Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bảo tồn và phát triển văn hóa Hà Nhì nơi thượng nguồn sông Đà

Hà Minh Hưng - 15:40, 10/11/2023

Lai Châu có 20 dân tộc cùng sinh sống, dân tộc Hà Nhì chiếm khoảng gần 4% dân số toàn tỉnh. Trong dòng chảy cuộc sống hiện đại, nhiều giá trị văn hóa của một số dân tộc đứng trước nguy cơ mai một. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt thực hiện Nghị quyết số 04/NQ/TU ngày 17/2/2021 của Tỉnh ủy Lai Châu về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, đồng bào Hà Nhì nơi thượng nguồn sông Đà đã nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Nghệ nhân Lỳ Na Xó (người đứng thứ hai từ phải qua trái) truyền dạy các bài múa truyền thống tới các thành viên văn nghệ xã Mù Cả, huyện Mường Tè.
Nghệ nhân Lỳ Na Xó (người đứng thứ hai từ phải qua trái) truyền dạy các bài múa truyền thống tới các thành viên văn nghệ xã Mù Cả, huyện Mường Tè.

Lan tỏa phong trào dân ca, dân vũ

Cứ vào các ngày cuối tuần, căn nhà gỗ của anh Toán Sú Lồng, cán bộ văn hóa xã Mù Cả, huyện Mường Tè lại rộn rã tiếng nói cười. Gần 20 người say sưa cùng nhau luyện tập những điệu múa, bài hát truyền thống. Hòa trong tiếng trống là nhịp điệu múa uyển chuyển diễn tả lại những công việc thường ngày như: tra hạt, gặt lúa, giã gạo...

Cũng như các dân tộc khác, một năm người Hà Nhì có nhiều lễ tết quan trong như: Tết cổ truyền (Hồ Sự Chà), Lễ cúng bản (Gà Ma Thú) Tết mùa mưa (Dế khù chà)… Trong những ngày quan trọng này, văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian là "linh hồn" của người Hà Nhì.

Trong các dịp lễ tết, mừng nhà mới, cưới hỏi…, bên ánh lửa bập bùng trong ngôi nhà gỗ đơn sơ tại bản Mù Cả, các thế hệ người Hà Nhì vẫn quen với hình ảnh ông già Hà Nhì trầm ngâm rít thuốc lào, rồi say sưa kể chuyện thâu đêm về lịch sử dân tộc mình. Ông là Nghệ nhân Ưu tú Pờ Lóng Tơ (74 tuổi), người giữ "túi khôn" của người Hà Nhì ở Mường Tè. Hiện nay, ông là người Hà Nhì duy nhất sưu tầm, sáng tác và trao truyền trường ca “Xa Nhà Ca” (hay sử thi P’hùy Ca Na Ca) của dân tộc Hà Nhì ở Lai Châu.

Được biết, tháng 8/2022, Nghệ nhân Ưu tú Pờ Lóng Tơ đã truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể Trường ca "Xa Nhà Ca" cho 20 học viên là người dân tộc Hà Nhì trên địa bàn các xã (Mù Cả, Ka Lăng, Thu Lũm). Lớp truyền dạy do Phòng Văn hóa Thông tin huyện Mường Tè, UBND xã Mù Cả, phối hợp với Bảo tàng tỉnh Lai Châu tổ chức. Vào tháng 4/2023, CLB Bảo tồn Hát dân ca, dân vũ dân tộc Hà Nhì của xã Mù Cả được thành lập với 24 thành viên.

Không chỉ hát hay, múa dẻo, các cô gái Hà Nhì xã Ka Lăng còn giỏi thổi kèn môi từ lá rừng.
Không chỉ hát hay, múa dẻo, các cô gái Hà Nhì xã Ka Lăng còn giỏi thổi kèn môi được chế tác từ lá rừng.

Hay như Nghệ nhân Lỳ Na Xó (65 tuổi) tham gia nhiều chương trình liên hoan của tỉnh, khu vực. Ngoài những làn điệu dân ca truyền thống, nghệ nhân Xó cùng với CLB bảo tồn hát dân ca, dân vũ dân tộc Hà Nhì của xã Mù Cả còn dàn dựng nhiều tiết mục mới phù hợp với cuộc sống hiện đại. “Từ xa xưa, người Hà Nhì đã sáng tạo ra các điệu múa thể hiện tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tâm linh mang tính tập thể. Theo đó, nghệ thuật biểu diễn đa dạng các điệu múa như: múa trống, múa lên nương, múa dệt vải, múa nón, múa giã gạo, múa xòe… Các vũ điệu phản ánh sinh động đời sống sinh hoạt của đồng bào Hà Nhì nơi thượng nguồn sông Đà”, nghệ nhân Lỳ Na Xó bày tỏ.

