Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Mùa “đi xuôi” chơi chợ

PV - 16:38, 03/02/2023

Khi hạt thóc đã về kho, những cánh chim Cơ Tia, C’rao sải cánh giữa đại ngàn, hoa Pơ lang thắp lửa giữa nền trời xanh thẳm... mùa lữ hành đã đến. Già trẻ, gái trai ở các buôn làng Tây Nguyên hẹn hò “đi xuôi” chơi chợ. Họ thích thú rảo theo những cung đường mòn song song các dãy núi, gùi trên lưng và xà gạc cầm tay, du hành về phía biển, mang sản vật của miền Thượng đổi lấy vị mặn của biển khơi. Và, trên những cung đường “hạt muối năm xưa” ấy, đã nảy nở những thâm tình.

Trên cung đường “hạt muối năm xưa”
Trên cung đường “hạt muối năm xưa”

Mang âm hưởng bản Tình ca Tây Nguyên, tôi lang thang lần theo tích cũ trên cung đường huyền thoại Nam Tây Nguyên, để nghe chuyện về “hạt muối năm xưa...”.

Sáng. Cung đường nối thành phố hoa Đà Lạt và phố biển Nha Trang nắng vàng tơ. Phía chân Bidoup, buôn Đưng K’si, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng yên bình đến lạ. Bên hiên nhà vừa mới cất chưa lâu, già Bon Tô Sa Nga phà khói thuốc vào thinh không, nhìn về phía núi. Có lẽ, ông đang du ngoạn qua “miền mơ tưởng”! - Chuyện con đường muối à? Dài lắm..., ông mở lời. Ở vùng đất này có hai tuyến đường xưa cha ông thường “lòt drà” (đi chợ), khi mùa màng thu hoạch xong. “Nói là “lòt drà”, nhưng ngày xưa miền Thượng làm gì có chợ. Muốn đổi chác, mua sắm phải xuống tận miền biển Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa mới có họp chợ và hạt muối cũng theo cái gùi bà con về với buôn làng”, già Sa Nga thổ lộ.

Chuyện hạt muối trong ký ức của già làng Cơ Ho, Mạ, Chu Ru... trên miền đất Tây Nguyên huyền ảo, hẳn chưa thể lạt phai về con đường “đủ bàn chân đi” cắt ngang những cánh rừng, để người miền Thượng gùi sản vật xuống miền biển đổi chác, cõng về những hạt muối trong sự chờ đợi của bà con buôn làng. Qua bao chu kỳ hành trình “cõng” hạt muối, đã có những mối tình “gừng cay, muối mặn” nảy nở, kết trái đến tận bây giờ. Già Sa Nga bảo, ngày chưa về nhà vợ (theo tục bắt chồng của người Cơ Ho), hàng đêm, bên bếp lửa hồng, cha ông, cụ Pi Năng Noa, thường kể cho các con nghe về buôn làng Raglay, nơi neo đậu tuổi thơ trước khi theo bà Bon Tô KBắc lên xứ này. Giờ ông bà đã về với rừng Yàng, nhưng Sa Nga, Sa Lốt... vẫn nhớ câu chuyện tình của cha mẹ mình trên hành trình “cõng” hạt muối lên miền Thượng. “Ngày đó, mẹ mình trong đoàn người buôn làng Cơ Ho “đi xuôi”, gùi sản vật của rừng xuống miền biển đổi muối. Đi hàng tuần mới về. Qua những chuyến đi, họ đã phải lòng nhau. Ông cũng theo hạt muối lên ở xứ này”, Sa Nga kể.

Cũng như bao người con trên miền đất bazan Tây Nguyên hùng vĩ, xưa, người Cơ Ho, Mạ, Chu Ru... trên cao nguyên Lang Biang, cao nguyên Di Linh đã trải qua những tháng ngày rất dài đốt cỏ tranh lấy tro làm vị mặn trong các bữa ăn. Và hôm nay, họ vẫn nhớ như in những câu chuyện trên hành trình thung thăng về phía biển.

