Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tháng Ba về làng Đăk Tăng

PV - 16:10, 25/03/2019

Đi giữa làng chài của người Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Ba Na) thôn Đăk Tăng, xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy (Kon Tum) trong mùa hoa cà phê ngào ngạt hương thơm, tôi như nghe được nguồn mạch của sự sống đang tuôn chảy. Chợt nghĩ, nếu nơi đây được kết nối với các tuyến du lịch, chắc hẳn du khách sẽ đắm mình khi được nghe người Rơ Ngao làng chài hát kể sử thi (hơmon) dưới mái nhà rông bập bùng ánh lửa hay dưới ánh trăng mờ ảo giữa miên man sóng nước lòng hồ...

Anh A Giáp, Trưởng thôn Đăk Tăng hàng ngày vẫn đánh bắt cá trên lòng hồ để tăng thu nhập gia đình. Anh A Giáp, Trưởng thôn Đăk Tăng hàng ngày vẫn đánh bắt cá trên lòng hồ để tăng thu nhập gia đình.

Làng chài giữa núi

Trong một lần trò chuyện, tôi bị thôi thúc bởi lời nói mang nhiều ý vị của ông Nguyễn Ngọc Sâm, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy rằng nhà báo muốn viết về làng chài người Rơ Ngao ở thôn Đăk Tăng, xã Sa Nghĩa hãy đến để cảm nhận, để chia sẻ... Không bỏ lỡ dịp khi được một cán bộ xã làm công tác dân tộc, tôn giáo dẫn đường, tôi liền về làng Đăk Tăng.

Từ tuyến Tỉnh lộ 679 nhìn xuống khu vực làng chài của người Rơ Ngao, tôi thấy nơi đây giống như một con rùa lớn vươn mình trên mênh mông mặt nước lòng hồ thuỷ điện Plei Krông. Có điều khác những làng chài khác, làng chài Đăk Tăng người dân vừa sinh sống bằng nghề đánh bắt cá, vừa chuyên canh cây cà phê. Cả hai nghề đang tạo cho người dân tự tin bám làng, lập nên vùng quê xanh tươi mang nhiều khát vọng.

Ấy vậy, nhưng ít ai biết rằng, đã có lúc người Rơ Ngao ở làng Đăk Tăng từng bị dụ dỗ theo “tà Đạo Hà Mòn”, bà con sống co cụm, tự “trói” mình không giao thương với bên ngoài. Tuy nhiên, kể từ khi được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, người Rơ Ngao làng Đăk Tăng từ bỏ tà đạo, cuộc sống người dân dần dần đổi thay.

Quanh câu chuyện của dân làng, A Giáp-thôn trưởng thôn Đăk Tăng không giấu niềm vui khi kể về việc trồng cà phê và đưa tôi đi thăm quan dọc các nương rẫy cà phê ngút ngàn. Cây cà phê ở đây bám sát mép nước lòng hồ, tươi tốt và đang mùa bung hoa trắng muốt.

“Ở làng Đăk Tăng, người dân trồng cà phê được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón, máy bơm, ống nước. Nhà nước hỗ trợ 7 máy bơm cho người dân trong làng rồi. Gia đình mình cũng được hưởng lợi nhiều từ sự quan tâm của Nhà nước!”-A Giáp bộc bạch.

Người làng Đăk Tăng nguyên trước đây là ở làng Kà Tu, xã Hà Mòn (Đăk Hà). Do đất đai bị ngập lòng hồ, được Nhà nước quan tâm xây nhà, cấp đất sản xuất (mỗi hộ 0,8-1,2 ha-tuỳ theo số khẩu) trồng cà phê, năm 2014, 56 hộ dân vượt lòng hồ sang đây lập nghiệp. Từ diện tích đất được cấp ban đầu, cùng với việc tự khai hoang mở rộng thêm, dân làng từng bước hình thành làng Đăk Tăng như ngày nay.

Vượt qua gian khó

Trong câu chuyện thân tình, A Giáp nhớ lại khi mới qua đây lập nghiệp, 100% hộ dân đều thuộc diện hộ nghèo. Được sự quan tâm hỗ trợ nhiều mặt của UBND huyện và chính quyền địa phương, dân làng từng bước ý thức được bổn phận của mình trong việc vươn lên xây dựng cuộc sống mới.

Là thôn trưởng, hơn ai hết, bản thân A Giáp luôn ý thức được điều này. Cũng như nhiều hộ dân trong làng, nhận diện tích đất được hỗ trợ ban đầu, gia đình A Giáp mở rộng khai hoang thêm, trồng được 1,5ha cà phê. Trong niên vụ vừa qua, gia đình A Giáp có 0,5ha cây cà phê đi vào kinh doanh, diện tích cà phê còn lại đang cho bói. Không tính các nguồn thu khác, chỉ riêng cà phê, gia đình A Giáp thu được hơn 20 triệu đồng.