Các thiếu nữ Hà Nhì ở Mường Tè rực rỡ trong ngày hội truyền thống hàng năm.
Các thiếu nữ Hà Nhì ở Mường Tè rực rỡ trong ngày hội truyền thống hàng năm.

Đưa văn hóa người Hà Nhì đến với bạn bè trong nước và quốc tế

Rời Mù Cả, chúng tôi ngược Ka Lăng gặp những người bao năm tâm huyết với văn hóa dân tộc Hà Nhì. Trong nụ cười chất phác, Mạ Lý Phạ, cán bộ văn hóa xã đang cùng đội văn nghệ say sưa luyện tập. Là hạt nhân nhiều năm gắn bó công tác văn hóa quần chúng, Phạ và đội văn nghệ Ka Lăng vinh dự mang văn hóa Hà Nhì đi trình diễn tại nhiều  sự kiện lớn trong nước và quốc tế như: Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu tại TP. Hồ Chí Minh, Lễ hội ném Còn 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc…

Nghệ nhân Sì Hừ Pứ (70 tuổi), người nắm giữ nhiều bài hát dân ca Hà Nhì ở Ka Lăng. Thời trẻ, Sì Hừ Pứ là cô gái có giọng hát dân ca hay nhất vùng. Không chỉ hát hay, Sì Hừ Pứ còn biết thổi kèn môi, đánh trống và chơi đàn 3 dây. Dù tuổi cao nhưng bất kỳ một hoạt động nào của bản, của xã, bà vẫn đến uốn chỉnh từng động tác cho các thành viên trong đội văn nghệ.

Nghệ nhân Sì Hừ Pứ cho biết: Trong các điệu múa, người Hà Nhì kết hợp nhiều nhạc cụ, nhưng trống được sử dụng nhiều nhất. Người Hà Nhì quan niệm, trống là biểu tượng của trời và đất, đánh trống nhằm báo hiệu niềm vui được mùa, niềm vui của người chiến thắng. Các động tác múa diễn tả cả quá trình khai khẩn đất hoang để dựng bản dựng làng đến việc cấy hái và thu hoạch mùa màng. Tiếng trống cất lên là tượng trưng cho tiếng sấm đầu tiên trong năm và cầu mong năm đó mùa màng bội thu nhiều ngô lúa, dân bản có cuộc sống bình yên. Múa trống của người Hà Nhì rất đặc sắc, các động tác múa diễn tả quá trình khai khẩn đất hoang để dựng bản, dựng làng, đến việc cấy hái và thu hoạch mùa màng…

Đánh cầu lông gà, môn thể thao truyền thống được người Hà Nhì yêu thích trong các ngày lễ tết.
Đánh cầu lông gà, môn thể thao truyền thống được người Hà Nhì yêu thích trong các ngày lễ tết.

Thực hiện nghị quyết số 04-NQ/TU về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; huyện Mường Tè có 110 bản đã kiện toàn và thành lập được 111 đội văn nghệ (riêng xã Ka lăng có 2 đội văn nghệ). 

 Dưới sự hướng dẫn, trao truyền của các nghệ nhân đã thu hút nhiều thành viên mới, các thành viên văn nghệ ngày càng trẻ hóa. Đặc biệt, các nghệ nhân và đội văn nghệ được quan tâm, hỗ trợ có điều kiện hơn trong việc sưu tầm, truyền dạy và bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc mình.

"Nguồn kinh phí hàng năm cấp cho mỗi đội văn nghệ là 20 triệu đồng/đội/năm, đã góp phần vào việc mua sắm đạo cụ, trang phục, cũng như công tác sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt, điệu xòe truyền thống Hà Nhì đang được khôi phục trở lại….", ông Mạ Lý Phạ, cán bộ văn hóa xã Ka Lăng, huyện Mường Tè cho biết.

Ông Giàng A Lình, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Mường Tè khẳng định: Các CLB, đội văn nghệ không chỉ sưu tầm, khôi phục các điệu múa mà còn trực tiếp truyền dạy cho các thế hệ trẻ tại địa phương. Qua đó, góp phần quảng bá, lan tỏa văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của địa phương, đồng thời tăng thêm tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.