Tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số ngày càng cao.
Quyền về chính trị, bầu cử và ứng cử là một trong những quyền con người cơ bản được ghi nhận trong Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD). Ở Việt Nam, quyền tham gia bầu cử, ứng cử được hiến pháp quy định là quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bao gồm cử tri của 53 DTTS. Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013 ghi nhận quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân Việt Nam, không phân biệt dân tộc thiểu số hay đa số, chủng tộc, tôn giáo, không phân biệt đối xử, trong đó có quyền bầu cử, ứng cử.
Có thể nói rằng, đảm bảo quyền tham gia vào các cơ quan quản lý Nhà nước đặc biệt là quyền bầu cử, ứng cử, đảm bảo các DTTS có tiếng nói tại Quốc hội - Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là điều kiện tiên quyết, là quyền mang tính chất tiền đề để đảm bảo các quyền khác về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa-xã hội của người DTTS và có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chính sách, pháp luật, công tác đảm bảo an ninh trật tự vùng DTTS.
Trong các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có những nỗ lực vượt bậc nhằm đảm bảo tỷ lệ cử tri, đặc biệt tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người DTTS đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn đại biểu. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người DTTS trong các nhiệm kỳ gần đây luôn cao hơn so với tỷ lệ dân số. Tỷ lệ này còn cao hơn ở Hội đồng nhân dân các cấp. Nhiều người DTTS đã và đang giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan lãnh đạo của đất nước.
Trong các cơ quan tư pháp, chỉ huy lực lượng vũ trang ở tất cả các cấp từ Trung ương tới địa phương đều có sự tham gia của người DTTS. Nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được quán triệt và thực hiện nghiêm túc trong mọi giai đoạn của quá trình ứng cử, bầu cử. Bình đẳng trong bầu cử là một nguyên tắc nhằm đảm bảo tính khách quan, không thiên vị để mọi công dân đều có khả năng như nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào.
Nguyên tắc bình đẳng còn đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý cơ cấu thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, số đại biểu được bầu ở từng địa phương, bảo đảm tiếng nói đại diện của các vùng, miền, địa phương, các tầng lớp xã hội. Đặc biệt, các DTTS và phụ nữ phải có tỉ lệ đại biểu thích đáng trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng người DTTS được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người DTTS (Khoản 2, Điều 8).
Đây là một điểm mới được bổ sung trong quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được thông qua năm 2015. Luật đã ấn định cụ thể phần trăm những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người DTTS cần đạt được, với tỷ lệ khá cao. Rõ ràng, đây là quy định cần thiết để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong công tác bầu cử, ứng cử.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ hết sức quan tâm và có một tình cảm đặc biệt với cộng đồng các DTTS. Ngay sau khi giành được độc lập, Bác đã mong muốn tất cả các DTTS có đại biểu trong Quốc hội để đại diện cho dân tộc của mình. "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xơ Đăng hay Ba Na và các DTTS khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Trước kia, chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu dây liên lạc, hai là vì có kẻ xúi giục để chia rẽ chúng ta. Ngày nay, nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có Nha dân tộc thiểu số để săn sóc cho tất cả các đồng bào" (Trích thư Bác Hồ gửi Đại hội các DTTS miền Nam tại Pleiku, ngày 19-4-1946).
Trong nhiều nhiệm kỳ bầu cử vừa qua, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở vùng đồng bào dân tộc thường chiếm tỷ lệ rất cao. Vai trò tham gia của các đại diện người DTTS trong bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị đại diện cho nhân dân cũng đạt thành tựu đáng kể, tăng cả về số lượng, chất lượng qua từng nhiệm kỳ. Đây là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của Việt Nam trong việc nội luật hoá các quy định liên quan của ông ước CERD, thực hiện và bảo đảm quyền chính trị của mọi công dân, gồm cả người DTTS.
Tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 11/2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, TS. Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho biết, ngoại trừ Khóa 1, bầu cử Quốc hội trong một bối cảnh chính trị đặc biệt khi đó Việt Nam mới giành được độc lập thì tỷ lệ dân tộc thiểu số trong cơ quan Quốc hội đạt tỷ lệ (10,2%) với 34/333 đại biểu. Giai đoạn tiếp theo từ Khóa II, III, thành phần đã tăng lên đáng kể (tương ứng 15,6 và 16,7%) và cao nhất giai đoạn này là Khóa IV năm 1971 - 1976 (tỷ lệ đạt 17,3%). Giai đoạn 1976 - 1992, có nhiều những biến động, thay đổi về tình hình chính trị, kinh tế đất nước, tỷ lệ đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số xuống thấp hơn, chỉ trên dưới 14%.
Đến giai đoạn 1997 - 2011, tỷ lệ dân tộc thiểu số 3 khóa liền đạt trên 17% và đã lên tới 17,65% (Khóa XII, 2007 - 2011). Nhiệm kỳ khóa XIII (2011 - 2016), tỷ lệ dân tộc thiểu số chỉ đạt 15,6%, nhiệm kỳ Khóa XIV (2016 - 2021) lại đạt 17,3% và nhiệm kỳ Khóa 15 (2021 - 2026) đạt 17,8 %, với 89/499 đại biểu của 32 dân tộc trúng cử, cao nhất các khóa Quốc hội, tức là gần với chỉ tiêu quy định mới về ứng cử viên dân tộc thiểu số theo luật định (18%).