Trên thực tế, không phải đợi đến khi cây cà phê cho thu hoạch, bằng phương thức lấy ngắn nuôi dài, trồng lúa, mỳ xen cà phê và tự kiếm thêm tiền bằng nghề thợ mộc, thợ xây học được từ thời đi bộ đội, năm 2016, A Giáp là một trong những hộ đầu tiên xin thoát nghèo.

Cà phê bung hoa trắng muốt Cà phê bung hoa trắng muốt.

Trong hành trình vươn lên, tiếp bước A Giáp, nhiều hộ dân trong làng có thu nhập từ cà phê, các nông sản phụ xen trong cà phê và cùng với việc dùng lưới do huyện hỗ trợ đánh bắt cá trong lòng hồ cũng từng bước thoát được nghèo, có cuộc sống ổn định.

Già làng A Nhum thoát nghèo năm 2017 cũng khẳng định, dân làng có cuộc sống như ngày nay là nhờ Nhà nước; riêng gia đình ông trồng được 3ha cà phê. Sang lập nghiệp ở vùng quê mới, dân làng không những được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất mà còn được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng cà phê, hỗ trợ thuyền, lưới đánh bắt cá...

Cả A Nhum và thôn trưởng A Giáp đều xác quyết rằng, huyện Sa Thầy hỗ trợ hơn 30 xuồng ghe bằng tôn, gần 100 tấm lưới đánh bắt cá cho dân làng. Lòng hồ rộng, cá nhiều. Kể từ ngày được hỗ trợ ngư cụ, dân làng ai cũng có thể đánh bắt được cá. Bình quân mỗi ngày, một người dân đánh bắt có thể kiếm được ít nhất là 100 nghìn đồng từ tiền bán cá. Có rất nhiều hộ như A Chuân, A Biên, A Điệp... giỏi đánh bắt, có thể kiếm được 200-300 nghìn đồng/ngày/hộ từ tiền bán cá. Nguồn lợi từ lòng hồ không chỉ là nguồn thực phẩm giúp người dân cải thiện bữa ăn mà còn là nguồn thu nhập quan trọng giúp cho nhiều hộ gia đình nâng cao đời sống.

Ước vọng tương lai

Chỉ mấy mùa xuân sang đây lập nghiệp, người Rơ Ngao đã khoát lên làng Đăk Tăng một “màu áo” mới. “Làng bây giờ đẹp, rộng, thoáng mát hơn làng Kà Tu. Rẫy cà phê ngay tại nhà, bà con không phải đi xa. Bước ra rẫy là hồ, là tìm được con cá. Dù chưa phải đã giàu, nhưng bây giờ bà con phấn khởi và yên tâm với nơi ở mới”-A Nhum trầm ngâm bên làn khói thuốc và nở nụ cười mãn nguyện khi thốt ra những lời gan ruột.

Ngay cả các cặp vợ chồng trẻ mới tách hộ lập vườn, cuộc sống còn nhiều khó khăn cũng cảm nhận được những ân tình trên vùng đất mới. Ngắm nghía lại căn nhà được huyện hỗ trợ trước Tết Nguyên đán vừa qua, A Sâm không quên cảm ơn Nhà nước, huyện và nguyện sẽ phấn đấu vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no.

Được biết, để giúp dân làng Đăk Tăng khôi phục những giá trị văn hoá và hướng đến phát triển du lịch, huyện Sa Thầy cũng đã hỗ trợ làng 1 bộ cồng chiêng 12 chiếc và 1 trống. Nhiều chị em phụ nữ trong làng cũng đang có ý thức khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm truyền thống…

Chiều tà, đứng trước mui thuyền của thôn trưởng chèo ra đánh cá lòng hồ, nhìn về hướng làng chài xanh tươi, có mái nhà rông cao chót vót giữa những làn hơi nước do gió thổi lên mát rượi, tôi thấy làng Đăk Tăng đẹp như một bức tranh thuỷ mặc.

Chợt nghĩ, còn gì thi vị bằng nếu kết nối làng chài với các tuyến du lịch tìm hiểu di chỉ Lung Leng, di tích lịch sử điểm cao Chư Tan Kra, điểm cao 1049, 1015, du lịch sinh thái, hang động ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray... Sau khi thăm các thắng cảnh, du khách sẽ về làng chài Đăk Tăng thăm vườn cà phê xanh tươi, nghe tiếng chiêng, trống trầm hùng, điệu xoang mềm mại; nghe hát kể sử thi của người Rơ Ngao mê hoặc lòng người dưới ánh lửa bập bùng trong nhà rông hay ánh trăng huyền ảo giữa mênh mông sóng nước lòng hồ.

“Kết nối du lịch-đó cũng là giấc mơ của dân làng chài Đăk Tăng!”-A Giáp thật lòng nói và chia tay tôi trong thoang thoảng hương cà phê.

VĂN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.