Nắng lên. Đỉnh Bidoup bồng bềnh mây trắng, như mái tóc buông xõa của bà Cil Kvơr giữa cung đường làng. Đã qua hơn 70 mùa rẫy, nhưng đôi chân người đàn bà một thời băng rừng trên “cung đường muối” vẫn còn khỏe khoắn. Bà nói: “Hạt muối ngày xưa với người Tây Nguyên quý lắm. Bởi thế nên bất chấp hiểm nguy, thú dữ, luồn rừng mấy tuần liền mới có vài ống muối mang về. Nhưng, những chuyến phiêu lưu như thế vui lắm. Đó còn là dịp hẹn hò, gặp gỡ. Có khi việc mua bán, đổi chác không quan trọng bằng việc trao đổi tình nghĩa với nhau, cho nên “lòt drà” cũng coi như là “đi chơi chợ” vậy. Nhờ những chuyến “lòt drà” mà mình “bắt” được chồng”.

Xưa, người miền Thượng thường đi “chơi chợ” như vậy vào mùa khô hàng năm. Mỗi lần “lòt drà” họ đi khá đông, khung cảnh như mùa hội, có khi cả tháng mới về và chỉ về cho kịp lúc những chồi non đội đất chui lên, mùa rẫy đã tới. Và chuyện “hạt muối năm xưa từng trông chờ đỏ mắt...” trong Tình ca Tây Nguyên đã có thể truy nguyên!

Ở vùng Đạ Chais, Đạ Nhim phía chân Bidoup có hai “cung đường muối” vẫn còn dấu tích. Xuôi theo dòng Đạ Mưng về Ninh Thuận và theo triền Hòn Giao, vượt suối Máu về Khánh Hòa. Hôm ấy, khi hoàng hôn vừa buông giữa rừng già, chỉ còn nhịp điệu của thiên nhiên, bà Cil Kvơr thông báo với bà con buôn làng trong đoàn người lữ hành về phía biển, rằng cái bụng bà đã thương ông Ha Lai. “Đơn giản à, hai người trao nhau chiếc vòng trước sự chứng kiến của bà con buôn làng là thành chồng vợ”, già Sa Nga kể. Cũng trong những chuyến phiêu lưu miền xuôi đó, bà KGlang ở buôn Đưng K’si này đã “bắt” được ông Ca Tơr Tự, người con đồng bào Raglay về với buôn làng  Cơ Ho.

Đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên diễn giải những loài cây trên cung đường băng rừng Đạ Chais về Khánh Hòa
Đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên diễn giải những loài cây trên cung đường băng rừng Đạ Chais về Khánh Hòa

Thông thường, người Tây Nguyên lấy nhau trong tộc người của mình. Những cuộc hôn nhân với “người ngoài” rất hiếm, tuân theo sự gần gũi nhau vốn có giữa tộc người này và tộc người kia. Và cung đường tìm vị mặn mòi xứ biển đã tạo nên sự gắn kết. Trong không gian buôn làng Đưng K’si, chúng tôi đã nghe được rất nhiều ngữ hệ.

Nam Tây Nguyên trời xanh lồng lộng. Lau lách dưới bóng đại ngàn, trong bản tiêu dao của chim rừng. Theo bước chân chàng trai miền sơn cước K’Vâng, người dẫn đường chuyên nghiệp trên những cung đường rừng nối miền Thượng và miền biển, anh bảo: “Cung đường này khoảng 30 cây số. Những người già trong các buôn làng Cơ Ho nơi đây nói chắc nịch, đây là “con đường muối năm xưa”. Giờ là cung đường trải nghiệm quyến rũ. Có lẽ, không khí trekking cũng giống cha ông mình ngày xưa qua những câu chuyện kể. “Con đường muối” chỉ là tên gọi mơ hồ, thể hiện sự giao thương miền Thượng - miền xuôi, cái cốt là thú về rừng, đi làng người, ngao du như lữ khách. Và những cuộc du hành như thế đã tạo sự gần gũi giữa các tộc người”.

