Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Khi văn hóa và kinh tế song hành

Minh Đạo - Hoàng Quý - 14:05, 09/11/2023

Văn hóa Tây Nguyên ngàn đời nay được đồng bào các dân tộc lưu giữ bằng vật thể và phi vật thể. Cùng với âm nhạc, dệt thổ cẩm, nghề đan lát được đồng bào sáng tạo từ những đôi bàn tay tài hoa, lấp lánh sắc thái tín ngưỡng. Những sản phẩm văn hóa này không chỉ phục vụ cuộc sống sinh hoạt của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên mà còn phục vụ phát triển kinh tế du lịch.

Chị Ka Ẹp và các sản phẩm đan lát tại nhà
Chị Ka Ẹp và các sản phẩm đan lát tại nhà

Nhà nhà cùng bảo tồn

Chúng tôi trở lại thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng trong cơn mưa Tây Nguyên tầm tã. Khí trời chùng xuống bởi nền nhiệt hạ nhưng niềm vui làm ấm lòng người đến khi Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Đức Nhuần cho hay: “UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định công nhận Làng nghề truyền thống đan lát thôn Duệ. Sau khi thành lập làng nghề, huyện và xã đang tiếp tục hỗ trợ bà con dân tộc Cơ Ho cùng với nghề dệt thổ cẩm, ủ rượu cần để phát triển kinh tế một cách bài bản hơn”.

Xã Đinh Lạc có Quốc lộ 20 từ TP.Hồ Chí Minh lên Đà Lạt đi qua, chỉ cách trung tâm huyện Di Linh 5 km. Đồng bào dân tộc Cơ Ho quần cư chủ yếu tại thôn Duệ và thôn Kuokuil. Lãnh đạo xã dẫn chúng tôi đến nhà chị Ka Ẹp ở thôn Duệ, một nghệ nhân điển hình về nghề đan lát thủ công. Chị Ka Ẹp hồ hởi đón khách trong không gian của “bếp núc” vừa là nơi nấu ăn, vừa là xưởng đan lát. Nghề đan lát vốn là của phái mạnh, nhưng chị Ka Ẹp đã quyết tâm học nghề từ lúc còn thơ bé. Hơn 20 năm miệt mài với từng nan bắt dọc bắt ngang, giờ chị đã trở thành nghệ nhân nổi tiếng của xã.

Vợ chồng Ka Ẹp có hai ngôi nhà. Nhà xây năm 2010 khang trang phía trước và nhà gỗ phía sau, làm năm 1998 là xưởng sản xuất sản phẩm đan lát. Ka Ẹp và chồng K’Bral đều sinh năm 1970. Gia đình có 5 thành viên cùng gắn với nghề truyền thống. Anh K’Bral và con trai K’Bri lên rừng tìm nguyên liệu, chị Ka Ẹp và con gái Ka Ing trực tiếp đan, cậu út phụ ghép màu và làm quai. Nguyên liệu gồm mây, lồ ồ, nứa…, chỉ và sợi nilông tổng hợp mua ở chợ.

Ka Ẹp kể, mấy thứ ở rừng lấy tận xã Tam Bố, hai cha con phải đi 2 ngày 1 đêm, ngủ lại trong rừng. Để sản phẩm có chất lượng, nguyên liệu lấy từ rừng về sẽ được chặt thành đoạn, phơi nắng thật khô cho đến khi ngả màu trắng rồi chẻ, ngâm nước, vót thành sợi nan, ngâm đến 2 lần để sợi đan mềm ra. Ka Ẹp tự hào nói: “Nghề này là của đàn ông, nhưng mình thích nên tự học. Ban đầu trong xã chỉ có mình là con gái làm, bây giờ thì nhiều phụ nữ được mình hướng dẫn làm được rồi”.

Nghệ nhân Ka Ẹp và tác giả
Nghệ nhân Ka Ẹp và tác giả

Trong thôn còn có những người đàn ông khác đan gùi như các ông K’Diềm, K’Brít, K’Biên… nhưng sản phẩm làm ra bán được ít. Còn gùi của Ka Ẹp “làm ra không đủ bán. Họ đến đây mua hàng nhiều. Bà con dân tộc ở các huyện như Lâm Hà, Đơn Dương, Đức Trọng, rồi TP.Bảo Lộc, cả người Kinh ở Vũng Tàu cũng đến mua…”, khuôn mặt Ka Ẹp rạng rỡ khi kể với tôi.

