Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lớp học tiếng Anh “không đồng” của chàng trai Raglay

Chiến Chinh - 16:41, 21/12/2022

Khi màn đêm buông xuống, núi rừng phủ một màu thâm u trầm mặc, đó cũng là lúc lớp học tiếng Anh “không đồng” của thầy giáo người Raglay - Bo Bo Hồng Thịnh (xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) sáng đèn đón các em nhỏ. Ánh sáng từ lớp học tỏa ra, cùng tiếng học bài ngân nga của các em nhỏ như làn hơi ấm giữa bao la núi rừng hùng vĩ.

(CĐ Hoàng Thanh) Lớp học tiếng Anh “không đồng” của chàng trai Raglai
Thầy giáo Bo Bo Hồng Thịnh dạy học miễn phí cho thiếu nhi xã Sơn Lâm

Miệt mài “gieo chữ” ở vùng cao

Mấy ngày nay, cứ mỗi buổi chiều về, trời lại kéo mây, đổ mưa như trút nước. Ngồi trong căn phòng nhỏ, ánh mắt của thầy giáo trẻ Bo Bo Hồng Thịnh không khỏi thấp thỏm âu lo.

“Mưa to thế này, không biết mấy đứa nhỏ có chịu khó đến lớp không? Đường núi đồi gập ghềnh, trơn trượt lại gặp trời mưa nữa thì vất vả cho chúng lắm đây”, thầy Bo Bo Hồng Thịnh chia sẻ.

Vậy nhưng đến gần 18h30, khi lớp học chuẩn bị bắt đầu, mảnh sân nhỏ trước phòng học đã rộn tiếng cười nói của học sinh và phụ huynh. Hơn 20 em nhỏ quần áo ướt át, bàn chân lấm lem màu đất đỏ Bazan đã lần lượt bước vào lớp và lễ phép khoanh tay chào thầy Thịnh.

Xoa đầu từng em, ánh mắt thầy rưng rưng xen lẫn niềm vui và xúc động. Màn đêm từng lúc như dày hơn, đặc hơn, nhưng thầy và trò trong lớp học tiếng Anh vẫn sôi nổi diễn ra. Đan xen giữa tiếng giảng bài, tiếng đánh vần của các em, còn có những tràng cười giòn tan của thầy và trò. Gọi là lớp học, nhưng thực chất đây là phòng được thầy Bo Bo Hồng Thịnh mượn tạm của Trung tâm Văn hóa xã. Những bộ bàn ghế vốn dùng để hội họp được trưng dụng phục vụ các em nhỏ đi tìm thêm con chữ.

Lớp học không phân biệt độ tuổi, từ những em học sinh lớp 2, lớp 3 mới bập bẹ vài từ tiếng Anh, đến những học sinh lớp 6, lớp 7 đều được tham gia. Ở đây, thầy Thịnh dạy cho các em về những từ vựng, ngữ pháp và kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Chốc chốc, giải nghĩa từ tiếng Anh sang tiếng Việt có học sinh không hiểu được, thầy lại phải giải thích bằng tiếng đồng bào Raglay. Ở đây, các em không bắt buộc phải ghi chép bài, mà cần tập trung nghe giảng, thực hành, nên mọi học sinh đều rất hứng thú.

“Ở đây em học được nhiều từ mới tiếng Anh lắm. Mỗi buổi thầy Thịnh dạy một chủ đề khác nhau nên em rất thích”, em Lê Thị Trúc Vy, một học sinh chia sẻ.

(CĐ Hoàng Thanh) Lớp học tiếng Anh “không đồng” của chàng trai Raglai 1
Dưới sự tận tình chỉ dạy của thầy giáo, các học sinh người DTTS đã được trang bị kiến thức bổ ích, mạnh dạn hơn, tự tin hơn trong giao tiếp và sử dụng tiếng Anh

Theo thầy giáo Thịnh, qua quá trình dạy học, thầy nhận thấy những học sinh người DTTS có ưu thế hơn so với các học sinh khác khi phát âm tiếng Anh, do âm vực hai thứ tiếng đều không có dấu. Tuy nhiên về ngữ pháp, từ vựng, các em lại có phần chậm hơn. Vậy nên, tại lớp học miễn phí, thầy tập trung dạy cho các em về từ mới, ngữ pháp và kỹ năng giao tiếp. Từ đó, bên cạnh việc được học tiếng Anh, các em còn được rèn luyện khả năng giao tiếp, bớt e dè hơn khi phát biểu trước đám đông.

“Cũng là một người DTTS, hơn ai hết tôi hiểu những khó khăn của các em trong học tập và những điểm cần khắc phục. Những kỹ năng này ở những địa phương miền núi rất hiếm trường lớp mở dạy như ở đồng bằng. Nên trong lớp, tôi cố gắng giúp các em rèn luyện nhiều hơn, để sau này có được những kiến thức, kỹ năng cần thiết áp dụng trong trường lớp, xã hội”, thầy Thịnh chia sẻ.

Lớp học ý nghĩa

Đội mưa đến chờ đón con tan học từ sớm, đứng ngoài hành lang nhìn thấy con gái mình đọc trôi chảy từng câu nói tiếng Anh, ánh mắt bà Mấu Thị Thoa tràn đầy hy vọng. Nhà ở thôn Ko Róa, thôn xa nhất của xã, cách điểm học tới gần 8 km, nhưng gần 2 tháng nay, tối cuối tuần nào bà cũng lặn lội chở con đến lớp.

