Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Góp sức cho bình yên vùng biên giới Mo Rai

Đỗ Long- Lê Trọng Sáng - 20:58, 19/09/2023

Nhiều năm làm Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng làng Le, anh A Thái (dân tộc Rơ Măm) luôn phát huy vai trò gương mẫu, đầu tàu trong công tác xã hội, các phong trào xây dựng an ninh, trật tự vùng biên giới và phát triển kinh tế gia đình. Anh đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội, mang lại bình yên cho vùng biên giới Mo Rai.

(Anh A Thái, Bí thư Chi bộ, Trưởng làng Le (ngoài cùng bên phải) nhận quà do Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum trao tặng
Anh A Thái, Bí thư Chi bộ, Trưởng làng Le (ngoài cùng bên phải) nhận quà do Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum trao tặng

Làng Le thuộc xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum là xã biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia và là xã vùng sâu, vùng xa có nhiều khó khăn đặc thù. Trong những năm tháng chiến tranh, Mo Rai là cái nôi của cách mạng. Đồng bào các DTTS nơi đây đã nuôi giấu cán bộ, bộ đội giải phóng, một lòng đi theo Đảng, theo cách mạng, cùng bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Anh A Thái sinh ra, lớn lên trên quê hương giàu truyền thống cách mạng đó nên luôn ý thức nỗ lực phấn đấu, học hành để có kiến thức giúp đồng bào mình phát triển. Sau 4 năm tham gia vào quân ngũ (2012 - 2015), tháng 12/2015, anh xuất ngũ trở về quê hương góp sức xây dựng buôn làng. Với những đức tính, phẩm chất được hình thành rèn giũa trong thời gian quân ngũ, anh A Thái thường xuyên nói chuyện, chia sẻ với bà con Rơ Măm về các kiến thức xã hội mà mình hiểu biết để bà con thông tỏ. Anh cũng gương mẫu trong mọi việc để “nói bà con hiểu, làm bà con tin”, bởi vậy, vào tháng 7/2016, A Thái được bà con bầu làm Phó trưởng làng Le.

Anh A Thái - Người trưởng thôn trẻ nói được, làm được để bà con tin và làm theo
Anh A Thái - Người trưởng thôn trẻ nói được, làm được để bà con tin và làm theo. (Ảnh TL)

Làm cán bộ làng, anh A Thái càng khát khao được học lên cao để có trình độ, kiến thức giúp đỡ bà con. Anh quyết định đi ôn thi và đỗ vào ngành Luật của Đại học Đà Nẵng - Phân hiệu tại Kon Tum. Theo học đại học hệ vừa học vừa làm, anh A Thái phải nỗ lực hơn nhiều so với các học viên khác. Làng Le cách xa TP. Kon Tum cả trăm km, những ngày nghỉ học hay cuối học kỳ, anh lại sắp xếp thời gian về nhà để lo công việc làng và phụ giúp gia đình. Tháng 9/2018, anh A Thái được các cấp lãnh đạo và bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng làng Le.

Đảm trách công việc xã hội, anh A Thái thường xuyên đến từng hộ dân thăm hỏi, động viên bà con đoàn kết một lòng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Anh hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kỹ thuật cạo mủ cao su… Bên cạnh đó, anh còn vận động bà con gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân tộc Rơ Măm như hát dân ca, dân vũ, giao lưu cồng chiêng, tổ chức lễ hội truyền thống...

Người Rơ Măm ở làng Le vẫn duy trì tập quán sinh hoạt cộng đồng để gắn kết, cùng hỗ trợ nhau trong đời sống. Ảnh: H.T
Người Rơ Măm ở làng Le vẫn duy trì tập quán sinh hoạt cộng đồng để gắn kết, cùng hỗ trợ nhau trong đời sống. Ảnh: H.T

Trưởng Làng Le còn phối hợp với các cán bộ Biên phòng, Công an, chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân vùng biên hiểu pháp luật, không qua lại biên giới trái phép; không tự ý di dời cột mốc biên giới; không uống rượu, bia; Khi xuất hiện người lạ mặt tới có hành vi, hành động hay tuyên truyền quấy rối, chống phá Đảng và Nhà nước thì phải báo ngay cho chính quyền và các cơ quan chức năng được biết để kịp thời xử lý.

Đặc biệt, năm 2018, Trưởng làng Le đã có sáng kiến thành lập Đội tự quản thôn bao gồm: Dân quân thôn, Công an viên thôn, Đoàn Thanh niên thôn, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và Thôn trưởng, chia làm 3 tổ, mỗi tổ 4 người. Bắt đầu đi tuần từ lúc 21h30 phút, mỗi tổ đi tuần trong vòng 1 giờ đồng hồ, khoảng cách mỗi lần đi tuần là 1h30 phút cho đến gần sáng. Còn những ngày lễ, ngày tết, Đội tự quản lại thay nhau trực thâu đêm tới sáng.

Kể từ khi Đội tự quản ra đời đã  xử lý được nhiều vụ người dân uống rượu, bia say xỉn đánh lộn, gây mất trật tự công cộng và an ninh thôn làng. Tình trạng trộm cắp vặt, những thanh niên tụ tập uống rượu, bia, chạy xe lạng lách, đánh võng, nẹt pô không còn xảy ra trên địa bàn.

Với sự tín nhiệm và những thành tích đã đạt được, tháng 4/2020, anh A Thái được bầu làm Bí thư kiêm Trưởng làng Le, Đại biểu HĐND cấp xã và Đại biểu HĐND tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2021-2026. Anh cũng được các cấp, cơ quan, ban ngành tặng rất nhiều giấy khen, bằng khen.

Anh A Thái trong vườn cây cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm
Anh A Thái trong vườn cây cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm (Ảnh TL)

Không chỉ xuất sắc trong công tác xã hội, anh A Thái còn là người chồng, người cha gương mẫu, trách nhiệm trong gia đình. Anh cũng là ông chủ làm kinh tế rất giỏi, gia đình anh có 3 ha sắn, 6 ha điều, 4,5 ha cao su và 4 sào lúa nước. Ngoài ra, anh còn đầu tư thêm xe máy xúc để đi đào hố cao su, làm đường, vận chuyển phân, đất cho bà con, chở sắn và hàng hóa khác. Tổng thu nhập hằng năm của gia đình anh khoảng 450 triệu đồng. Gia đình anh đã xây dựng được một ngôi nhà khang trang với kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng.

Khi trao đổi với ông Nguyễn Thành Biên, cán bộ Văn phòng xã Mo Rai, anh cho biết: “Đồng chí A Thái là người đảng viên gương mẫu, năng nổ trong công việc, lối sống chan hòa và thường xuyên giúp đỡ bà con Rơ Măm trong công việc cũng như trong cuộc sống. Việc làm của đồng chí A Thái đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế địa phương và giữ vững sự bình yên cho vùng biên giới Mo Rai”.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.