Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Sự kiện - Bình luận

Đi để “trả nợ” đồng bào…

Hiếu Anh - 09:19, 19/06/2020

Những ngày này, trong khi nhiều nhà báo, phóng viên, biên tập viên ở các trung tâm nhận được rất nhiều bó hoa tươi thắm, những lời chúc mừng nồng nhiệt thì nhiều nhà báo, phóng viên, nhất là phóng viên đang công tác ở vùng sâu, vùng xa vùng DTTS vẫn lặn lội đến từng bản, làng, phum, sóc. Chúng tôi đi để “trả nợ” đồng bào.

Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển (bìa trái) trên đường vào xã Quốc Việt, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn tác nghiệp.
Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển (bìa trái) trên đường vào xã Quốc Việt, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn tác nghiệp.

Tôi viết bài báo này khi đang cùng với đồng nghiệp cơ quan - nhà báo Vũ Mạnh Cường, đi công tác ở “chảo lửa” Tương Dương (Nghệ An), nơi giáp biên giới nước bạn Lào. Đây là một trong rất nhiều chuyến đi không hẹn trước của những người làm Báo Dân tộc và Phát triển nói riêng và báo chí viết về DTTS nói chung.

Không chỉ riêng chuyến đi vào Nghệ An năm nay mà suốt thời gian qua, chúng tôi thường xuyên có những chuyến đi công tác không kịp “trở tay” như thế. Nhớ cách đây gần 5 năm, cũng vào dịp tháng 6, tháng 7, cơn bão lớn ập đến khiến nhiều gia đình đồng bào DTTS ở xã Quốc Việt, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) sau một đêm không còn lại gì. Nhận lệnh của Ban Biên tập, tôi cùng nhà báo Nông Thúy Hồng đã vượt hơn 300 cây số để về xã Quốc Việt, với hành trang sơ sài là những ống kính máy ảnh mà không kịp mang theo đồ dùng cá nhân. Chuyến công tác đó, chúng tôi đã phải mất ngót 1 ngày lặn lội với đủ các phương tiện như xe khách, xe máy, bè mảng và… đi bộ mới vào tới những nhà dân bị cô lập.

Làm báo viết về vùng đồng bào DTTS khó khăn là thế, nhưng chúng tôi lại nhận được những “đặc ân” - đó là tình cảm ấm áp của đồng bào miền núi. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in chuyến công tác vào xóm Ngay, xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) vào tháng 2/2015. Chuyến công tác đó, tôi tác nghiệp cùng nhà báo Lê Xuân Thắng (Báo Gia đình và Xã hội).

Khi đi từ trung tâm xã vào xóm Ngay, trời đã nhá nhem tối; trong khi đó xe của chúng tôi đã cạn kiệt xăng không thể nào di chuyển được. Thật may mắn, khi đó chúng tôi gặp được Trưởng xóm Ngay, ông Bùi Văn Khoa, cùng những người dân xứ Mường hồn hậu. Đêm đó, chúng tôi được đồng bào mời về nhà nghỉ ngơi. Sáng ra, Trưởng xóm Bùi Văn Khoa còn hút xăng từ xe của ông đổ vào xe cho chúng tôi quay về trung tâm xã.

Hay như chuyến công tác của tôi về với vùng biển đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Tàu vừa cập bến, tôi được một bác lái xe tuổi ngoại ngũ tuần chất phác chở đi. Khi biết tôi là nhà báo đi công tác, dù kinh tế của bác cũng chẳng dư giả gì, nhưng khi tôi trả tiền thì bác nhất quyết không lấy. Những tình cảm đó chính là những sợi dây liên kết vô hình mà bền chặt của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo với những nhà báo đang miệt mài tác nghiệp ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Dẫu biết rằng, những món nợ ân tình là điều mà suốt cuộc đời làm báo của chúng tôi khó mà trả hết. Nhưng có lẽ những bài báo tuy nhỏ nhoi của Báo Dân tộc và Phát triển nói riêng và báo chí cách mạng Việt Nam nói chung cũng đang góp phần đổi thay những phận người vất vả, những bản làng khó khăn ở những vùng sâu, vùng xa nhất.

Nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, chúng tôi cũng có dịp để ngồi lại kiểm đếm những việc mình đã làm, những điều mà mình đã trả cho người dân. Còn nhớ, năm 2019, bản thân tôi vô cùng xúc động khi tiếp hai bạn đọc lặn lội đi xe máy 500 cây số từ thị trấn Pắc Miầu, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) xuống Hà Nội để phản ánh những bất công khi bị thu hồi đất làm thủy điện Mông Ân trên địa bàn.

Nhận được thông tin của người dân, chúng tôi lên đường đi trong đêm và gặp những “người cùng khổ” là 60 hộ dân tộc Mông trong địa bàn. Qua quá trình đấu tranh, góp ý, xây dựng, chủ đầu tư đã đồng ý phương án đền bù với mức giá cao hơn rất nhiều so với phương án ban đầu. Đầu năm 2020 vừa qua, tôi rất vui mừng khi những người dân ấy “khoe” đã nhận được tiền đền bù thỏa đáng. Với số tiền này, nhiều người đã xây được nhà mới, có người còn mua được ô tô tải để chở hàng.

Hay như ngày 28/4/2017, Báo Dân tộc và Phát triển số 1304 có đăng bài viết, “Người dân khổ vì tái định cư”. Bài báo phán ánh tình trạng khó khăn của người dân tại các dự án tái định cư xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc (Đăk Lăk). Vì quá khó khăn nên hầu như người dân đã bỏ đi nơi khác làm thuê kiếm sống và bỏ hoang khu tái định cư. Sau khi báo đăng, chính quyền địa phương đã vào cuộc từng bước tháo gỡ. Khi chúng tôi trở lại đây, người dân đã không còn bỏ hoang nhà cửa, ruộng đồng. Trên những cánh đồng hoang hóa, người dân đã bắt đầu đưa máy cày trở lại. Những thanh niên, trai tráng đi làm thuê ở nhiều nơi cũng trở về khu tái định cư sinh cơ lập nghiệp. Cuộc sống của đồng bào từng bước thay da đổi thịt.

Dẫu biết rằng món nợ ân tình của chúng tôi với đồng bào vẫn còn rất nhiều mà chưa thể trả ngay và thật khó trả hết, nhưng chúng tôi hy vọng rằng, trong thời gian tới đây, đồng bào các DTTS cũng như chính quyền các cấp chung sức chung lòng cùng đội ngũ người làm báo để xây dựng vùng DTTS và miền núi ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tin cùng chuyên mục
Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Để sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), Bộ Tài chính có Văn bản số 8006/BTC-NSNN ngày 31/7/2023 hướng dẫn thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn rất nhiều địa phương vẫn còn nhiều tài sản công bị bỏ hoang, chưa có phương án sắp xếp, gây lãng phí kèo dài.