Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Khánh Hòa: Thúc đẩy giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi

Hoàng Thanh - 18:05, 16/12/2022

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu không còn hộ nghèo vào cuối năm 2025. Đây là mục tiêu khá cao, bởi toàn tỉnh còn 20 xã khu vực III, 66 thôn đặc biệt khó khăn; tỉnh còn 2 huyện nghèo 30a. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của tỉnh trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

(CĐ- Hoàng Thanh) Khánh Hòa: Thúc đẩy giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi
Việc triển khai các mô hình kinh tế và giúp đồng bào DTTS chọn cây, con phù hợp đã phát huy hiệu quả. (Trong ảnh: Hỗ trợ mô hình trồng bưởi da xanh cho hộ nghèo huyện Khánh Vĩnh)

Nhiều kết quả tích cực

Thời gian qua, cùng với nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững qua các giai đoạn, tỉnh Khánh Hòa đã lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác, đồng thời ban hành chính sách đặc thù của tỉnh để thúc đẩy giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. 

Trong đó, đáng chú ý là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 11/7/2016 của Tỉnh ủy Khánh Hòa, được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND ngày 10/8/2016 của HĐND tỉnh và Quyết định số 3347/QĐ-UBND ngày 31/10/2016 của UBND tỉnh.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa, thực hiện Chương trình này, mỗi năm tỉnh đã hỗ trợ cho hộ nghèo 12 triệu đồng và hộ cận nghèo 10 triệu đồng. Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn hỗ trợ lãi suất để nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hộ. Nhờ đó, đồng bào DTTS đã từng bước chủ động trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, cũng như biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương, phù hợp với trình trình độ canh tác, vươn lên khá giả.

Điển hình như gia đình bà Bo Bo Thị Mến, ở thôn Liên Bình, xã Sơn Bình (huyện Khánh Sơn). Trước đây, gia đình bà Mến có đất nhưng không biết trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp, nên cứ nghèo mãi. Được sự hướng dẫn của cán bộ Khuyến nông, được hỗ trợ vốn, gia đình bà cải tạo vườn trồng cây mía tím; đồng thời nuôi thêm gà, vịt và nuôi bò sinh sản. Hiện tại tất cả đều phát triển tốt, giúp gia đình bà có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Gia đình bà Mến không những đã thoát nghèo, mà còn có tiền xây nhà mới khang trang và mua sắm nhiều vật dụng khác.

Gia đình bà Bo Bo Thị Mến là một trong rất nhiều hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, góp phần giảm sâu tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Khánh Hòa, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 9,68% đầu năm 2016 xuống còn 2,09% cuối năm 2020. Còn năm 2021, khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn là 3,86%, tương ứng với 12.874 hộ.

(CĐ- Hoàng Thanh) Khánh Hòa: Thúc đẩy giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi 1
Việc triển khai các mô hình kinh tế và giúp đồng bào DTTS chọn cây, con phù hợp đã phát huy hiệu quả. (Trong ảnh: Hỗ trợ mô hình trồng bưởi da xanh cho hộ nghèo huyện Khánh Vĩnh)

Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Khánh Hòa khẳng định, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Các chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành, triển khai kịp thời; ngân sách tỉnh và nguồn lực huy động từ xã hội đầu tư cho công tác giảm nghèo ngày càng tăng; nhận thức, ý chí vươn lên của người nghèo được nâng cao, nhiều hộ đã thoát nghèo có cuộc sống khá giả.

Đa dạng các hình thức hỗ trợ

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 cho thấy, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Khánh Sơn còn chiếm 47,43%; ở huyện Khánh Vĩnh chiếm 45,9%. Toàn vùng mới chỉ có 1 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh).

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân làm việc với huyện Khánh Sơn ngày 5/8/2022
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân làm việc với huyện Khánh Sơn ngày 5/8/2022

Theo đánh giá của Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Khánh Hòa Tạ Hồng Quang, nguyên nhân tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh còn cao là do hộ nghèo còn thiếu vốn đầu tư, thiếu đất canh tác để phát triển sản xuất. Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa được gắn kết chặt chẽ. Một số chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu, nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống, hiệu quả tác động chưa cao; hoạt động hỗ trợ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài khó thực hiện…

Để giảm nghèo bền vững, theo ông Quang, một trong những giải pháp là triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo của 3 Chương trình MTQG (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi). Đồng thời, tỉnh cần bố trí nguồn lực để bảo đảm thực hiện tốt Đề án giảm nghèo bền vững của hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh giai đoạn 2022 - 2025.

Còn theo ông Đặng Văn Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa, một trong những kết quả nổi bật về giảm nghèo của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 là hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế hộ. Nhìn chung tất cả các hộ được hỗ trợ đã triển khai thực hiện tốt, hiệu quả và có sự chuyển biến rõ nét, đã có ý thức được Nhà nước và Nhân dân cùng làm.

“Việc triển khai các mô hình kinh tế và giúp đồng bào DTTS chọn cây, con phù hợp đã phát huy hiệu quả tốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình trong thời gian tới”, ông Tuấn cho biết.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân làm việc với huyện Khánh Sơn ngày 5/8/2022
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân làm việc với huyện Khánh Sơn ngày 5/8/2022

Cùng với các giải pháp hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, thì yếu tố then chốt là các địa bàn nghèo phải quyết tâm thoát nghèo. Đây là yêu cầu của ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tại buổi làm việc với huyện Khánh Sơn ngày 5/8/2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị, huyện Khánh Sơn cần đặt ra các giải pháp, phương án cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn để triển khai hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn; phấn đấu đến năm 2025, Khánh Sơn thoát khỏi huyện nghèo. Đây cũng là yêu cầu chung của lãnh đạo tỉnh đối với các huyện nghèo, xã nghèo, thôn nghèo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 cho thấy, toàn tỉnh có 12.874 hộ nghèo (3,86%) và 18.600 hộ cận nghèo (5,58%). Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương, 9 tháng năm 2022, ước tính toàn tỉnh đã giảm được 714 hộ nghèo.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.