Bình minh khác biệt giữa rừng. Nắng len lén trườn qua kẽ lá, rót xuống từng sợi lung linh giữa làn sương mờ tỏ. Chim C’rao đã cất tiếng gọi bầy và hành trình “theo dấu cha ông” vẫn tiếp tục... K’Vâng bảo, nhiều già làng Nam Tây Nguyên kể rằng: Xưa, lúc khởi hành, ngoài những món hàng để đổi chác, đoàn người “đi xuôi” chỉ đem theo gạo và ít muối, đó là hai món cần thiết. Còn các thức ăn khác thì rừng núi, suối ao sẽ cho thừa thãi. Và cung đường “hạt muối năm xưa” đã kết giao thâm tình những tộc người không cùng ngữ hệ.

Ðêm, về với buôn làng người Chu Ru ở R’Lơm, Đơn Dương, Lâm Đồng. Già làng Ya Loan đang khơi hồng bếp lửa. “Đi chợ, người Cơ Ho nói là “lòt drà”, còn người Chu Ru mình gọi là “nau drà”. Trẩy phiên chợ xa đổi muối có lẽ là cái cớ. Đó là mùa đi, mùa lữ hành, mùa “đi làng người”, như cái thú của người Tây Nguyên vậy”, già Ya Loan nói. Song, trong sự phóng túng ấy của cư dân đại ngàn cũng có quy ước, dù đoàn người có đông đến mấy, họ vẫn đi theo hàng một; có lẽ, bề ngang con đường không cho phép lối đi nào khác được. Một người trẻ đi trước, đàn bà đi giữa, già làng đi sau. Khi sắp đến làng người, lại thay đổi vị trí, già làng lên trước để là người đầu tiên bước vào làng.

Theo một số tài liệu, cùng những “cung đường muối” phía cao nguyên Lang Biang, xuôi cao nguyên Di Linh là đường mòn Phan Rí (Gun Phô rí), đường mà A.Yersin đã có dịp thám hiểm vào năm 1890 và đường mòn Phan Thiết (Gun Bơ Jai), về sau trở thành trục lộ Ma Lâm - Di Linh. “Các chuyến du hành như vậy rất sảng khoái, đồng bào mình được sống với thiên nhiên, hòa vào rừng và cũng là dịp kết giao, tìm hiểu nhau. Từ ngày lên đường đến khi ai về nhà nấy, đã có nhiều đôi “muối mặn, gừng cay”, nên duyên vợ chồng”, già Ya Loan thổ lộ.

Bình minh đã dát bạc bầu trời, sương bảng lảng trên những ngọn núi. Ngày mới bắt đầu. Bếp lửa già làng vẫn đủ ủ ấm chén trà đêm qua, chợt nhớ chuyện “lòt drà” trong “Miền đất huyền ảo” của Dam Bo (tức Jacques Dournes, Nhà dân tộc học người Pháp): “Họ đi theo những con đường truyền thống xuyên qua vùng Tây Nguyên từ Tây Bắc xuống Đông Nam, vượt qua núi, men theo các đỉnh, đổ xuống đồng bằng và cuối cùng đến Phan Thiết, hoặc Phan Rang, Nha Trang... Các cuộc du hành có khi kéo đến nhiều tuần, vì mang nặng, ấy là những dịp vui thú, mà những người Tây Nguyên ngày nay kể lại một cách thích thú”.

Qua bao hành trình đổi chác sản vật, người miền Thượng, miền biển tự nhiên hình thành sự kết nối cộng đồng. Họ sẻ chia, trao nhau những thứ mình thiếu, mình cần mà không làm ra được. Và, trên những cung đường “hạt muối năm xưa” đã kết giao thâm tình những tộc người không cùng ngữ hệ. Đôi khi, chỉ trong một ngôi nhà sàn, ta có thể nghe cả tiếng Mạ,  Cơ Ho... lẫn tiếng Raglay.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.