“Mình vất vả tí nhưng chẳng bõ công so với thầy giáo dạy miễn phí cho mấy đứa. Nhà tôi hai vợ chồng đều làm nông, tiền đủ ăn là may lắm rồi lấy đâu tiền cho con học thêm, nên khi thấy đoàn xã thông báo có lớp học tiếng Anh miễn phí thì tôi mừng lắm, liền xin cho con tới học. Từ khi học xong, về nhà thi thoảng lại thấy cháu tự luyện tập nói tiếng Anh, mình ít chữ không hiểu gì nhưng thấy vậy phấn khởi lắm”, bà Mấu Thị Thoa chia sẻ.

Với những học sinh, lớp học đã mang lại cho các em kiến thức, kỹ năng bổ ích. Hào hứng chia sẻ với chúng tôi những từ vựng tiếng Anh về nghề nghiệp, gia đình vừa được học, em Tro Hoàng Nam chia sẻ: “Trên lớp, chúng em cũng được học tiếng Anh nhưng chưa có nhiều điều kiện để thực hành nhiều. Khi học ở đây, được thực hành nói, giao tiếp nhiều hơn, nên em mạnh dạn hơn nhiều. Khi có kiến thức, kỹ năng tiếng Anh tốt, sau này em muốn được học, làm việc ở môi trường sử dụng ngoại ngữ nhiều để mở mang thêm nhiều điều hay”.

Lớp học do Đoàn xã Sơn Lâm mở từ tháng 7/2022, hoạt động vào mỗi tối thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần, duy trì đến nay với khoảng 30 học sinh, trong đó phần lớn là học sinh người DTTS.

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Thu Thảo - Bí thư Đoàn xã Sơn Lâm cho biết, mong muốn mở lớp học miễn phí cho học sinh ở địa phương đã được chị ấp ủ từ lâu, nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Đến nay, khi nhận được sự hỗ trợ của thầy Bo Bo Hồng Thịnh là giáo viên tiếng Anh tại xã, cùng với sự chấp thuận, ủng hộ của Đảng ủy xã, Đoàn xã đã mở lớp, vận động các phụ huynh ở xã cho con em mình đến tham gia. Dù biết mở và duy trì lớp học không phải điều dễ dàng, nhưng để trang bị thêm hành trang tương lai cho các em, Đoàn xã và thầy giáo quyết tâm thực hiện và duy trì hoạt động được đến nay. 

“Điều đáng quý nhất là dù thầy giáo Thịnh trước đây nhận được nhiều lời mời của các phụ huynh để dạy thêm tiếng Anh cho con em họ, nhưng thầy đều từ chối. Đến khi tôi mang những ấp ủ, kế hoạch của mình tâm sự với thầy, thầy liền đồng ý ngay”, chị Thảo bộc bạch.

(CĐ Hoàng Thanh) Lớp học tiếng Anh “không đồng” của chàng trai Raglai 2
Thầy giáo Thịnh cùng các học sinh tại lớp học tiếng Anh miễn phí

Nỗ lực duy trì

Thầy Thịnh chia sẻ, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Anh của Trường Đại học Khánh Hòa, qua công tác vài nơi, thầy trở về quê nhà là xã Sơn Lâm để dạy học, công tác tại Trường Tiểu học Sơn Lâm. Nói đến công việc ý nghĩa mình đang làm, thầy chỉ cười rồi thật thà nói: “Trước đây mình đi học cũng vậy, đâu có điều kiện học thêm học bớt gì đâu. Ở địa phương cũng không có lớp dạy thêm được như dưới xuôi, nên trẻ em trên này thiệt thòi nhiều lắm. Nên mình thấy làm được gì cho các em thì làm, cố hết sức mình thôi”.

Nói về những khó khăn, thầy cũng chỉ mong có thêm vài bộ bàn ghế học sinh để các em ngồi học được thoải mái hơn, hay có thêm cái loa để dạy học sinh nghe được rõ hơn...

Chị Mấu Thị Mộng Mơ - Bí thư Huyện đoàn Khánh Sơn cho biết, lớp học tiếng Anh miễn phí của Đoàn xã Sơn Lâm là mô hình lớp học miễn phí đầu tiên của Đoàn Thanh niên trên địa bàn huyện triển khai. Trước đây, các cơ sở đoàn từng có kế hoạch dự kiến làm nhưng chưa thực hiện được. Sau thời gian dạy học trong kỳ nghỉ Hè, đến nay lớp học vẫn duy trì được, thu hút các thiếu nhi trên địa bàn xã tham gia là thành công bước đầu, thể hiện được tính hiệu quả, thiết thực của lớp học đối với các học sinh, thiếu nhi trên địa bàn xã.

Lớp học đã tận dụng được nguồn giáo viên tại chỗ hỗ trợ cho các thiếu nhi, giúp các em hình thành thói quen học tập ngoài giờ, lên trường để củng cố thêm kiến thức, kỹ năng. Để tiếp tục hỗ trợ lớp học thời gian tới, Huyện đoàn Khánh Sơn đã làm việc, đề nghị Đoàn xã Sơn Lâm liên hệ khi cần hỗ trợ, gặp khó khăn. Đồng thời, khi có các nguồn hỗ trợ, Huyện đoàn sẽ kết nối để Đoàn xã có thêm điều kiện tiếp tục duy trì lớp học đạt hiệu quả cao.

Giữa màn đêm ở miền sơn cước, mỗi tối cuối tuần, lớp học tiếng Anh miễn phí cho các thiếu nhi lại sáng đèn. Với tâm huyết của những cán bộ đoàn và thầy giáo trẻ, chúng tôi tin rằng, các thiếu nhi sẽ được chăm lo, trang bị một hành trang tốt để có một tương lai rộng mở hơn.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.