Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Khởi sắc bản làng

Ia Lâu - Vùng biên viễn đang chuyển mình phát triển

Đỗ Long- Ngọc Thu - 09:15, 16/09/2023

Ở khu vực biên giới Ia Lâu của huyện Chư Prông (Gia Lai), giáp ranh với Camphuchia, có đông đồng bào dân tộc Mường từ các tỉnh phía Bắc di cư theo diện kinh tế mới sinh sống. Đồng bào coi Tây Nguyên là quê hương thứ hai, họ cùng nhau đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa, góp phần tạo nên bức tranh đa sắc màu trên vùng đất biên giới này.

Những cô gái Mường ở xã Ia Lâu duyên dáng trong trang phục truyền thống
Phụ nữ Mường ở xã Ia Lâu duyên dáng trong trang phục truyền thống

Làm giàu trên quê hương mới

Xã biên giới Ia Lâu của huyện Chư Prông (Gia Lai), nơi quy tụ 14 dân tộc anh em sinh sống trải đều ở 10 thôn, làng như Mường, Thái, Mông, Gia Rai, Ba Na..., với hơn 2.200 hộ dân, DTTS chiếm 92%. Trong đó, người Mường từ các tỉnh phía Bắc di cư theo diện kinh tế mới chiếm đa số. 

Thôn Lũng Vân là 1 trong 2 thôn đạt chuẩn nông thôn mới của xã Ia Lâu, với gần 300 hộ, hơn 1300 nhân khẩu. Cả thôn có 8 dân tộc, trong đó người dân tộc Mường đến từ huyện Tân Lạc (Hoà Bình) là đông nhất. Các hộ gia đình ở đây thu nhập chủ yếu từ việc sản xuất, canh tác nông nghiệp, tuy nhiên có trên 50% các hộ gia đình có kinh tế khá và giàu, trong đó có hộ gia đình một năm trừ chi phí thu nhập trên 400 triệu đồng.

 Phần lớn người dân xã Ia Lâu đều làm lúa nước 2 vụ cho năng suất cao. Thu nhập nâng lên, vì vậy đời sống được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, đây cũng là thôn có sản lượng sản xuất lúa gạo khá cao và chất lượng, một sản phẩm đã được xây dựng thành sản phẩm OCOP với thương hiệu lúa gạo Ia Lâu.

Ông Hà Văn Mừng, thôn Lũng Vân cho biết: “Gia đình tôi có 2 ha đất trồng lúa. Mọi năm, tôi chỉ canh tác 2 vụ, sau đó để đất nghỉ ngơi, chuẩn bị cho vụ gieo trồng mới. Nhưng nhận thấy thời tiết năm nay thuận lợi, nguồn nước suối khá dồi dào nên ông tranh thủ canh tác thêm lúa vụ 3 trên diện tích gần 1 ha. Lúa trồng đảm bảo chất lượng cao, có thương hiệu nên được nhiều người ưa chuộng tiêu dùng. Nhờ vậy, lúa gạo mà gia đình cũng có nguồn thu ổn định, cuộc sống cũng đổi thay từng ngày”.

Một góc vùng biên giới Ia Lâu
Một góc vùng biên giới Ia Lâu

Nếu như cách đây khoảng 15 năm, xã Ia Lâu được xem là một trong những vùng trũng trong phát triển kinh tế trên toàn tỉnh. Thì đến nay, xã Ia Lâu đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống Nhân dân trở nên no ấm, sung túc. Gần 70% các hộ gia đình có nhà cửa kiên cố, khang trang.

Mới đây nhất, các con đường huyết mạch như: Tỉnh lộ 665 (nối từ Quốc lộ 14 đi vào các xã biên giới Ia Lâu, Ia Mơr, Ia Piơr); đường Quốc lộ 14C kết nối các huyện biên giới của Đăk Lăk - Gia Lai - Kon Tum; đường liên xã… đã được đầu tư mới, với số tiền hàng nghìn tỉ đồng, giúp cho việc đi lại cũng như trao đổi nông sản (điều, ngô, mì, lúa…), của Nhân dân trên địa bàn với TP. Pleiku và các tỉnh, thành khác được diễn ra thuận tiện. Các cán bộ bám sát từng thôn, từng nhà để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con nhằm định hướng giúp họ cách phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng vùng biên giới vững chắc.