Văn hóa và kinh tế song hành

Gùi theo tiếng Cơ Ho là sơh. Gùi to (sơh lòt mir) dùng để đựng nông sản và vật dụng khi đi làm rẫy. Gùi vừa (sơh dà) đựng vật dụng chứa nước và gùi nhỏ (kruh) để mang xuống suối đựng cá tôm… Chiếc gùi còn là phụ kiện trang trí của cư dân miền núi mỗi lần đi chơi, múa hát, đám cưới, lễ hội và phương tiện chuyển tải nghi lễ tín ngưỡng…

Xa xưa, các vật dụng từ đan lát hay thổ cẩm được đồng bào các DTTS bán hoặc trao đổi cho người Kinh và du khách để phục vụ cuộc sống hằng ngày. Về kỹ thuật, có 2 cách đan cơ bản, “bang cha kiang” là tạo hoa văn hình chữ V, dân gian gọi là gấp khúc và “bang cha ờs” là kiểu hoa văn hình thoi (quả trám). Những thanh nan mềm mại đều quay vỏ ra ngoài để vừa đảm bảo tính mĩ thuật, vừa đạt độ bền khi tiếp xúc với mưa nắng. Mỗi chiếc gùi, trước hết là đan thân rồi tiếp đến làm vành miệng, kết quai, làm đế, làm dây ràng và trang trí. Về mĩ thuật, khó làm nhất và cũng bắt mắt nhất là các bộ phận đáy, góc, quai đeo, thành miệng, đường nổi dọc và ngang…

Nhiều người dân ở xã Đinh Lạc đã học nghề đan lát để tạo ra những sản phẩm
Nhiều người dân ở xã Đinh Lạc đã học nghề đan lát để tạo ra những sản phẩm phục vụ cuộc sống lao động, sinh hoạt và để bán cho khách du lịch

Đối với sản phẩm gùi hoa (sơh bơnơh), gia đình chị Ka Ẹp thường sử dụng chỉ màu để kết thành những biểu tượng bông hoa đính theo các trục dọc và ngang của chiếc gùi. Chị Ka Ẹp cho biết, sở thích hoa văn của mỗi vùng đồng bào DTTS cũng khác nhau. Vùng xã Đinh Lạc, thị trấn Di Linh… thích màu đen, màu chàm; vùng huyện Đơn Dương, huyện Lâm Hà hay xã Tam Bố… thích nhiều màu hòa trộn như xanh, đỏ, tím, vàng... Cũng có người đặt hàng cho chị Ka Ẹp ghép màu ở cả bộ phận quai đeo.

Về giá cả, gùi của gia đình chị Ka Ẹp hiện bán cao nhất 600 ngàn đồng/cái, thấp nhất 240 ngàn đồng/cái. Loại có giá cao vì công bỏ ra nhiều (4 ngày), sợi đan phải vót nhỏ, kỹ thuật đan cũng tỉ mỉ, chi tiết và cầu kỳ, nhất là đáy, bắt góc, bện quai và tốn nhiều mây. Còn loại giá thấp chỉ làm trong 2 ngày, đan đơn giản và ít hoa văn. Gia đình chị Ka Ẹp còn đan cả loại rổ xúc cá (nir) để bắt cá (kup ka).

Tôi hỏi chị Ka Ẹp vì sao không sử dụng màu tự nhiên của cây rừng như sim (pănh), cóc (gơ nắp bơs), cây pơ mô, vỏ cây pết, lá sơ đoăh… để tạo màu sắc và các chi tiết, hoa văn. Chị nói: “Làm vẫn được, nhưng rất mất công sức, giá cao đến 1 triệu đồng/cái nên ít có người mua. Mình chỉ làm đồ như thế này đã bán không đủ rồi”.

Thời điểm có sức khỏe tốt, đan nhanh, có những tháng chị Ka Ẹp có thu nhập 7 triệu đồng. Dĩ nhiên, sản phẩm đan lát chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho mỗi gia đình Cơ Ho. Vấn đề quan trọng là nghề đan gùi hoa của bà con Cơ Ho ở vùng đất Nam Tây Nguyên này là bảo tồn nét văn hóa truyền thống của tổ tiên.

Phó Chủ tịch UBND xã (người nghe điện thoại) cùng tập thể bà con đan lát thôn Duệ.
Phó Chủ tịch UBND xã (người nghe điện thoại) cùng tập thể bà con đan lát thôn Duệ.

Quyết định công nhận làng nghề của chính quyền địa phương thực sự "tiếp sức" để nghề phục hồi và bảo tồn giá trị văn hóa và không để thất truyền. Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc Nguyễn Thị Gái cho biết: Qua mô hình của thôn Duệ, địa phương nhân rộng nghề đan lát đến thôn Kuokuil để bà con có thêm thu nhập trong những ngày nhàn rỗi. “Nghề đan lát của thôn Duệ cũng được lan tỏa đến các địa phương khác trong vùng. Đây là mô hình nhằm phát huy bảo tồn nét văn hóa truyền thống của bà con DTTS Tây Nguyên, địa phương rất ủng hộ và tự hào”, bà Gái khẳng định.

Xã Đinh Lạc đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017, nay đang đi lên từng bước bằng sự song hành giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa. Đó là hướng đi từ nội sinh bền vững của nông thôn mới. 

Triển khai Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tôc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã mang đến những cơ hội mới để các địa phương bảo tồn, phục dựng văn hóa truyền thống; khai thác tiềm năng văn hóa, phát triển du lịch tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.