Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chuyện về phóng viên tác nghiệp vùng đồng bào DTTS mùa dịch Covid-19

Thanh Huyền - 11:19, 16/04/2020

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, để có được những hình ảnh, thông tin chân thực về dịch Covid-19 và công tác phòng dịch của toàn dân, đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí đã phải lặn lội, xông pha trên khắp mọi nẻo đường. Đặc biệt, khi tác nghiệp tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi thì càng gian nan hơn. Câu chuyện tác nghiệp mùa dịch của anh Bùi Tấn Sỹ, phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Nam là một trong những ví dụ điển hình.

“Phóng viên của làng”

Chúng tôi biết đến anh Bùi Tấn Sỹ là một trong những phóng viên lăn lộn và tâm huyết với vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Quảng Nam. Đi tác nghiệp cùng anh tại các huyện miền núi, đến đâu ai cũng quý mến và biết đến anh. Đặc biệt là các già làng, Người có uy tín thường gọi anh với cái tên thân thuộc: “phóng viên của làng” hay “người con của làng”. Mỗi lần về làng, anh như người con trở về với gia đình.

Phóng viên Bùi Tấn Sỹ giúp đỡ phụ nữ Giẻ Triêng mang củi
Phóng viên Bùi Tấn Sỹ giúp đỡ phụ nữ Giẻ Triêng mang củi

Gắn bó với đồng bào DTTS nhiều năm nay, anh Bùi Tấn Sỹ đã cho ra đời nhiều phóng sự hay, ý nghĩa về vùng đồng bào DTTS, miền núi của tỉnh Quảng Nam. Nhiều phóng sự của anh đã “ẵm” các giải thưởng từ giải vàng, bạc, nhất, nhì…của Trung ương, của tỉnh như: phóng sự “Hồi sinh Khe chữ” đạt giải Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38, năm 2018; phóng sự chuyên đề dân tộc “Rời núi” đạt giải Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 39, năm 2019…

Bên cạnh đó, trong quá trình tác nghiệp anh còn thường xuyên kêu gọi, kết nối với các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào nghèo cả về vật chất và tinh thần.

“Anh vừa kêu gọi được một đơn vị hỗ trợ trà thảo dược (tương đương 7,5 triệu đồng) và các loại trà giảo cổ lam, trà dây, trà khổ qua rừng, để chăm sóc sức khỏe cho các chiến sỹ làm nhiệm vụ chống dịch ở chốt tại Tam kỳ, Đại Lộc, Tây Giang. Bà con DTTS còn nghèo, song họ sẵn sàng hy sinh, góp công, góp của cùng các lực lượng chức năng chống dịch. Mình là phóng viên mình phải có trách nhiệm với cộng đồng hơn nữa”, anh Bùi Tấn Sỹ tâm sự.

Anh Sỹ chia sẻ,  từ khi có dịch Covid-19, anh càng bận rộn hơn gấp bội ngày thường. Vì lẽ đó, mà biết bao những câu chuyện cảm động mùa dịch được anh chuyển tải tới người xem. Mới đây, khi nhận được tin nhắn đêm muộn từ Trung tá Đỗ Xuân Trinh, Trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang với nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19: “Anh em ở khu vực cửa khẩu chưa có trang thiết bị y tế nào; trong khi hàng ngày đón hàng ngàn lượt người qua lại. Phóng viên có thể phản ánh chuyện này không?”. Không chần chừ, 5h sáng hôm sau, anh Sỹ đã cùng một đồng nghiệp đi hơn 200km từ trung tâm tỉnh lỵ đến khu vực cửa khẩu.

Ít giờ sau, phóng sự “Khó khăn trên tuyến đầu chống dịch”, xoay quanh những vấn đề được đặt ra trong việc kiểm tra, kiểm soát cửa khẩu, phòng dịch tại tuyến biên giới chung 172km đường biên với nước bạn Lào lên sóng. Sau đó, tỉnh Quảng Nam đã gấp rút đưa một đội hình y tế kiểm dịch lên cửa khẩu và hỗ trợ 4 máy đo thân nhiệt cầm tay, hệ thống phun sát khuẩn…để các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Và còn nhiều lần tác nghiệp trong điều kiện gấp gáp, khó khăn như thế. Anh Tấn Sỹ cũng đã phản ánh biết bao câu chuyện đẹp về tình người, sự đoàn kết, sẻ chia mùa dịch. Câu chuyện về cô giáo Xê Đăng may khẩu trang tặng học trò nghèo ở huyện Bắc Trà My; câu chuyện của các thanh niên xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức bán trứng, rau để lấy tiền gây quỹ ủng hộ chống dịch; câu chuyện về những phụ nữ Giẻ Triêng đóng góp gạo, rau, củi giúp lực lượng chức năng chống dịch…

Phóng viên Bùi Tấn Sỹ tác nghiệp tại Đèo Lò xo, địa phận giáp ranh giữa huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam và huyện Đăk Glei, tỉnh KonTum.
Phóng viên Bùi Tấn Sỹ tác nghiệp tại Đèo Lò xo, địa phận giáp ranh giữa huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam và huyện Đăk Glei, tỉnh KonTum.


Chiến sỹ “cầm bút” trên mặt trận chống dịch

Anh Sỹ kể rằng, vui nhất là khi xem những phóng sự của mình, nhiều phản hồi của các ngành chức năng, người dân gửi đến anh. Nhưng anh cảm động nhất khi nhận được tin nhắn trên zalo của Thượng úy Lê Viết Long, Trưởng Công an xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức với nội dung: “Cảm ơn Anh - một lực lượng tiên phong đi đầu trong chống dịch, nhưng không bao giờ ghi nhận về mình, mà chỉ đi ghi nhận lực lượng khác…”.

Thời gian này, cứ khi nào khai thác được những câu chuyện hay, những hình ảnh đẹp về công tác phòng chống dịch ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Nam là anh Bùi Tấn Sỹ đều thông tin, chia sẻ với chúng tôi. “Có thông tin này hay lắm…” hoặc “Anh vừa làm xong phóng sự này”…Không chỉ đơn thuần chia sẻ thông tin, chúng tôi cảm nhận ở anh cả một tấm lòng với đồng bào DTTS.


Phóng viên Bùi Tấn Sỹ (khẩu trang trắng) trao tặng quà ủng hộ phòng chống dịch Covid-19.
Phóng viên Bùi Tấn Sỹ (khẩu trang trắng) trao tặng quà ủng hộ phòng chống dịch Covid-19.

Anh Nguyễn Hải, Trưởng phòng Dân tộc và Miền núi, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Nam cho biết: “Bùi Tấn Sỹ là phóng viên năng nổ, xông xáo trong công việc; nắm bắt thông tin về vùng đồng bào DTTS rất kịp thời, nhanh nhạy. Anh được chính quyền và người dân vùng đồng bào DTTS rất khen ngợi. Trong mùa dịch Covid-19, phóng viên Tấn Sỹ nói riêng và các phóng viên mảng dân tộc, miền núi chúng tôi nói chung đã phải nỗ lực, cố gắng, vất vả hơn rất nhiều trong công tác tuyên truyền, để cùng chính quyền và người dân chung tay đẩy lùi dịch bệnh”.

Ít ai biết rằng, đội ngũ phóng viên đã phải tác nghiệp gian nan như như thế nào để có được những thông tin, hình ảnh chân thực nhất về dịch Covid-19. Biết bao những câu chuyện đẹp trong tác nghiệp mùa dịch đã được viết nên. Họ cũng được coi là những chiến sỹ trong trận chiến đầy gian nan này.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.