Ông Hà Văn Che phấn khởi nói: “Tôi vào thôn Lũng Vân, xã Ia Lâu từ năm 1998. Khi vào đây, dân làng còn thưa thớt, cuộc sống trăm bề khổ cực. Nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp ngành, sự hỗ trợ người dân tái định cư. Đồng thời, được động viên, truyền đạt cách làm hay, mô hình hiệu quả từ các cán bộ xã, nên bây giờ nhà nào nhà nấy, xây dựng kiên cố, con em ăn no, mặc đẹp, cuộc sống không thiếu gì. Bản thân tôi và các cụ già trong làng, sẽ cố gắng hết mình để dạy bảo con cháu sống có ích, cố gắng làm ăn, không đua đòi lêu lổng”.

Vùng đất đa sắc màu

Là một xã biên giới thuần nông, với nhiều dân tộc quy tụ về sinh sống, lao động, vậy nhưng ngoài những bản sắc riêng, thì sự giao thoa, gắn kết các nền văn hóa giữa dân tộc Mường, Thái, Ba Na, Gia Rai…ngày càng bền chặt.

Sau 30 năm an cư, phát triển trên quê hương mới, người Mường ở xã Ia Lâu vẫn giữ gìn nét văn hóa dân tộc của mình như: truyền thống cả gia đình cùng đón tết Độc lập của dân tộc, những câu chuyện người trước kể cho những thế hệ đi sau nghe về quê hương bản làng, những nét ẩm thực đặc sắc của người Mường bên mâm cơm trong ngày lễ, ngày tết; Hay những nếp nhà sàn vẫn hiển hiện bên cạnh những ngôi nhà mới khang trang, đẹp đẽ. Và dù xa quê hương rất lâu, nhưng họ vẫn gìn giữ và phát huy được bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, đặc biệt mọi người vẫn giao tiếp bằng tiếng Mường.

Nhảy sạp - nét đẹp văn hóa trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Mường được gìn giữ trên quê hương mới Gia Lai
Đồng bào dân tộc Mường ở Ia Lâu nhảy sạp trong ngày hội

Mới đây nhất, dịp Tết độc lập 2/9, cũng là dịp người Mường, người Thái... vui Hội tết từ ngày 28/8 đến hết ngày 2/9. Trong những ngày đó, tùy điều kiện từng gia đình mà mổ heo, mổ gà, thiết đãi anh em con cháu trong gia đình, làng xóm. Tiếng khèn, tiếng sáo rộn ràng ngân vang khắp thôn, làng khiến cho bất kể ai, dân tộc kinh hay Gia Rai, Ba Na… khi nghe đến đều quy tụ về cùng nhau trẩy hội.

Sân bóng của thôn hay sân nhà sàn được chọn là địa điểm chơi các trò chơi dân gian như: Đánh cò le, đánh cù (đánh đuốn), đi cà kheo, kéo co và đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn, đánh mảng, đánh đu, chằm chỉ chằm chăn, bóng chuyền… 

Ông Bùi Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu, cho biết: Bà con ở Ia Lâu đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Đã có nhiều chàng trai, cô gái của dân tộc này kết hôn với chàng trai, cô gái dân tộc khác, tạo nên sự giao thoa văn hoá gần gũi và tin tưởng lẫn nhau. Chính sự đoàn kết trong cuộc sống của nhiều dân tộc anh em đã góp phần đưa xã Ia Lâu đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng cuộc sống ấm no, bình yên. Đồng thời, góp phần giữ vững biên giới Quốc gia.

Tin cùng chuyên mục
Những kết quả nổi bật trong thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Hòa Bình lần thứ III

Những kết quả nổi bật trong thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Hòa Bình lần thứ III

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động và Quyết tâm thư tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Hòa Bình lần thứ III, năm 2019, có 5/7 chỉ têu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh được cải thiện và nâng lên rõ rệt.