Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Xếp bút nghiên, lên đường chống dịch

Trọng Bảo - 22:09, 05/04/2020

Từ nhiều vùng quê khác nhau, giữa lúc dịch bệnh bùng phát, những sinh viên của trường Học viện Biên phòng tỏa đi khắp các tỉnh biên giới, góp sức cùng với địa phương tham gia chống dịch.

Cán bộ, chiến sỹ chốt Cửa Suối, Đồn Biên phòng A Mú Sung, hướng dẫn người dân địa phương vệ sinh sát khuẩn đeo khẩu trang phòng chống dịch Covid-19
Cán bộ, chiến sỹ chốt Cửa Suối, Đồn Biên phòng A Mú Sung, hướng dẫn người dân địa phương vệ sinh sát khuẩn đeo khẩu trang phòng chống dịch Covid-19

Thượng sỹ Lê Hoàng Phúc, dân tộc Tà Ôi, quê ở xã Hồng Thái, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đang là học viên lớp 22B, chuyên ngành quản lý bảo vệ biên giới, Học viện Biên phòng.

Từ đầu tháng 3, khi trận chiến chống dịch Covit-19 căng thẳng, em cùng 70 học viên khác ở Học viện Biên phòng được điều động lên tuyến biên giới Lào Cai tăng cường chống dịch. Ngày 6/3, em có mặt ở Đồn biên phòng A Mú Sung, tham gia chống dịch ở chốt Cửa Suối, trên bờ sông Hồng, ngay sát biên giới.

“Những ngày đầu chưa quen địa hình, khí hậu và ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Giáy… nên cũng bỡ ngỡ, khó khăn trong giao tiếp, công việc tuyên truyền vận động. Được các chú, các anh ở Đồn biên phòng A Mú Sung chỉ bảo, giúp đỡ, em cũng dần bắt nhịp với cuộc sống thực tế, hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Phúc chia sẻ.
Thượng sỹ Lê Hoàng Phúc ở chốt chống dịch Cửa Suối
Thượng sỹ Lê Hoàng Phúc ở chốt chống dịch Cửa Suối

Nhiệm vụ hàng ngày của thượng sỹ Phúc và cán bộ chiến sỹ tại chốt Cửa Suối là thay nhau chốt trực 24/24 ở đường biên giới nơi Cửa Suối để kiểm soát, ngăn chặn các đối tượng vượt biên trái phép; truy bắt đối tượng buôn bán ma túy qua biên giới; xuống thôn bản tuyên truyền vận động, hướng dẫn bà con DTTS “ăn chín uống sôi”, giữ vệ sinh môi trường, ở nhà cách ly, không tụ tập đông người để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Cùng với Phúc, tại chốt Cửa Suối còn có Trung sỹ Vũ Văn Đạt, quê ở xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Cán bộ, chiến sỹ tổ công tác mỗi người một phản gỗ, chăn màn của người lính để làm chỗ chợp mắt qua đêm trong nhà bạt đã chiến…đó là toàn bộ cuộc sống của người lính biên phòng cắm chốt chống dịch Covid-19.

Trung tá Vũ Trung Hoan, Chốt trưởng chốt Cửa Suối, Đồn Biên phòng A Mú Sung, cho biết: “Ở đây, không ti vi, không sóng điện thoại, ban đêm chỉ có ánh sáng phát ra từ cục ắc qui với chiếc bóng đèn nhỏ chỉ đủ hắt sáng quanh lều bạt. Ban ngày, anh em chúng tôi phải thay nhau vác cục ắc qui về đồn để sạc cho đầy, rồi lại vác ra để ban đêm có ánh sáng, đỡ rắn rết bò vào và cũng để xử lý các tình huống xảy ra ở chốt”.

Các cán bộ, chiến sỹ đo thân nhiệt và hướng dẫn người dân địa phương các biện pháp phòng, chống dịch
Các cán bộ, chiến sỹ đo thân nhiệt và hướng dẫn người dân địa phương các biện pháp phòng, chống dịch
Ở chốt Nậm Chạc, chúng tôi gặp Trung sỹ Hoàng Văn Khương, học viên lớp 22A chuyên ngành phòng chống ma túy và tội phạm, Học viện Biên phòng. Gác lại bút nghiên, lên biên giới Lào Cai, Trung sĩ Khương được chỉ huy Đồn biên phòng A Mú Sung phân công “cắm” ở chốt Nậm Chạc.

“Trước khi lên chốt biên giới, chúng em đều được nhà trường tập huấn về công tác phòng chống dịch, kỹ năng tuyên truyền vận động đồng bào DTTS. Từ kiến thức đã học ở trường, chúng em có điều kiện vận dụng vào thực tế, qua đó rèn luyện bản thân và củng cố kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ biên phòng tốt hơn”, Khương tâm sự.

Khu vực biên giới do Đồn A Mú Sung quản lý lâu nay được biết đến là nơi có khí hậu khắc nghiệt, mùa đông rét thấu xương, quanh năm mây mù che phủ nên còn gọi vui là “a mờ sương”. Bây giờ, tuy đã vào tháng 4 dương lịch những ở đây vẫn rét lạnh, khí hậu ẩm thấp, thiếu nước nên việc sinh hoạt rất khó khăn. Các học viên cắm chốt đêm đi tuần tra, ngày canh gác và thay nhau vào bản tắm giặt, chỉ có việc đột xuất theo yêu cầu của lãnh đạo mới được về đơn vị.

“Khó khăn, gian khổ nhưng thấy các chú, các anh ở Đồn Biên phòng đều vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ thì những học viên như chúng em quyết tâm làm tốt nhiệm vụ được giao, góp phần cùng các chú, các anh ngăn chặn dịch, bảo vệ cuộc sống bình yên cho mọi người”. (Thượng sĩ Lê Hoàng Phúc, học viên lớp 22B, chuyên ngành quản lý bảo vệ biên giới, Học viện Biên phòng).


Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.