Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xây dựng nông thôn mới ở Khánh Hòa: Mục tiêu cao, quyết tâm lớn

Hoàng Thanh - 17:47, 12/12/2022

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu có 5 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, có 75 xã NTM, trong đó có 37 xã NTM nâng cao, 10 xã NTM kiểu mẫu và không có xã dưới 15 tiêu chí. Đây là mục tiêu khá cao, nhất là đối với đòi hỏi sự quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân.

Diện mạo nông thôn mới ở xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh.
Diện mạo nông thôn mới ở xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh.

Ghi nhận ở địa bàn khó khăn

Xã Sông Cầu nằm về phía bắc và là cửa ngõ vào huyện Khánh Vĩnh. Toàn xã có 3 thôn, tổng số trên 360 hộ dân, với trên 1.300 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm 10% dân số của xã, đại đa số người dân làm nông nghiệp. Tại thời điểm năm 2016, thu nhập của người dân trong xã mới đạt 24 triệu đồng/người/năm; toàn xã có 13 hộ nghèo, trong đó có 7 hộ là đồng bào DTTS.

Được lựa chọn làm xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, vận dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách, cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, xã Sông Cầu đã có nhiều giải pháp sáng tạo để tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, đối với hộ nghèo là người DTTS, xã đã bóc tách 7ha đất để cấp cho 7 hộ nghèo để chuyển đổi sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Xã đã hướng dẫn người dân trồng trọt cho hiệu quả trên diện tích đã bóc tách bằng cách trồng xen keo và bắp để lấy ngắn nuôi dài.

Với quyết tâm và cách làm sáng tạo, hết năm 2020 (thời điểm xã đón bằng công nhận đạt chuẩn NTM), thu nhập bình quân trên địa bàn xã đã tăng lên hơn 41 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 1,47%. Trong lĩnh vực y tế - giáo dục, Sông Cầu không chỉ đạt mà còn vượt chỉ tiêu được giao; tỷ lệ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi chỉ còn 11,8%.

Theo bà Ca Tông Thị Mến, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, kết quả của xã Sông Cầu đã và đang là động lực để Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện, quyết tâm hơn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Bởi thực tế, hiện Sông Cầu là xã đầu tiên và duy nhất thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi của huyện Khánh Vĩnh, cũng là của tỉnh Khánh Hòa “về đích” NTM.

Đến năm 2022, toàn huyện Khánh Vĩnh chỉ đạt bình quân xấp xỉ trên 10 tiêu chí/xã. Trong khi đó, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Khánh Vĩnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, đến năm 2025, huyện phấn đấu xây dựng 1 xã NTM nâng cao (xã Sông Cầu), đưa xã Khánh Đông “về đích” NTM; các xã còn lại đạt bình quân 15 tiêu chí.

(CĐ- Hoàng Thanh): Xây dựng nông thôn mới ở Khánh Hòa: Mục tiêu cao, quyết tâm lớn 1
Cụm Công nghiệp Sông Cầu ở xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh.

Theo đánh giá của UBND huyện Khánh Vĩnh, bên cạnh tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo,… thì một trong những khó khăn của huyện hiện nay là thực hiện tiêu chí về giao thông. Không tính đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên huyện thì toàn huyện có 14km đường xã, 241km đường xóm, liên xóm, nội đồng. Trong đó, hơn 70% đã được cứng hóa bằng bê tông hoặc thảm nhựa; toàn huyện còn khoảng 90km đường đất. Trong năm 2022, từ nguồn vốn các chương trình, dự án (Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi,…), huyện được bố trí hơn 48 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ để sửa chữa các tuyến đường xuống cấp.

Quyết tâm cao

Tương tự Khánh Vĩnh, ở huyện Khánh Sơn, công cuộc xây dựng NTM cũng đang gặp nhiều khó khăn. Theo kế hoạch thì huyện Khánh Sơn phấn đấu đến năm 2025 có 1 xã “về đích” NTM (xã Sơn Bình); các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Nhưng đến thời điểm này, xã điểm Sơn Bình mới đạt 15/19 tiêu chí; 6 xã còn lại đều dưới 15 tiêu chí, thấp nhất là xã Sơn Trung (11 tiêu chí).

