Hoang hoải giấc mơ…
Nga cũng có một tuổi thơ nghèo khó, với những bữa đói lòng. Với những đứa trẻ như cô, việc học đại học rồi ra trường có công việc ổn định trong một tờ báo ở Sài Gòn, đã là một chương mới trong cuộc đời, khi cái nghèo đã không còn quấn chân nữa.
Thế nhưng, mỗi lần trở về quê hương, nhìn xung quanh mình, người dân mình, nhiều thứ dường như vẫn không khác so với 30 năm trước. Quê Nga ở thị xã Tân An - khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam, xung quanh đa phần là người đồng bào DTTS, việc canh tác trồng trọt rất manh mún và nhỏ lẻ.
Đêm mưa bão miền Trung không chợp mắt, nghe gió giật rung từng hồi, Nga nhìn trừng trừng lên mái nhà tự hỏi: Không lẽ cả đời quê mình cứ chịu đói nghèo mãi? Và thế là những chuyến trở về nhà “dày” hơn, suy nghĩ về quê lập nghiệp trong Nga từng nhen nhóm nay càng ngày càng được củng cố.
Biết cây lúa trên nương dù nắng gió gắt gao mà vẫn tươi tốt, chất lượng thơm ngon, giàu dinh dưỡng, mà không sử dụng bất kỳ thành phần hoá học nào. Đồng bào vẫn trồng giống gạo lứt rẫy mà chưa biết đó là vàng trong tay, nhiều khi ăn không hết còn bỏ đi rất lãng phí.
Năm 2016, sau 10 năm sống ở Sài Gòn hoa lệ, cô nhà báo trẻ quyết định bước ngoặt cuộc đời: làm kinh doanh trên chính mảnh đất quê hương mình trước sự ngỡ ngàng của bạn bè, người thân.
Từ cô gái đang gắn bó với nghiệp chữ nghĩa, Nga mày mò tìm hiểu mọi thứ về nông sản, sản phẩm. Không đếm được bao nhiêu chuyến cô đã khoác ba lô đến những bản làng xa xôi. Cái xót xa nhất, là biết đồng bào mình sở hữu kho báu, nhưng vẫn chưa thoát nghèo. Thế nên, gừng, nghệ, gạo lứt, … vẫn không được nhìn nhận đúng giá”, Minh Nga tâm sự. Cô bắt đầu với cây nghệ, cây lúa quê hương.
Đầu tiên cô đã thu mua lại của người dân và chế biến thành những sản phẩm như: tinh bột nghệ, mứt gừng, bột gạo lứt,… “Bàn chân trần” ấy đã lặn lội lên tận các huyện Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My… để tìm hiểu thêm về nông sản đặc trưng của đồng bào.
Đi đi, đừng sợ
Nga mê say sản xuất và mong muốn làm ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe, có nguồn gốc 100% từ thiên nhiên. Năm 2017, Nga đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà xưởng trên diện tích 300 m2 và lắp đặt hệ thống máy móc để chế biến sản phẩm tinh bột nghệ, trà gạo lứt, gạo lứt… Tất cả quy trình chế biến đều đảm bảo vệ sinh.
Từ bán online, nay Nga đã có đại lý phân phối nhiều tỉnh, sản phẩm xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử Shoppe, Tiki, Sendo,… Hiện nay, thương hiệu Gạo lứt rẫy Bh.nong có nhiều dòng sản phẩm: trà, bột gạo lứt… với nhận diện hình ảnh cô gái dân tộc Bh.nong trên bao bì là thành công của Minh Nga. Mỗi năm Nga thu mua hàng chục tấn gạo lứt của đồng bào, các sản phẩm chế biến cho lãi từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/năm.
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phương Nga của cô, hiện nay mở rộng nhà xưởng sản xuất, đang tạo công ăn việc làm cho 7 lao động thường xuyên với mức lương từ 6 – 10 triệu/tháng và hàng chục lao động thời vụ khác.
Mình làm ra 10 đồng thì có thể giúp đồng bào 3 đồng, nhưng mình làm ra 20 đồng thì có thể giúp đỡ thêm 6, 7 đồng.
Nói chuyện với Nga mới cảm nhận được rõ ràng tình yêu của cô với nông sản địa phương. Cô khao khát một ngày những sản phẩm của mình không chỉ được người dân trong nước biết đến mà còn mang ra thế giới. Vậy nên, không chỉ dừng lại ở mức độ “giải cứu”, thu mua nguyên liệu của đồng bào để chế biến, Nga còn đang tiếp tục kế hoạch “đặt hàng”, xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững để bà con có động lực khẳng định giá trị nông sản của mình.
“Vừa qua, mình đã liên kết được với 1 HTX ở huyện Tây Giang làm vùng nguyên liệu trồng đậu đen trên diện tích 30ha. Sắp tới sẽ liên kết thêm với 1 HTX khác ở huyện Duy Xuyên. Ngoài việc đảm bảo được nguyên liệu đầu vào cho Công ty, Nga cũng mong muốn giúp được thêm nhiều bà con tiêu thụ ổn định được sản phẩm nông nghiệp mà mình làm ra”, Nga chia sẻ.
“Mình làm ra 10 đồng, thì có thể giúp đồng bào 3 đồng, nhưng mình làm ra 20 đồng thì có thể giúp đỡ thêm 6,7 đồng”, Nga nói. Mục đích của cô là xây dựng Công ty trở thành doanh nghiệp xã hội, các hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu mang tính xã hội, lợi nhuận thu được sử dụng để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng, thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ sở hữu.