“Tuy mức độ biến động tỷ lệ đại biểu dân tộc thiểu số trong cơ quan Quốc hội có khác nhau, có yếu tố giai đoạn, phụ thuộc vào hoàn cảnh, tình hình chính trị cũng như công tác cán bộ dân tộc thiểu số trong các giai đoạn này, nhưng nhìn chung tỷ lệ đều đạt cao hơn tỷ lệ dân số dân tộc trong cơ cấu dân số quốc gia và đây là kết quả rất đáng ghi nhận. Về cơ cấu thành phần các dân tộc, thì mỗi nhiệm kỳ Quốc hội đều có đại diện của từ 28 - 32 dân tộc. Đến nay đã có tổng số 52/54 dân tộc (bao gồm cả dân tộc Kinh) và 51/53 dân tộc thiểu số đã có đại diện tham gia Quốc hội qua các khóa. Hiện chỉ còn 2 dân tộc Ơ đu (số dân dưới 1.000 người) và Ngái (số dân dưới 2.000 người) chưa có đại diện tham gia các khóa Quốc hội và đây cũng là mục tiêu Việt Nam phấn đấu để các dân tộc có đại biểu Quốc hội”, TS. Nguyễn Lâm Thành khẳng định.
Những kết quả trên cho thấy, trong suốt những năm vừa qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm quyền chính trị, trong đó có quyền bầu cử, ứng cử cho người dân tộc thiểu số, bảo đảm tỷ lệ thích đáng, phù hợp đại diện các dân tộc trong cơ quan Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân các cấp.
Tiếp tục tăng cường sự tham gia vào hệ thống chính trị của đồng bào DTTS
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam vẫn còn những hạn chế về quyền của đồng bào DTTS khi tham gia vào hệ thống chính trị, đặc biệt là cơ quan Quốc hội mà nguyên nhân sâu xa là từ điều kiện môi trường sống và môi trường phát triển, như: thiếu cơ hội học tập tốt nên chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số nói chung chưa cao, cơ hội có vị trí việc làm trong hệ thống các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội chưa nhiều dẫn đến cơ hội tham gia ứng cử hạn chế khi phải đáp ứng đủ các điều kiện về tiêu chuẩn ứng cử; những rào cản về mặt xã hội trong sự hòa nhập chung đối với người dân tộc thiểu số, do những quan niệm, định kiến có thể nảy sinh từ những khác biệt văn hóa, tập quán và cả nhận thức giữa các dân tộc; trong công tác ứng cử, bản thân người dân tộc thiểu số đôi lúc còn thiếu tự tin, một bộ phận cử tri còn chưa nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của bản thân trong bầu cử, về sự cần thiết có đại diện cho dân tộc trong cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước…
Để khắc phục tình trạng trên, TS. Nguyễn Lâm Thành chỉ rõ, nhiều biện pháp đã được triển khai thực hiện nhằm tăng cường sự tham chính của đồng bào dân tộc thiểu số vào cơ quan Quốc hội, bảo đảm tính đại diện, cơ cấu tỷ lệ phù hợp gắn với nâng cao chất lương ứng cử viên trong các cuộc bầu cử cũng như đại biểu Quốc hội khi trúng cử. Cụ thể là việc phát hiện, tập hợp giới thiệu nguồn ứng cử; Tiến hành công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng vận động tranh cử cho các ứng cử viên; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt đối với cử tri, cử tri vùng dân tộc; Tiến hành công tác đào đạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động Quốc hội cho các đại biểu trúng cử đại biểu Quốc hội, nhất là đối với đại biểu là người dân tộc thiểu số, tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò tham gia của các đại diện dân tộc thiểu số trong cơ quan Quốc hội của Nhà nước.
Trong mục tiêu dài hạn, đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, để tăng cường sự tham gia của đại diện DTTS vào hệ thống cơ quan dân cử các cấp, nhất là cơ quan Quốc hội cần tiếp tục làm tốt công tác phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS ở từng cấp theo từng vị trí dự kiến cụ thể. Đối với những cán bộ có tiềm năng, nhưng còn chưa đủ chuẩn về trình độ chuyên môn hay lý luận chính trị, phải gấp rút đào tạo nhưng phải bảo đảm chất lượng. Mạnh dạn bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ DTTS vào nhiều lĩnh vực, vị trí. Chú ý đến cơ cấu dân tộc trên địa bàn để bảo đảm tính đại diện. Xây dựng lộ trình từng bước nâng chỉ tiêu cơ cấu tham gia của cán bộ DTTS vào hệ thống các cơ quan dân cử. Nhà nước cần ban hành các chính sách cụ thể, phù hợp hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt bậc phổ thông ở vùng DTTS, chú trọng đối với các dân tộc ít người, rất ít người; xây dựng đội ngũ trí thức dân tộc, tạo tiền đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.