Theo ông Huỳnh Quang Thành, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Khánh Hòa, khó khăn trong xây dựng NTM ở địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đòi hỏi quyết tâm cao hơn của cả hệ thống chính trị. Bởi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu có 5 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, có 75/92 xã NTM, trong đó có 37 xã NTM nâng cao, 10 xã NTM kiểu mẫu và không có xã dưới 15 tiêu chí.

(CĐ- Hoàng Thanh): Xây dựng nông thôn mới ở Khánh Hòa: Mục tiêu cao, quyết tâm lớn 2
Khánh Hòa sẽ ưu tiên đầu tư, hỗ trợ xây dựng NTM ở địa bàn khó khăn. (Trong ảnh: Đường bê tông nội đồng xã Diên Thạnh 2, huyện Diên Khánh - Ảnh: https://khanhhoa.dcs.vn/)

Trong khi đó, tính đến tháng 9/2022, toàn tỉnh mới có 61/92 xã (tỷ lệ 66,3% số xã) được công nhận đạt chuẩn NTM. Ngay trong năm 2022, tỉnh có 4 xã đăng ký đạt chuẩn NTM (Vạn Long, Ninh An, Ninh Thượng, Diên Đồng); 7 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao (Vạn Phú, Ninh Đông, Ninh Phú, Diên Phước, Diên Lạc, Vĩnh Hiệp, Cam Thịnh Đông). Trong đó, 3/11 xã thuộc huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa và Cam Lâm đang gặp khó khăn, vướng mắc trong phân bổ vốn do quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đang được điều chỉnh và quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đang xây dựng.

Để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, bên cạnh tập trung nguồn lực đầu tư và sự chung sức của người dân, thì cần sự quyết tâm và cách làm sáng tạo của các địa phương. Như tại huyện Khánh Sơn, để đưa xã Sơn Bình “về đích” NTM vào năm 2025, huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể để hỗ trợ, trong đó tập trung tháo gỡ những vướng mắc để đạt các tiêu chí khó.

Theo ông Nguyễn Quốc Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, xã Sơn Bình nói riêng và các xã trên địa bàn huyện nói chung đều có xuất phát điểm còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, kinh tế còn nhiều khó khăn. Do đó, huyện sẽ ưu tiên tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, từ việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

“Về tiêu chí hộ nghèo, huyện tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng và lãnh đạo các cấp trong công tác giảm nghèo, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác giảm nghèo. Triển khai và thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, để thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã”, ông Đông chia sẻ.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm và khẩn trương đẩy nhanh tiến độ. Tại cuộc họp ngày 28/9/2022 về tình hình triển khai thực hiện 2 Chương trình MTQG: Giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai. Đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị, các xã đang ảnh hưởng, bởi quá trình xây dựng quy hoạch cần tạm ngưng thực hiện những tiêu chí có liên quan đến đầu tư, quy hoạch, tập trung triển khai tiêu chí về thu nhập, văn hóa…

(CĐ- Hoàng Thanh): Xây dựng nông thôn mới ở Khánh Hòa: Mục tiêu cao, quyết tâm lớn 3
Chương trình NTM hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống của người nông dân (Trong ảnh: Nông dân Diên Khánh thu hoạch lúa - Ảnh: https://khanhhoa.dcs.vn/)

Phấn đấu “về đích” mục tiêu xây dựng NTM theo kế hoạch đề ra đã và đang là quyết tâm cao của tỉnh Khánh Hòa. Ngày 30/6/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; kế đó là Nghị quyết số 62/NQ-HĐND ngày 22/8/2022 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 1) cho 66 xã nằm ngoài “Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050“, “quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm“; 26 xã còn lại sẽ tiếp tục tham mưu khi hai quy hoạch trên được duyệt.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai 2 nghị quyết trên. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 6166/KH-UBND ngày 07/7/2022 tổ chức thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM“ giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

 Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, toàn tỉnh có có 5 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, có 75 xã NTM, trong đó có 37 xã NTM nâng cao, 10 xã NTM kiểu mẫu và không có xã dưới 15 tiêu chí.

Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa cho thấy, năm 2022, toàn tỉnh giảm 1.090 hộ nghèo so với cuối năm 2021, đưa tổng số họ nghèo của tỉnh xuống còn sẽ giảm còn 11.784 hộ. Qua 9 tháng năm 2022, ước tính toàn tỉnh đã giảm được 714 hộ nghèo; dự kiến đến cuối năm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo sẽ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.


Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.