Đam mê...từ cây lúa
Là người con sinh ra từ bản mường, bên dòng sông Nậm Rốm hiền hòa, được nuôi dưỡng, trưởng thành từ những hạt gạo dẻo thơm, trắng ngần, bởi vậy, anh Quản Bá Tới luôn có một tình yêu đặc biệt với mảnh đất “chôn rau cắt rốn”, đặc biệt là gạo Điện Biên - hạt gạo của quê hương.
Học xong cấp 3, anh Tới quyết tâm theo học đại học chuyên ngành nông nghiệp với khát vọng trở về quê hương tìm hướng phát triển mới cho cây lúa, hạt gạo. “Quyết định khi ấy của tôi bị cả nhà phản đối. Họ nói, tôi ước mơ làm bác sĩ, công an, giáo viên… có phải hơn không, chứ học đại học rồi lại quay về làm ruộng “chân lầm tay bùn” làm gì cho khổ. Nhiều người không hiểu còn còn bảo, ngành nông nghiệp là công việc không cần phải đào tạo qua trường lớp vẫn có thể làm được”, anh Tới tâm sự.
Trái với ý kiến mọi người, anh Tới cho rằng, nông nghiệp không chỉ là trồng lúa, hoa màu mà còn gắn với kỹ thuật sản xuất và phân phối sản phẩm. Anh phân tích: Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, vai trò của những kỹ sư nông nghiệp càng quan trọng để định hướng, giúp đỡ bà con nông dân trong kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, gặt hái và tiêu thụ lúa, gạo. Bởi vậy, chỉ có khoa học công nghệ mới giúp người trồng lúa nắm bắt được kiến thức cơ bản, đúng đắn để sản xuất hiệu quả và tăng năng suất lao động.
“Đánh thức” hương vị gạo quê
Tốt nghiệp đại học, anh Tới trở về quê hương “thai nghén” ý tưởng xây dựng lại thương hiệu gạo Điện Biên. Ban đầu, anh dành thời gian đi học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Đến năm 2016, khi có vốn liếng trong tay, anh cùng một số hộ dân thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ tổng hợp Thanh Yên. Họ bắt tay vào xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để tiến hành một quy trình sản xuất lúa gạo hữu cơ, từ khâu gieo cấy đến thu hoạch, bảo quản, tiếp thị và đưa sản phẩm gạo ra thị trường.
Để hiện thực hóa ý tưởng, bước đầu, anh Tới cùng các thành viên HTX đã mời các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp lên Điện Biên khảo sát cánh đồng mẫu lớn của các xã viên. Lấy mẫu đất để phân tích xem các hàm lượng chất dinh dưỡng trong đất thế nào để có phương pháp bù đắp các vi chất còn thiếu. Làm sao để cây lúa phát triển tốt, chất lượng gạo được thơm ngon, người tiêu dùng ưa chuộng.
Song song với đó, các thành viên trong HTX tiến hành xây dựng dự án phát triển cánh đồng lớn, liên kết sản xuất trên diện tích 31ha lúa, của 98 hộ dân tham gia mô hình. Các hộ tham gia mô hình gieo cấy phải thay đổi toàn bộ tập quán canh tác trước đây, để tuân thủ theo một quy trình chăm sóc mới, dưới sự hướng dẫn, giám sát của HTX... Vừa làm vừa rút kinh nghiệm và củng cố cách làm, cuối cùng sản phẩm gạo của HTX do anh Quản Bá Tới làm giám đốc, thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị an toàn cũng mang lại hiệu quả như mong muốn. Chất lượng gạo dẻo thơm, vị ngon ngọt, đậm đà, khi đưa ra thị trường được nhiều khách hàng lựa chọn và đánh giá cao.
Bên cạnh sản phẩm gạo mang nhãn hiệu Tâm Sáng - gạo duy nhất tại tỉnh Điện Biên được đóng tem truy xuất nguồn gốc (mã QR) thì HTX của anh Tới còn đầu tư sản xuất thêm các sản phẩm đặc sản khác như: gạo lứt tẻ đỏ, trà gạo lứt… để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Tuy bước đầu sự khởi nghiệp đã gặt hái được thành công nhưng anh Tới luôn khiêm tốn và cho rằng: Để có được thương hiệu sản phẩm như ngày hôm nay là công sức lớn của tập thể, cán bộ HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên. Trong 3 năm, cả HTX loay hoay thử nghiệm để đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng, uy tín. Đến đầu năm 2020, HTX mới hoàn chỉnh quy trình sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn. Từ 7 thành viên, với 31ha lúa ngày đầu mới thành lập, đến nay HTX đã phát triển lên 230 xã viên với 145ha lúa chất lượng cao, bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất của HTX. Tuy nhiên, so với nhu cầu thị trường, thì sản lượng sản xuất lúa gạo hiện nay của HTX mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ. Do đó, trong những năm tiếp theo, mục tiêu của anh Tới là tăng diện tích gieo cấy, kết nạp thêm các xã viên.
Nhưng để tiếp tục nâng tầm thương hiệu và đưa hạt gạo Điện Biên tiến xa hơn, anh mong muốn bản thân mình sẽ là địa chỉ kết nối và chia sẻ kinh nghiệm với nhiều đoàn viên thanh niên khác có chung chí hướng khởi nghiệp từ cây lúa.