Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Làng chài bên dòng Sê San

Thùy Dung - Lê Hường - 11:10, 06/03/2020

Gần 10 năm lênh đênh sông nước, sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, người dân làng chài dọc lòng hồ thủy điện Sê San 4 được chính quyền đưa lên bờ, cấp đất ở, hỗ trợ dựng nhà và cấp hộ khẩu. “An cư lạc nghiệp”, có nơi ở ổn định tập trung phát triển kinh tế, đời sống của người dân làng chài ngày càng khởi sắc.

Những chiếc bè nổi trên sông của người dân làng chài Sê San
Những chiếc bè nổi trên sông của người dân làng chài Sê San

Làng chài lên bờ

Khoảng 10 năm trước, những người dân làm nghề chài lưới ở các tỉnh thành trên cả nước như Cà Mau, An Giang, Long An, Thừa Thiên - Huế… di cư về khu vực thuộc thủy điện Sê San 4, lập nên một làng chài nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

Những ngày đầu lên đây lập nghiệp, mỗi người một chiếc bè 3m2, trên phủ chiếc bạt cũ, ngày đi đánh cá, thả câu, đêm về bè ngủ trong tiếng sóng rì rào của sông hồ. Cuộc sống lang bạt trên những chiếc bè tạm bợ, không giấy tờ tạm trú, không nhà cửa… chứa đựng rất nhiều khó khăn bất trắc.

Năm 2014, người dân rủ nhau viết đơn gửi lên xã xin thường trú ở phía sông bên tỉnh Kon Tum. Được sự đồng ý của chính quyền xã, các hộ đóng nhà nổi ở. Cuộc sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng người dân giúp đỡ nhau để vượt qua.

Thấy cuộc sống của người dân chài khó khăn, cuối năm 2017, đích thân Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Nguyễn Văn Hùng đi ghe, ra tận các bè nổi làng chài thăm hỏi và chỉ đạo cho ngành chức năng huyện Ia H’Drai (Kon Tum) áp dụng các quy định hiện hành để cấp hộ khẩu, đất ở, tạo điều kiện cho dân làng chài lên bờ, cho con cái học hành.

Đến đầu năm 2018, 29 hộ dân làng chài được cấp sổ hộ khẩu, 400m2 đất ở và 50 triệu đồng để dựng nhà trên bờ, có điện lưới quốc gia kéo về từng nhà. Khu nhà ở của người dân làng chài cũng từ đó hình thành bên bờ sông Sê San.

Người dân phơi cá trên lưới
Người dân phơi cá trên lưới

Hướng đi mới

Khu nhà ở của người dân làng chài chỉ cách lòng hồ thủy điện Sê San 4 chừng 1 cây số, thuộc địa phận thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai. Giữa mùa khô nắng gắt, làn gió hanh hao thổi hơi nước vào mặt bỏng rát, những mẻ cá phơi trên lưới của người dân làng chài cũng khô nhanh hơn.

Đôi tay đảo nhanh những con cá cơm đang phơi trên lưới, ông Nguyễn Hải Triều, quê An Giang chia sẻ: “Cuộc sống lênh đênh sông nước kiếm sống qua ngày cực khổ lắm. Bây giờ chính quyền cho nhà ở, nhập khẩu về địa phương, mở hướng làm ăn. Nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của chúng tôi”.

Bây giờ, cả làng chài ai cũng có cuộc sống ổn định nhờ đánh bắt và nuôi cá lồng bè. Có nhà xây tránh trú những lúc mưa gió. Điều vui mừng nhất của những người dân nơi đây, là con cái được đến trường.

Có chỗ ở ổn định, ngư dân mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản phát triển kinh tế. Trước người dân chỉ đánh bắt cá tự nhiên. Nay họ mạnh dạn đầu tư lồng bè nuôi thả cá trắm, diêu hồng, cá thác lác… Đặc biệt, người dân đã sáng tạo ra đặc sản “bánh tráng cá cơm Sê San” nổi tiếng của dân làng chài. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của người dân làng chài.

Cùng với đó, nhằm giúp cho bà con ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương đã thành lập HTX nhằm tìm đầu ra, hỗ trợ kỹ thuật, con giống cho hàng chục hộ nơi đây. Ngoài nghề cá, một số hộ dân làng chài còn tận dụng lợi thế lòng hồ làm dịch vụ đưa khách du lịch, mỗi tháng kiếm thêm 5 - 7 triệu đồng.

Ông Nguyễn Phú An, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tơi cho biết: Sắp tới, chính quyền sẽ tiến hành cải tạo bến đưa đón khách du lịch và người dân vào khu vực làng chài, nhằm bảo đảm sự an toàn tuyệt đối. Huyện cũng đã làm việc với các sở, ban, ngành liên quan để tìm giải pháp cấp phép kinh doanh phát triển thành khu du lịch hợp pháp, để bà con làng chài yên tâm phục vụ du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế cho vùng biên giới tỉnh Kon Tum.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.