Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Làm giàu từ giun quế

Nhật Minh - 15:55, 19/10/2023

“Thất bại ở đâu mình sẽ làm lại ở đó. Mỗi lần thất bại lại cho mình thêm những bài học, kinh nghiệm mà không sách vở nào có thể mang lại được...". Đó là những lời tâm sự của anh Lý Văn Dũng, chàng trai người dân tộc Dao, sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo xã Phú Bình, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang.

Để có nguồn phân nuôi giun quế, anh Dũng đã đầu tư chăn nuôi bò sinh sản
Để có nguồn phân nuôi giun quế, anh Dũng đã đầu tư chăn nuôi bò sinh sản

Phú Bình là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang, đồng bào DTTS chiếm số đông. Tỷ lệ hộ nghèo của xã có thời điểm đứng “tốp” cuối huyện với trên 70%. Chính vì vậy, ngay từ khi còn bé, Lý Văn Dũng đã chứng kiến cảnh bà con quê hương bị cái đói, cái nghèo bủa vây. Từ lâu, Lý Văn Dũng đã nung nấu khát vọng vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Năm 2018, nhờ tích cực tìm hiểu các mô hình kinh tế trên báo đài, nhận thấy quê mình có tiềm năng, lợi thế để phát triển giun quế, chàng thanh niên dân tộc Dao đã lựa chọn khởi nghiệp từ giun quế.

Ban đầu, anh chỉ áp dụng mô hình nhỏ, với khu chăn nuôi chỉ vỏn vẹn 10m2. Khu vực nuôi giun quế được anh dựng bằng khung nứa, lợp mái cọ để tiết kiệm chi phí. Ban đầu, anh nghĩ giun quế là loại khá dễ tính, chỉ cần hiểu được tập tính, chăm sóc đúng kỹ thuật thì nó sẽ mang lại nguồn kinh tế rất cao.

Tuy nhiên, cũng giống như bao người khởi nghiệp đi trước, khi chưa thu được thành quả nhưng anh đã phải nhận thất bại đầu tiên. Do chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi giun quế cũng như xây dựng khu chăn nuôi, chỉ một trận mưa lớn kéo dài đã khiến khu nuôi giun quế của anh bị ngập nước. Giun bò ra ngoài và chết hơn một nửa. Những con còn sống thì cũng yếu, không đảm bảo sinh sản.

Dù có chút thất vọng, nhưng anh vẫn quyết tâm theo đuổi mô hình đã lựa chọn. Thế rồi anh lại mua thêm giun, gia cố lại khu vực nuôi. Thế nhưng “ông trời” như muốn thử thách anh lần thứ 2, vẫn vì lý do mưa lớn khiến nước từ trên mái dội xuống và từ bể nước tràn ra khu vực nuôi khiến giun chết gần hết. Lần thất bại thứ 2 này đã thực sự khiến anh gần như gục gã.

Do thiếu kinh nghiệm, anh Dũng đã 2 lần thất bại
Do thiếu kinh nghiệm, anh Dũng đã 2 lần thất bại

Anh Dũng tâm sự: Mất một gian khá lâu sống trong thất vọng, buồn chán, nhưng nhận được sự động viên của gia đình, bạn bè, anh đã vực lại tinh thần, quyết tâm làm lại từ đầu.

Nhờ tổ chức Đoàn địa phương, anh được hỗ trợ vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm của Trung ương Đoàn. Khi đã có vốn, anh mở rộng và xây dựng khu nuôi giun quế kiên cố, mái lợp tôn. Giun quế được anh nuôi theo hai phương pháp là nuôi ăn nổi và nuôi ăn chìm. Để có nguồn phân nuôi giun quế, anh đã đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Có thời điểm đàn bò của anh lên đến 20 con. Không dừng lại ở đó, anh Dũng còn mạnh dạn đầu tư mua máy ép phân giun quế đóng gói xuất bán ra thị trường.

Thế rồi trời không phụ lòng người, nhờ sự cố gắng, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, giun quế phát triển tốt, không gặp phải trở ngại, anh Dũng bắt đầu nguồn thu nhập ổn định từ mô hình nuôi giun quế. Năm 2022, anh xuất bán được 6 con bê, khoảng 40 tấn phân giun quế, hơn 5 tạ giun cấp đông, cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi giun quế cho gần 20 hộ trong và ngoài tỉnh.

Để mở rộng mô hình kinh tế, anh Dũng còn trồng hơn 2.000 gốc sơn hiện đang cho thu hoạch. Anh dự kiến những năm tới sẽ mở rộng diện tích, trồng thêm 2.000 gốc sơn. Nhờ vận dụng mô hình linh hoạt, tận dụng thế mạnh của địa phương mà gia đình đã có thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Năm 2022, tổng thu nhập của anh đạt trên 300 triệu đồng. Ở một xã còn nhiều khó khăn như Phú Bình thì mức thu nhập này là niềm mơ ước của rất nhiều người.

Từ sự thành công đó, mô hình nuôi giun quế của anh Dũng đã được nhiều người biết đến. Rất nhiều hộ dân trong xã đã học tập theo anh để nuôi giun quế, thậm chí có người ở các tỉnh khác cũng tìm đến anh để mua con giống, học hỏi kỹ thuật. Anh cũng tận tình chỉ dạy kiến thức cho bà con, để mọi người cùng thoát nghèo.

Anh chia sẻ: “Mình đi lên từ hai bàn tay trắng, hơn ai hết, bản thân mình thấu hiểu những khó khăn của bạn trẻ khởi nghiệp như thế nào nên chỉ hy vọng giúp đỡ, ủng hộ phần nào các bạn trong con đường gian nan phía trước!”.

Nhờ sự kiên trì, nỗ lực, đến nay, mô hình chăn nuôi của anh Dũng đã đạt được thành công, mang lại thu nhập ổn định
Nhờ sự kiên trì, nỗ lực, đến nay, mô hình chăn nuôi của anh Dũng đã đạt được thành công, mang lại thu nhập ổn định

Anh Hứa Văn Công, thôn Khun Vai, xã Phú Bình là một trong những hộ được anh Dũng hỗ trợ giống, kiến thức để nuôi 15m2 giun quế. Hiện tại, anh Dũng cũng đang hướng dẫn anh Công thu hoạch lứa phân đầu tiên. Anh Công cho biết, khi quyết định nuôi giun quế, anh được anh Dũng hướng dẫn cách xây dựng khu nuôi, cách ủ thức ăn và cách chăm sóc sao cho đảm bảo các điều kiện sống và phát triển của giun quế một cách tốt nhất. Có khó khăn hay vướng mắc nào, anh đều được anh Dũng hướng dẫn nhiệt tình bất kể ngày hay đêm.

Anh Dũng tâm sự: “Thất bại ở đâu mình sẽ làm lại ở đó. Mỗi lần thất bại lại cho mình thêm những bài học, kinh nghiệm mà không sách vở nào có thể mang lại được. Bên cạnh đó, để theo được nghề nông chắc chắn bản thân phải thực sự đam mê. Đam mê xuất phát từ trong máu thịt thì mới dành trọn công sức, tâm huyết vào công việc”.

Anh Triệu Khắc Điệp, Bí thư Đoàn xã Phú Bình cho biết: Mô hình nuôi giun quế của anh Dũng là mô hình kinh tế tiêu biểu của đoàn viên, thanh niên tại xã. Anh là tấm gương đại diện cho ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương của đồng bào DTTS, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điều đáng quý là khi đã có được thành công, anh Dũng không giữ cho riêng mình mà chia sẻ những kinh nghiệm tích lũy được cho nhiều thanh niên có cùng chí hướng phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.