Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Khám phá nét độc đáo trong Lễ hội Khô già già năm 2024 của người Hà Nhì ở Lào Cai

Thanh Nguyên - 23:13, 06/07/2024

Lễ hội Khô già già năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 15 - 19/7 (tức ngày 10 - 14/6 Âm lịch) tại tất cả các thôn người Hà Nhì thuộc các xã Y Tý , A Lù, Trịnh Tường, Nậm Pung, A Mú Sung của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Đồng bào Hà Nhì trong các trò chơi truyền thống tại Lễ hội Khô già già
Đồng bào Hà Nhì trong các trò chơi truyền thống tại Lễ hội Khô già già

Lễ hội Khô già già hay Khu già già có từ lâu đời và là Lễ hội cầu mùa lớn nhất trong năm của người Hà Nhì Đen trên địa bàn huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Lễ hội thể hiện nét độc đáo, đặc trưng trong nghi lễ, tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp, thần rừng, thần nước, thần đất cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tươi tốt, chăn nuôi phát triển và cầu cho dân bản ấm no, hạnh phúc. Ngoài ý nghĩa tâm linh, Lễ hội Khô già già còn có ý nghĩa quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của người Hà Nhì trong mỗi thôn, bản.

Đây là Lễ hội cầu mùa trong năm, với nhiều hoạt động hấp dẫn, độc đáo, đậm bản sắc dân tộc Hà Nhì. Theo phong tục, Lễ hội sẽ được tổ chức trong 4 ngày. Ngày đầu tiên của Lễ hội năm nay (15/7), đồng bào Hà Nhì ở các thôn, bản sẽ tập trung dọn dẹp khuôn viên, lợp lại lán nơi tổ chức Lễ hội. Ngày thứ hai (16/7), sẽ thực hiện nghi thức mổ trâu hiến tế thần linh, do đàn ông, trai tráng khỏe mạnh trong thôn đảm nhận, sau đó chia thịt trâu cho các gia đình trong thôn mang về làm, thực hiện nghi lễ cúng tổ tiên, cầu mong tổ tiên bảo vệ gia đình, bảo vệ con cháu trong cả năm.

Ngày thứ ba (17/7) sẽ diễn ra nghi lễ quan trọng nhất của Lễ hội như: Lập xích đu, bập bênh, ăn đầu trâu và thực hiện nghi lễ cúng tại lán của thôn. Đây là nghi lễ cúng quan trọng nhất trong Lễ hội, cầu cho mùa màng bội thu, cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ tới với dân làng. Do vậy mọi hoạt động được diễn ra rất trang nghiêm.

Sau lễ cúng kết thúc, nam giới đại diện cho mỗi gia đình sẽ ngồi tại lán thờ ăn cơm, bàn các công việc lớn của thôn...
Sau lễ cúng kết thúc, nam giới đại diện cho mỗi gia đình sẽ ngồi tại lán thờ ăn cơm, bàn các công việc lớn của thôn...

Trong 2 ngày 18 và 19/7 diễn ra một số hoạt động của phần hội như: Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống nhảy que, đánh đi, múa gùi…; các gia đình trong thôn, bản thăm hỏi, chúc nhau những điều tốt lành. Đến với Lễ hội du khách còn được khám phá không gian văn hóa bản làng của người Hà Nhì, cùng tham gia trải nghiệm hái lê Tai Nung (VH6) đang vào mùa thu hoạch.

Tại nơi đây, du khách không chỉ cảm nhận được những nét văn hóa vô cùng đặc sắc của người Hà Nhì, mà còn được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, chiêm ngưỡng những ngôi nhà trình tường độc đáo và ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang uốn lượn men theo các sườn núi đẹp đến mê hoặc nơi đại ngàn Bát Xát...

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.