua cồng chiêng, nhưng dân làng kiên quyết không bán. Hiện nay làng Le có khoảng 80 người biết đánh cồng chiêng".

Bảo tồn văn hóa truyền thống

Người Rơ Măm có rất nhiều tục lệ, nghi lễ, lễ hội như: Lễ bỏ mả, lễ mừng nhà rông mới, lễ mở cửa kho lúa… , trong đó lễ mở cửa kho lúa (hay còn gọi là Tết cơm mới) tổ chức lớn nhất. Đây là lễ hội quan trọng, đánh dấu sự kết thúc của một chu kỳ sản xuất lúa rẫy. Mỗi khi lễ hội được tổ chức, khắp làng lại rộn vang tiếng cồng chiêng. Người làng say trong nhịp điệu ccoofng chiêng, bên ánh lửa bập bùng và những điệu múa uyển chuyển của những cô gái Tây Nguyên. 

Người dân làng Le đánh cồng chiêng, múa xoang rộn ràng trong ngày lễ hội
Người dân làng Le đánh cồng chiêng, múa xoang rộn ràng trong ngày lễ hội

Theo già làng A Ren, người Rơ Măm luôn chú tâm lưu giữ những lễ hội văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, trong đó có 3 lễ hội quan trọng nhất liên quan vòng đời của cây lúa rẫy là: chọc tỉa, cúng mừng lúa lên đòng và cúng lúa mới - Lễ mở kho lúa. Theo quan niệm của người Rơ Măm, lúa rẫy là món quà của trời ban, thế nên từ lúc tra hạt đến khi thu hoạch họ đều làm lễ tạ ơn Yang Plút (tức thần Ngà voi), theo dân làng thì đây vị thần đã mang may mắn đến cho làng.

Tuy nhiên, trước đây lễ hội mở kho lúa được bà con tổ chức theo từng gia đình, hoặc một nhóm gia đình, còn hiện nay được sự quan tâm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum hỗ trợ để phục dựng, mở rộng quy mô tổ chức lễ hội mở kho lúa của người Rơ Măm, bà con nơi đây rất mừng, phấn khởi.

Bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Giám đốc Bảo tàng, Thư viện tỉnh cho biết, hiện nay, Bảo tàng - Thư viện tỉnh đang triển khai kế hoạch khôi phục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Rơ Măm tại Làng Le. Chính vì vậy, thời gian qua, cùng với việc triển khai các hoạt động nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, như đan lát, dệt thổ cẩm, sưu tầm truyện cổ, đơn vị đã chú trọng tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống của người Rơ Măm, trong đó hỗ trợ cộng đồng tổ chức lễ hội đúng bản sắc văn hóa truyền thống.

Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, huyện đã tổ chức truyền dạy kỹ năng biểu diễn cồng chiêng, chỉnh chiêng, dân vũ tại xã Mô Rai, với sự tham gia của 30 nghệ nhân và 160 học viên tham gia; phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phục dựng Lễ mở cửa kho lúa của dân tộc Rơ Măm; mở 1 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể; phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ 2 bộ cồng chiêng; tổ chức truyền dạy nhạc cụ và kỹ năng biểu diễn cồng chiêng cho 40 nghệ nhân, trang thiết bị nhà rông từ nguồn vốn Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người giai đoạn 2016 - 2020.

Ông Ngô Công Phương, Bí thư Đảng ủy xã Mô Rai thông tin: Để văn hóa truyền thống của người Rơ Măm không bị mai một, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động. Qua đó, đồng bào Rơ Măm ở làng Le đã nâng cao nhận thức, tích cực cùng chính quyền tham gia bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Cùng với đó, chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh Kon Tum triển khai đầu tư sửa chữa Nhà rông làng Le - nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đồng thời, đề nghị xem xét có chính sách hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm về tiếng nói, chữ viết, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Rơ Măm để làm tài liệu truyền dạy cho các thế hệ sau.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.